ĐẢM BẢO KỊP THỜI, CÔNG BẰNG, MINH BẠCH TRONG BẢO VỆ LỢI ÍCH NGƯỜI TIÊU DÙNG

14/04/2023

Dự án luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Nhiều ý kiến đề nghị việc sửa luật lần này cần đảm bảo kịp thời, công bằng, minh bạch trong bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Ngày 02/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)Tổng số có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Tổ và có 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường. Sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự án luật đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 20, để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua.

Các đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Thảo luận về dự án luật này, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về giải thích từ ngữ tại Điều 3 của dự thảo Luật. Theo đó, có ý kiến đề nghị quy định các thuật ngữ đảm bảo rõ ràng, chính xác và dễ hiểu; bổ sung, giải thích, làm rõ nội hàm của khái niệm về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; phân biệt sản phẩm, hàng hóa, làm rõ sự cần thiết bổ sung khái niệm "sản phẩm" vào dự thảo Luật; đề nghị xem xét bổ sung các khái niệm và các điều, khoản điều chỉnh liên quan đến thương mại điện tử để đảm bảo sự bao quát của phạm vi điều chỉnh của Luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung các khái niệm về: “quyền lợi người tiêu dùng”, “tổ chức”, “hàng hóa không bảo đảm chất lượng”, “bên thứ ba”, “thời gian hợp lý”, “bảo hành” “sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”, “tiêu dùng lành mạnh” và “tiêu dùng bền vững”, “dịch vụ liên tục”; “bán hàng tận cửa”.

Về khái niệm người tiêu dùng, nhiều ý kiến đề nghị chỉnh lý khái niệm người tiêu dùng theo hướng gồm tổ chức, vì người tiêu dùng ở đây có thể cá nhân, cũng có thể là hộ gia đình, cũng có thể là tổ chức. Có ý kiến đề nghị tại khoản 1 Điều 3 bổ sung cụm từ “tổ chức” sau cụm từ “cá nhân” và bổ sung cụm từ “tổ chức’’, “cộng đồng” sau cụm từ “gia đình” và khoản này thể hiện lại như sau: “người tiêu dùng là cá nhân, tổ chức mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức, cộng đồng và không vì mục đích thương mại”.

Nhiều ý kiến đóng góp về dự án Luật đã được phát biểu tại nghị trường Quốc hội

Có ý kiến đề nghị làm rõ trường hợp người dân tiến hành mua, đang mua, hoặc khi tiếp nhận thông tin quảng cáo thì đã là người tiêu dùng chưa. Cần phải bổ sung chủ thể "người tiêu dùng tiềm năng" để bao hàm hết đối tượng trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định về người tiêu dùng theo hướng gồm cơ quan, tổ chức mua sản phẩm, dịch vụ sử dụng tại nơi làm việc dùng trong các hoạt động công cộng để đảm bảo tất cả các đối tượng tiêu dùng đều được pháp luật bảo hộ chứ không chỉ là tổ chức, cá nhân tiêu dùng.

Cùng với đó, một số đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc công việc” sau “sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt”, có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh sửa khái niệm người tiêu dùng và các khái niệm liên quan đến khái niệm này trong dự thảo Luật để phù hợp với điều kiện hiện nay, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

Về khái niệm "Tổ chức, cá nhân kinh doanh", các đại biểu đề nghị nên bổ sung, chỉnh sửa như sau: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện một số khâu hoặc tất cả các khâu, các công đoạn, quá trình đầu tư, sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng đến tiêu thụ sản phẩm” vì quá trình tổ chức kinh doanh thực hiện qua nhiều khâu, trong đó có khâu đầu tư sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung “nhập khẩu” vào ngay sau cụm từ "tiêu thụ". Đề nghị rà soát các quy định khác của dự thảo Luật để bổ sung quy định về nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và các điều, khoản có liên quan.

Về khái niệm "Thông tin của người tiêu dùng", có ý kiến đề nghị chỉ tiếp cận ở góc độ là thông tin cá nhân liên quan đến họ tên, địa chỉ, số điện thoại. Đối với khái niệm "Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật", có ý kiến đề nghị rà soát, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định phạm vi, nội hàm khái niệm này bảo đảm rõ ràng, bao quát và khả thi.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Cùng với đó, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu làm rõ và điều chỉnh lại cách thể hiện “khuyết tật” hay "khiếm khuyết" vì các cụm từ này thường chỉ dùng cho đối với người nhiều hơn là đối với sản phẩm. Có ý kiến cho rằng, sản phẩm khuyết tật hay khiếm khuyết trước hết là nhóm sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hình thức, mẫu mã, sau đó mới đến nhóm sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của con người, bảo đảm an toàn sức khỏe con người.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung giải thích theo hướng: sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng và không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến công dụng của sản phẩm, hàng hóa mà người tiêu dùng mong muốn.

Về khái niệm "Người có ảnh hưởng", các đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "có uy tín" và thể hiện lại là "người có ảnh hưởng là các chuyên gia, người có uy tín được sự chú ý trong ngành nghề, lĩnh vực nhất định…". Nội dung giải thích về người có ảnh hưởng chưa khoa học, chưa cụ thể, sẽ khó trong quá trình áp dụng, cần rà soát, định nghĩa lại.

Toàn cảnh hội nghị

Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 4), chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 5) và chính sách của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững (Điều 6), có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được thực hiện từ sớm và phải đảm bảo kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật; bổ sung “người tiêu dùng cần phải được tôn trọng và bảo vệ”.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm tự nguyện, tức là giao dịch giữa người tiêu dùng tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm tự nguyện và bình đẳng, đề nghị bổ sung cụm từ "cá nhân” vào khoản 1 Điều này nhằm nâng cao tính trách nhiệm, nhấn mạnh nghĩa vụ của mỗi công dân trong thực hiện nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Minh Hùng

Các bài viết khác