TỔ CÔNG TÁC ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA LÀM VIỆC VỚI BỘ Y TẾ

04/04/2023

Sáng 04/4, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” đã làm việc với Bộ Y tế.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Quang cảnh cuộc làm việc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì cuộc làm việc. Tham dự cuộc làm việc có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các thành viên Tổ công tác của Đoàn giám sát, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo Quyết định số 263/QĐ- TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện; Tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm...

Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ đã xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể với các nhiệm vụ được giao; lập kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm và hàng năm thực hiện Chương trình; ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực y tế; xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình cơ sở hạ tầng thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công. Tuy nhiên, tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình còn chậm so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn còn chậm, kinh phí sự nghiệp năm 2022 phải chuyển sang năm 2023 tiếp tục thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trình bày báo cáo

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng việc ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành theo đúng kế hoạch đã được phân công như xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể các đơn vị thực hiện, xây dựng Hướng dẫn thực hiện và phổ biến tới các địa phương...

Tuy nhiên, do chưa có kinh phí phân bổ để triển khai từ trung ương đến địa phương cho Tiểu dự án 2: cải thiện dinh dưỡng nên từ trung ương đến địa phương chưa triển khai thực hiện được các hoạt động can thiệp cải thiện dinh dưỡng cho các đối tượng thụ hưởng của Chương trình giảm nghèo trong năm 2022. Dự kiến kinh phí năm 2022 sẽ chuyển tiếp để thực hiện trong năm 2023, do đó khối lượng công việc để triển khai có thể quá lớn đối với tất cả các tuyến trong năm đầu tiên thực hiện.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã bám sát các nhiệm vụ được giao tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia để khẩn trương triển khai thực hiện. Năm 2022, Bộ Y tế cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện nội dung y tế thuộc các Chương trình. Đồng thời, Bộ Y tế đã tích cực triển khai các hoạt động, nội dung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, công tác này còn gặp một số vướng mắc do năm 2022 là năm đầu triển khai thực hiện các Chương trình sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Bộ Tài chính ban hành các Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình nên các đơn vị phải nghiên cứu kỹ, rà soát để bảo đảm thực hiện đúng quy định.

Đưa ra ý kiến về một số vấn đề cần quan tâm trong báo cáo của Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, Tổ công tác đánh giá cao báo cáo của Bộ Y tế đã bao quát khá đầy đủ việc thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao, sát với tinh thần của Nghị quyết của Quốc hội, phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu

Các kết quả đã đạt được như trong báo cáo của Bộ Y tế đã nêu, đối với cả 3 Chương trình là rất đáng ghi nhận, từ khâu ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện cả 3 chương trình, cho đến khâu tổ chức triển khai trên thực tế. Những kết quả tích cực đó là nền tảng, cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, dự án, tiểu dự án của cả 3 chương trình trong kỳ kế hoạch 2021-2022.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được kẻ trên, báo cáo vẫn còn có một số nội dung chưa đầy đủ thông tin, số liệu. mới mang tính liệt kê việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, chưa nhận định, đánh giá khi thực hiện từng chương trình, đặc biệt có hai chương trình là nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là thực hiện giai đoạn 2, còn chương trình Phát triển vùng Đồng bào Dân tộc thiểu số là mới triển khai thực hiện.

Vì vậy, Tổ công tác của Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế sẽ đánh giá toàn diện, khách quan, cung cấp đầy đủ số liệu cụ thể về quá trình triển khai thực hiện các nội dung. tiểu dự án, dự án... đặc biệt là nêu rõ những khó khăn vướng mắc, tồn tại hạn chế, đề xuất với chính phủ, với các bộ ngành, địa phương trong việc việc bố trí các nguồn lực, phân bổ vốn, lồng ghép thực hiện các Chương trình, các nội dung, tiêu dự án, dự án thuộc trách nhiệm của Bộ; bên cạnh đó cũng đề xuất với Đoàn giám sát nội dung gì để có thể tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Tham gia thảo luận, các đại biểu đánh giá tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, do vậy, báo cáo của Bộ Y tế cần bổ sung thông tin, làm rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị báo cáo bổ sung làm rõ việc lồng ghép thực hiện chương trình có khó khăn, bất cập không? Sự phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong việc triển khai lồng ghép có khó khăn hay không?

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Nhiều ý kiến đánh giá cao báo cáo của Bộ Y tế đã nêu khá rõ về việc cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến. Tuy nhiên, báo cáo còn thiếu các tiêu chí định tính tổng quát cũng như định lượng cụ thể, ví dụ như chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh của người dân nông thôn ở cấp cơ sở, tỷ lệ trạm y tế xã đạt chuẩn...

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chuyên gia cho biết, báo cáo của Bộ Y tế đã nêu việc chủ trì ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo nhiệm vụ được giao, tuy nhiên chưa có nhận định đánh giá và nêu lý do cụ thể vì sao chậm tổ chức thực hiện tiểu dự án 2 thuộc dự án 3 về Cải thiện dinh dưỡng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần bổ sung thông tin chi tiết về nội dung này.

Bàn về các vấn đề xoay quanh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các đại biểu đề nghị Bộ Y tế bổ sung thêm đánh giá, nhận xét kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, tồn tại, hạn chế về các mặt: Thực hiện các mục tiêu của dự án đã đề ra; Việc tổ chức phối hợp triển khai thực hiện dự án, phát huy vai trò chủ động của cộng đồng hưởng lợi trong việc thiết lập và vận hành các tổ hợp tác, doanh nghiệp du lịch của cộng đồng, về giải ngân thực hiện dự án.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà ghi nhận sự chuẩn bị công phu, toàn diện của Bộ Y tế, đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu. Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà đề nghị Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến của các thành viên Tổ công tác Đoàn giám sát cũng như của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, góp phần giúp Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt được những kết quả thiết thực, đúng như mục tiêu giám sát đã đề ra.

Hồ Hương