GỠ KHÓ TRONG CẢI TẠO NHÀ CHUNG CƯ XUỐNG CẤP NGUY HIỂM

21/04/2023

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu đều cho rằng một trong những vướng mắc lớn hiện nay cần phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở là tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Tuy nhiên, các nội dung bổ sung trong dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu về tính cụ thể, khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn, cần phải được tiếp tục nghiên cứu rà soát.

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 14 THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI).

Toàn cảnh phiên họp thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật

Tại chương 5 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về vải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Với 15 Điều (từ Điều 60 đến Điều 72) dự thảo Luật quy định về: Thời hạn sử dụng nhà chung cư; Nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; Các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Các cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Yêu cầu, nội dung kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Yêu cầu về quy hoạch dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời.

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Nhà ở 2014 thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã Luật hóa một số quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật như: Các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; Nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; Các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Các cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Yêu cầu, nội dung kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Yêu cầu về quy hoạch dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp

Một trong những vướng mắc lớn hiện nay cần phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở là tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Chính vì vậy, trong Hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3/2023, Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định cụ thể về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng (quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư). Tuy nhiên, nội dung này không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật trình Quốc hội đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, các đại biểu cho rằng mặc dù đã có tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng các nội dung bổ sung trong dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra về tính cụ thể, khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn, cần phải được tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trao đổi về ý kiến ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho hay, trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, giám sát việc thực thi pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong thực tiễn ở các đô thị lớn, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, các quy định của dự thảo Luật về vấn đề này cần phải tháo gỡ các điểm nghẽn về việc không di dời được người dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ; không lựa chọn được chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong trường hợp người dân tự góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư; không thống nhất được phương án bồi thường, tái định cư sau khi đã lựa chọn được chủ đầu tư dẫn đến việc triển khai dự án kéo dài, không bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; một dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải áp dụng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư của cả Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cũng là một vướng mắc cần phải khắc phục trong thực tiễn.

Điều hành thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đặt vấn đề Vấn đề cải tạo xây dựng nhà chung cư, hiện nay vấn đề này vướng mắc trong thực tiễn, nhiều dự án nhà chung cư xuống cấp nguy hiểm nhưng khong thể di dời người dân để xử lý. Kì vọng dự thảo luật có quy định để tháo gỡ. Dự thảo quy định thẩm quyền, trình tự thủ tục di dời người dân tại nhà chung cư nguy hiểm. Vấn đề đặt ra quy định này đủ cụ thể, bảo đảm các quyền Hiến định của người dân với nhà ở, quyền về nơi ở, sở hữu nơi ở…

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại phiên họp

Hoan nghênh Ban soạn thảo đã bỏ quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư, song Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ ra rằng nội dung của dự thảo luật vẫn quy định theo phê duyệt thiết kế xây dựng nhà chung cư… thì thực chất vẫn là có thời hạn nhà chung cư. Mặt khác, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng một khi nhà chung cư xuống cấp thì buộc phải tháo dỡ dù có thể sớm hơn thời gian được phê duyệt, song việc di dời người dân phải có quy định rõ về quy trình, cũng như rõ ràng, rành mạch quy định về phương án bồi thường tái định cư. Đại biểu nhấn mạnh, phương án bồi thường tái định cư là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, quyết định trong việc người dân đồng thuận di dời khỏi nhà chung cư xuống cấp.

Ngoài ra, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũng lưu ý đối với quy định lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đại biểu nêu rõ, khoản 1 Điều 65 dự thảo Luật quy định các hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó có nội dung: “Trường hợp thuộc diện quy định tại các điểm c, d và điểm đ khoản 1 Điều 61 của Luật này thì các chủ sở hữu có thể hợp tác, lựa chọn các doanh nghiệp có đủ điều kiện quy định tại Điều 37 của Luật này, đáp ứng các tiêu chí làm chủ đầu tư dự án.”.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu

Theo đại biểu, dự thảo luật không quy định rõ tiêu chí làm chủ đầu tư dự án là những tiêu chí nào, cơ quan nào có thẩm quyền quy định. Đại biểu cho rằng nên giao Chính phủ quy định để bảo đảm thống nhất trong cả nước về các tiêu chí làm chủ đầu tư dự án. Do đó, đề nghị quy định rõ ràng hơn về nội dung “đáp ứng các tiêu chí làm chủ đầu tư dự án” để bảo đảm thống nhất trong quá trình thực hiện.

Bảo Yến