LẤY Ý KIẾN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

27/04/2023

Sáng 27/4, tại Vĩnh Phúc, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức hội thảo: Một số vấn đề về dự thảo Luật Tài nguyên nước ( sửa đổi). Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương và Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đồng chủ trì hội thảo.

KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Khánh Duy

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương nêu rõ, nước là tài nguyên thiết yếu, vô cùng quý giá và cũng là vấn đề chuyên ngành có mối liên quan mật thiết đến nhiều tài nguyên quan trọng khác như đất đai, khoáng sản... Trong thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương lớn liên quan đến quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách, chương trình hành động nhằm tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước ( sửa đổi) sẽ được cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 15 bởi vậy, việc tổ chức hội thảo để tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội về tài nguyên nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội tin tưởng, hội thảo sẽ là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ, thảo luận về các nội dung trọng tâm của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng như các vấn đề về tài nguyên nước hiện nay.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Góp ý về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật tài nguyên nước sửa đổi quy định: Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này… Một số đại biểu cho rằng quy định như này chưa hợp lý bởi hiện nay có rất nhiều con sông của Việt Nam có chất khoáng theo mùa, nếu bỏ ra khỏi dự thảo luật sẽ thiếu chặt chẽ quy định về nguồn nước. Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng hiện nay nước khoáng, nước nóng thiên nhiên được xem là một loại khoáng sản nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản. Do đó, để tránh chồng chéo, không nên thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Cùng với đó nếu đưa vào trong luật sẽ gây “ loãng” luật dẫn đến khó quản lý.

Một số ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đề nghị có kế hoạch đầu tư dài hạn đối với công tác bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch, trong đó ưu tiên nhiệm vụ cấp bách trữ nước, chuyển nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu. Giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa thượng lưu với hạ lưu, giữa các địa phương, khu vực.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh Khánh Duy

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung: Bảo vệ môi trường nước dưới đất; Cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt.

Liên hợp quốc ước tính, tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hóa sẽ khiến nhu cầu về nước tăng 30% vào năm 2030, nhu cầu về thực phẩm tăng 50%, trong khi nhu cầu năng lượng tăng 40%. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cộng đồng cần phải quản lý nguồn tài nguyên nước để đảm bảo duy trì sự hoạt động ổn định của nền kinh tế và sự tồn tại của cộng đồng. Bảo vệ an ninh nguồn nước là con đường không thể đảo ngược, là vấn đề cần được các quốc gia quan tâm hàng đầu để bảo vệ sự sống trên khắp hành tinh./.

Diệu Huyền