DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI): LÀM RÕ VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG CÔNG VỤ

07/04/2023

Thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các ý kiến đại biểu cho rằng, chữ ký chuyên dùng công vụ cần phải được quản lý, cung cấp một cách chặt chẽ, bảo mật, không nên giao cho các tổ chức bên ngoài. Đồng thời đề nghị cần bổ sung rõ nhiệm vụ, vai trò của Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vai trò quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về trách nhiệm quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/4: HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH XEM XÉT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Bổ sung rõ nhiệm vụ của Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ

Thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu quan tâm đến quy định chữ ký số chuyên dùng công vụ và cho rằng chữ ký chuyên dùng công vụ cần phải được quản lý, cung cấp một cách chặt chẽ, bảo mật, không nên giao cho các tổ chức bên ngoài. Đồng thời bày tỏ băn khoăn sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Quốc phòng liên quan đến Ban Cơ yếu Chính phủ về trách nhiệm quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Bàn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhận thấy, cụm từ “chữ ký số chuyên dùng công vụ” được đề cập 11 lần, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh, an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước và nhiều nội dung quan trọng khác đối với quá trình thực thi công vụ. Vì vậy, cần thiết phải phân tích, làm rõ hơn nữa về mặt tổ chức thực hiện, trách nhiệm pháp lý, an toàn, an ninh quốc gia đối với đơn vị cung cấp, quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ tại Điều 7, Điều 26.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu đề nghị bổ sung rõ nhiệm vụ của Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, cần phải quy định thật rõ trong luật bởi những lý do như sau:

Thứ nhất, về cơ sở chính trị, pháp lý đối với chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Nghị quyết 56/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, xác định rất rõ “lực lượng cơ yếu chủ trì triển khai sản phẩm mật mã để bảo vệ hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tiên tiến, hiện đại”. Đồng thời tại Luật Tổ chức Chính phủ, Nghị định số 09/2014, Nghị định số 130/2018, Thông tư số 185/2019 của Bộ Quốc phòng đã thể chế đầy đủ nội dung này và luôn nhất quán quan điểm “Ban cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Dùng mật mã và chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức xây dựng hạ tầng, bảo đảm cung cấp dịch vụ và quản lý thống nhất hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị”. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nêu rõ, quan điểm này đã quy định rất rõ, phân biệt Ban cơ yếu Chính phủ với những tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số thông thường.

Thứ hai, về cơ sở thực tiễn, qua hơn 15 năm qua, Ban cơ yếu Chính phủ đã tham mưu, giúp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý nhà nước triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ có mức độ an toàn kỹ thuật, bảo mật cao đạt hiệu quả được cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng thừa nhận và không có vướng mắc, bất cập.

Đồng thời, đại biểu cho rằng, công vụ là một loại hoạt động đặc biệt, mang tính quyền lực pháp lý, được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước hoặc những người khác khi được Nhà nước trao quyền, nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Chữ ký chuyên dùng công vụ là chữ ký của những người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều tác động, ảnh hưởng lớn đến Nhân dân, đến quốc gia, dân tộc.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhấn mạnh, chữ ký chuyên dùng công vụ cần phải được quản lý, cung cấp một cách chặt chẽ, bảo mật, không nên giao cho các tổ chức bên ngoài, nếu không sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ mất an ninh, an toàn cho hệ thống chính trị. Vấn đề này cần được lưu ý đặc biệt và cần được rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng và quy định thật rõ trong dự thảo luật.

Cần quy định rõ Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng được Chính phủ giao

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Liên quan đến vai trò của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ban Cơ yếu Chính phủ trong vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhận thấy, nội dung này đã được Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ giải thích tương đối cụ thể nhưng cần làm rõ thêm và thiết kế sao cho phù hợp.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật và rất đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, trực tiếp phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước; việc chỉ huy, chỉ đạo của lượng vũ trang nhân dân. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ yếu, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ cơ yếu thì phải được xác định rất rõ trong quy định của pháp luật, không nên theo hướng giao cho Chính phủ.

Đại biểu nhận thấy, các quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ được nhắc tới 11 lần, quy định tại 5 điều luật trong Luật này. Đây là nội dung rất quan trọng liên quan đến việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không có bất kỳ quy định nào đề cập đến vai trò của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như Luật Cơ yếu, Luật Tổ chức Chính phủ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Liên quan đến vai trò của Ban Cơ yếu Chính phủ, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, Ban Cơ yếu Chính phủ không phải là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ không phải là cơ quan thuộc Chính phủ, làm nhiệm vụ rất quan trọng nhưng được giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần quy định rõ ràng Ban Cơ yếu Chính phủ không phải là cơ quan của Bộ Quốc phòng mà là cơ quan thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng được Chính phủ giao. Nhiệm vụ cơ yếu thì có hệ thống của Đảng, của Nhà nước, Ban Cơ yếu Chính phủ đang làm nhiệm vụ quản lý, trực tiếp tham gia vào tất cả các hoạt động liên quan đến lĩnh vực cơ yếu, đặc biệt liên quan đến quản lý mật mã và chữ ký số chuyên dụng. Đồng thời đề nghị quy định rõ vai trò của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ban Cơ yếu Chính phủ trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Băn khoăn sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Quốc phòng liên quan đến Ban Cơ yếu Chính phủ

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Bàn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhận thấy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh có trách nhiệm tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội cũng như Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong những vấn đề về quốc phòng, an ninh liên quan đến tất cả các dự án luật.

Liên quan đến trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ với tư cách là cơ quan mật mã quốc gia, theo Luật Giao dịch điện tử hiện hành thì đang thực hiện nhiệm vụ cung cấp và mã hóa các chữ ký chuyên dùng công vụ. Theo quy định của Luật mới hiện nay, đại biểu Nguyễn Minh Đức đồng tình với quan điểm thống nhất quản lý nhà nước giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan khác theo nhiệm vụ của mình như trong phạm vi của Điều 7 quy định là có trách nhiệm phối hợp.

Báo cáo của thẩm tra dự án Luật này khẳng định, hầu hết các giao dịch điện tử liên quan đến Ban cơ yếu Chính phủ, tức là chữ ký số chuyên dùng Chính phủ không thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước. Điều này chứng tỏ vẫn còn một phần nào đó có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước. Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị trong báo cáo đánh giá tác động yêu cầu Chính phủ cần bổ sung thêm và làm rõ quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông trong dự thảo Luật.

“Lâu nay việc thực hiện Luật Giao dịch điện tử này dẫn đến việc chồng chéo về góc độ quản lý nhà nước giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Quốc phòng liên quan đến Ban Cơ yếu Chính phủ hay không. Từ chồng chéo đó có dẫn đến việc làm cản trở quá trình phát triển kinh tế của đất nước?”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Nhấn mạnh đây là luật chuyên ngành rất sâu về các hoạt động về công vụ, giao dịch hành chính, hoạt động hành chính, các hoạt động về thương mại, dịch vụ đều hoạt động trên môi trường mạng, đại biểu đề nghị cần giải trình cụ thể các vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng đề nghị cần làm rõ thêm, lâu nay Ban Cơ yếu Chính phủ đã thực hiện nhiệm vụ cung cấp chữ ký số chuyên dùng và được mã hóa thì có xảy ra vấn đề gì liên quan đến quốc phòng, an ninh hay không và có hậu quả gì không?

Đại biểu cho rằng, nếu thống nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, không giao Ban Cơ yếu Chính phủ thì cần tách bạch rất rõ Ban Cơ yếu Chính phủ làm gì trong phạm vi của Luật này. Đề nghị cần đánh giá kỹ vấn đề này để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Luật. Ngoài ra, vấn đề bảo đảm mã hoá, bảo mật, chống giả mạo liên quan đến quốc phòng, an ninh cũng cần được đánh giá sâu, kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận trong ý kiến của các đại biểu Quốc hội./.

Bích Ngọc