LẤY Ý KIẾN HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

04/04/2023

Sáng 04/4, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo "Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đánh giá việc thể chế hóa Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư trong dự thảo Luật".

CÂN NHẮC VIỆC DOANH NGHIỆP PHẢI CUNG CẤP DỮ LIỆU THEO THỜI GIAN THỰC TRONG GIAO DỊCH VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO MẬT THÔNG TIN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG THAM GIA GIAO DỊCH VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cùng các Ủy viên của Ủy ban; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng các đại biểu Quốc hội.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010). Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.


Toàn cảnh Hội thảo.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 07 Chương, 79 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021. Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cẩu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Hiện nay, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật đang trong quá trình hoàn thiện dự án Luật để dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo.

Đề cập một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự Thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 20, tháng 02/2023, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổ chức làm việc, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi văn bản số 1259/UBKHCNMT15 ngày 09/3/2023 xin ý kiến Chính phủ một số nội dung của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách gồm: Khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3); Giải quyết tranh chấp tại Tòa án (Mục 5 Chương V); Bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh...

Đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đi vào thực tiễn cuộc sống một cách thực chất

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào các nội dung: Bảo vệ người tiêu dùng trong thời đại thương mại điện tử; Trách nhiệm của cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc bảo vệ người tiêu dùng; Thực hiện các qui định của pháp luật về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung...

Đánh giá việc thể chế hoá Chỉ thị số 03CT/TW  ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của  Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong dự thảo “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)”, TS.Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, Uỷ viên Hội đồng Tư vấn Văn hoá - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)” cần đi vào cuộc sống một cách thực chất như tập trung vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, mua sắm tài sản công, mua bán hàng hóa, của người dân. Mặt khác, Luật phải làm rõ hơn quyền lợi của người tiêu dùng trong sở hữu trí tuệ.


Ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội.

Ngoài ra, TS.Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, cần quan tâm Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhân lực trong việc bảo vệ người tiêu dùng hay hòa giải với các đơn vị bán hàng khi xảy ra kiện cáo, tranh chấp trong mua bán, phân phối hàng hóa.

TS.Nguyễn Văn Hùng đề xuất với Ban soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần nêu rõ hơn trong dự án Luật về việc đảm bảo hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các địa phương. Người tiêu dùng không chỉ giao dịch trực tiếp mà còn mua bán hàng hóa, giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng. Bên cạnh những thuận lợi do giao dịch trên mang lại thì người tiêu dùng cũng đang đối mặt với những rủi ro. Đó là người tiêu dùng có thể bị bán hàng không đảm bảo chất lượng, bị lợi dụng tên tuổi để gắn vào quảng cáo sản phẩm hàng hóa.

Đồng thuận với quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần thể chế hóa phù hợp với thời đại thương mại điện tử. Quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc để người dân tự bảo vệ mình. Ngoài ra, cần có tiêu chuẩn, tiêu chí sản phẩm để cho cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện cũng như tự bảo vệ mình.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tham gia góp ý vào nội dung bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định, hiện nay, người tiêu dùng tham gia trao đổi, mua bán hàng hóa trên mạng xã hội rất nhiều nên để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn thì trong dự thảo Luật cần có 1 điều khoản về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng. Ngoài ra, những người tiêu dùng được ưu tiên bảo vệ cần được quy định rõ ràng hơn tại Điều 8 của dự thảo Luật.

Trước những ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với việc hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, dự thảo Luật được xây dựng trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội ngành nghề... tham gia vào bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa, sản phẩm và giao dịch...

Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối dự thảo Luật. Nhiều ý kiến rất sâu sắc, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư trong dự thảo Luật. Một số ý kiến góp ý vào cần tiếp tục nghiên cứu đối với tên của Điều 8: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ưu tiên bảo vệ; Tiêu chuẩn quy chuẩn về sản phẩm; giao dịch đặc thù...

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ cùng với cùng với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi xin ý kiến của Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 4/2023 và trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến để thông qua dự thảo Luật này trong Kỳ họp thứ 5 tới./.

 Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đánh giá việc thể chế hóa Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư trong dự thảo Luật.


Các đại biểu tham dự Hội thảo.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề cập về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại Hội thảo.

GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng góp ý kiến vào việc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nêu quan điểm về việc thực hiện các qui định của pháp luật đối với hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Luật sư Lê Thị Ngân Giang - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ Pháp luật đóng góp vào quy định về người dễ bị tổn thương, những ưu đãi dành cho người dễ bị tổn thương; cơ chế xử lý đổi với các vi phạm đối với người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc - Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội cho rằng, cần có các cách thức bảo vệ người tiêu dùng như truyền thông, tư vấn trực tiếp cho người dân khi mua sắm hàng hóa...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân làm rõ những ý kiến của các đại biểu, chuyên gia.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban sẽ cùng với cùng với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi xin ý kiến của Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 4/2023 và trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến để thông qua dự thảo Luật này trong Kỳ họp thứ 5 tới./.

Bích Lan - Trọng Quỳnh