HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO ĐẢM SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH HÀNG HÓA TƯƠNG LAI

04/04/2023

Sáng 4/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Hoàn thiện pháp luật bảo đảm sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai trong bối cảnh cam kết của Việt Nam theo các Hiệp định EVFTA VÀ CPTPP”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm triển khai Kế hoạch hoạt động của Đề tài khoa học cấp bộ (mã số ĐTCB.2022-10): “Hoàn thiện pháp luật bảo đảm sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai trong bối cảnh các cam kết của Việt Nam theo các Hiệp định EVFTA và CPTPP” do Ths. Đinh Thanh Hương, Trưởng ban Quản lý khoa học làm Chủ nhiệm.

Tham dự hội thảo có: đại diện các cơ quan liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hội tư vấn Thuế Việt Nam, Bộ Công thương;...

Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra góc nhìn tổng quan về giao dịch hàng hóa tương lai và pháp luật về giao dịch hàng hóa tương lai đồng thời, đánh giá hiện trạng vận hành của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai ở Việt nam. Trên cơ sở chỉ ra những thách thức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp/ kiến nghị hoàn thiện liên quan đến chính sách thuế và phí đối với thị trường giao dịch tương lai.

Chuyên gia góp ý tại Hội thảo

Theo các chuyên gia, thị trường giao dịch hàng hóa tương lai là phương thức tổ chức giao dịch hàng hóa theo thông lệ, tiêu chuẩn và thực tiễn gắn với lịch sự phát triển lâu dài của nền thương mại toàn cầu. Những trung tâm thương mại toàn cầu được hình thành từ các mô hình giao dịch có tổ chức dưới dạng sở giao dịch hàng hóa. Đây là mô hình tổ chức kết hợp giữa tính truyền thống các giao dịch mua bán hàng hóa thông thường với tính ưu việt của các giao dịch sử dụng các công cụ tài chính phái sinh đỉnh cao trên thị trường chứng khoán.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, thị trường giao dịch hàng hóa tương lai Việt Nam có lịch sử hình thành khoảng 25 năm và đang được chuyển hóa theo thông lệ và tập quán quốc tế. Sở giao dịch hàng hóa là cơ quan điều tiết tập trung có nhiều tiềm năng phát triển và đối mặt với nhiều thách thức.

Chỉ ra những thách thức đặt ra, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu rõ, các loại thách thức gắn với bản chất và đặc tính của thị trường như rủi ro, lợi nhuận lớn và cơ hội phát triển vô tận. Cụ thể: thách trong huy động cao nhất nguồn lực trong nền kinh tế thông qua tín hiệu của thị trường sở giao dịch hàng hóa; thách thức do cạnh tranh giữa các sàn giao dịch; do công tác thống kê chuyên ngành, số liệu và thông tin tường minh,…

Cho ý kiến về các giải pháp, nhiều ý kiến đề nghị, các giải pháp cần đồng bộ từ nhà nước, sở giao dịch, doanh nghiệp và các đối tượng hữu quan. Trong đó, giải pháp bao trùm là cần có chiến lược cải thiện hiện trạng trạng thái thấp đến trạng thái trung bình và trạng thái phát triển cao. Giải pháp cục bộ gắn với từng lĩnh vực như: hoàn thiện hệ thống pháp lý chuyên sâu, phát triển chuỗi cung ứng, giải pháp tổ chức quản trị khoa học, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và tích cực kết nối quốc  tế;…

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị, cần phát triển đội ngũ doanh nghiệp, nhà môi giới, nhà đầu tư và bộ máy vận hành thị trường hấp dẫn, đầu tư xây dựng văn hóa, thói quen đầu tư vào thị trường giao dịch hàng hóa tương lai hiệu quả.

Liên quan đến quy định pháp luật về giao dịch hàng hóa tương lai, các chuyên gia nhấn mạnh, giao dịch hàng hóa tương lai ngoài sở giao dịch hàng hóa được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự năm 2015, các quy định pháp luật về hợp đồng thương mại,... Giao dịch hàng hóa tương lai qua sở giao dịch hàng hóa được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật riêng, phù hợp với đặc trưng của giao dịch.

TS. Nguyễn Thị Yến, Trưởng bộ môn Luật Thương mại, Đại học Luật Hà Nội 

Góp ý tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Yến, Trưởng bộ môn Luật Thương mại, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, tùy từng quốc gia khác nhau mà pháp luật về giao dịch hàng hóa tương lai qua sở giao dịch hàng hóa được quy định khác nhau. Đưa ra dẫn chứng, TS. Nguyễn Thị Yến cho biết, như tại Singapore, Thái Lan,... pháp luật về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa được quy định trong nhiều văn bản thuộc hệ thống pháp luật thương mại mà nền tảng là Luật mua bán hàng hóa tương lai. Tuy nhiên, ỏ Liên bang Nga, Việt Nam... pháp luật về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa được quy định trong nhiều văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực luật khác nhau như: Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Hình sự,... Theo cách này, Luật mua bán hàng hóa tương lai hay Luật về Sở giao dịch hàng hóa (luật chuyên ngành trong lĩnh vực thương mại) chỉ quy định những vấn đề liên quan đến nội dung của quan hệ mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, giao dịch hàng hóa tương lai có lịch sử phát triển khá lâu, nhưng giao dịch hàng hóa tương lai qua sở giao dịch hàng hóa vẫn rất mới và chưa phát triển ở Việt Nam. Pháp luật về giao dịch hàng hóa tương lai qua sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam cũng vì thế mà chưa phát huy hiệu quả điều chỉnh, trong khi đối với thế giới, pháp luật về hoạt động này đã đầy đủ và đồng bộ.

Kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý, các chuyên gia đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005 quy định hoạt động giao dịch, mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa; Xây dựng Nghị định mới về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, thay thế cho Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP;…

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị, nghiên cứu , bổ sung mã ngành kinh tế quốc dân đối với hoạt động Sở Giao dịch hàng hóa, hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cụ thể trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội thảo

Phát biểu kết luận, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý tại hội thảo. Đồng tình với nhiều nhận định đưa ra, TS. Lê Hải Đường cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu toàn diện các ý kiến đóng góp trong quá trình triển khai hoàn thiện Đề tài. Nhấn mạnh, đây là đề tài có tính mới, nội dung nghiên cứu mang tính chuyên sâu, TS. Lê Hải Đường đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp tục bám sát Đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt, phân tích làm rõ hiện trạng, giải pháp đảm bảo kết quả của công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn./.

Lê Anh