GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÒA GIẢI TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI CẦN ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT

27/03/2023

Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự luật sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (5/2023) tới đây. Góp ý dự thảo Luật, một số ý kiến chuyên gia cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về hòa giải tranh chấp đất đai đảm bảo thống nhất, hạn chế khó khăn,vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng, thi hành.

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CẦN CÔNG KHAI, MINH BẠCH CÁC GIAO DỊCH LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4

Tranh chấp đất đai là vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội  quan tâm. Luật Đất đai năm 2013 quy định tranh chấp đất đai được giải quyết bằng nhiều phương thức khác nhau, tùy thuộc vào từng loại tranh chấp. Trong đó, phương thức hòa giải giải quyết tranh chấp đất đai bộc lộ nhiều ưu thế. Vì vậy, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định về phương thức hòa giải là một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, quy định tại Điều 224 của Dự thảo về cơ bản kế thừa quy định Điều 202 Luật Đất đai năm 2013. Với 05 khoản quy định, Điều 224 của dự thảo đã quy định một cách khái quát về phương thức hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia vẫn còn một số vấn đề cần được làm rõ.

Nêu quan điểm về nội dung, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Khoản 1 Điều 224 chưa thực sự hợp lí và mâu thuẫn với khoản 3 Điều 224 Dự thảo. Bởi vì, hoà giải tại Toà án theo khoản 3 Điều 224 Dự thảo bao gồm hoà giải theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và hoà giải theo pháp luật về hoà giải đối thoại. Trong đó, hoà giải theo pháp luật tố tụng dân sự mà cụ thể là BLTTDS năm 2015 thì đó là bắt buộc chứ không phải là khuyến khích.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất, khoản 1 Điều 224 Dự thảo nên quy định như sau: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở theo pháp luật hoà giải ở cơ sở hoặc hoà giải tại Toà án theo pháp luật hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Trong trường hợp các bên tự hoà giải dẫn đến thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Dự thảo nên quy định theo hướng các bên phải lập biên bản có chữ ký của các bên và gửi biên bản tự hoà giải đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để UBND kiểm tra, xem xét kết quả tự hoà giải của các bên và xác nhận. Sau đó, UBND lập biên bản và gửi biên bản tự hoà giải của các bên đến cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục ra quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại khoản 4 Điều 204 Dự thảo. Nếu UBND xã không xác nhận do việc tự hoà giải không xuất phát từ ý chí tự nguyện, vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì các bên yêu cầu UBND cấp xã nơi có đất trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho rằng, giống như Luật Đất đai năm 2013 thì trong Dự thảo vẫn chưa làm rõ được vấn đề hoà giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp có phải là bắt buộc đối với tất cả các tranh chấp đất đai hay không? Vì vậy, đề nghị cần làm rõ và có quy định cụ thể, đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực thi.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Luật Hà Nội 

Đối chiếu với Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, Ths. Bùi Lê Hiếu, Học viện Tòa án cho biết, có thể hiểu việc hòa giải ở cơ sở là hòa giải ở thôn, tổ dân phố. Do đó, hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã không dược xem là hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy số lượng các tranh chấp đất đai gia tăng nếu không kịp thời nắm bắt, lắng nghe, giải quyết sẽ tạo ra các điểm nóng, gây mất mất an ninh trật tự.

Trong khi đó, Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan gần gũi với nhân dân, dễ dàng nắm bắt, ghi nhận hiện trạng đất đai, các tranh chấp. Do đó, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 2 Điều 224 dự thảo Luật cần được bổ sung vào khoản 1 Điều 224 Dự thảo Luật. Khi đó, nếu tranh chấp phát sinh, các bên tranh chấp có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành hòa giải mà không cần trải qua các phương thức hòa giải trước đó nhưng không thành. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp có thể sử dụng nhiều phương thức hòa giải khác nhau. Ths.Bùi Lê Hiếu kiến nghị, cần chỉnh sửa Dự thảo theo hướng bổ sung vào khoản 1 Điều 224 Dự thảo cụm từ “hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Bên cạnh đó, theo quy định này, việc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải không phải là cơ chế bắt buộc trước khi Tòa án xem xét giải quyết tranh chấp đất đai. Việc này sẽ làm gia tăng số lượng vụ việc tranh chấp đất đai mà tòa án phải thụ lý, giải quyết trong bối cảnh hệ thống tòa án đang bị áp lực bởi số lượng các vụ án, vụ việc ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, khi quy định việc thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở (có biên bản hòa giải không thành) là điều kiện bắt buộc để tòa án giải quyết tranh chấp đất đai sẽ có nguy cơ vi phạm nguyên tắc tự nguyện của các bên tranh chấp.

Ths.Bùi Lê Hiếu kiến nghị, cần phải đánh giá toàn diện quy dịnh, có phương án hài hòa giữa việc giảm tải áp lực công việc cho Tòa án và sự tự do, tự nguyện của các bên tranh chấp. Do đó, chỉ nên khuyến khích các bên hòa giải chứ khoongphair là thủ tục bắt buộc rước khi Tòa án thụ lý. Vì sau khi thụ lý, trong giai đoạn chuẩn bị xxets xử thì việc hòa giải đã được quy định theo khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do đó, việc bắt buộc phải có biên bản hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã trước khi thụ lý sẽ tạo nên hiện tượng các bên tranh chấp hòa giải nhiều lần, hao tốn thời gian.

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định về phương thức hòa giải là một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung

Nghiên cứu quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại đất đai tại Dự thảo Luật, TS.Nguyễn Thị Thủy, khoa pháp luật hành chính – nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội  đặt vấn đề, Điều 224 quy định hòa giải tranh chấp đất đai chỉ áp dụng cho tranh chấp quyền sử dụng đất hay áp dụng cho cả tranh chấp hành chính về đất đai. Nếu quy định hòa giải thì nên quy định cho cả hai trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp hành chính về đất đai. Bởi hiện nay theo quy định của Luật Hòa giải đối thoại, đối với khiếu kiện hành chính thì trước khi thụ lý vụ án hành chính cũng bắt buộc thực hiện thông báo đối thoại hòa  giải theo luật hòa giải đối thoại. Hơn nữa, trong thủ tục tố tụng hành chính thì đối thoại là bắt buộc khi giải quyết vụ án hành chính ở cấp sơ thẩm.

TS.Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng, ở thủ tục này là hiệu quả hòa giải thành không cao, bởi không giống như phán quyết của Tòa án hay quyết định của các thể quản lý hành chính nhà nước, biện pháp giải quyết (nếu có) đạt được trong biên bản hòa giải thành không có tính chất bắt buộc đối với các bên thi hành. Các bên sẽ hoặc sẽ không tuân theo các biện pháp đó tùy thuộc vào ý chí của họ. Khi đó một trong các bên không tự nguyện thực hiện biên bản hòa giải thành của ủy ban nhân dân, vì vậy cũng cân nhắc có nhất thiết quy định hòa giải hay không? Và nếu quy định thì cần thống nhất và tường minh về thủ tục hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai.

TS.Nguyễn Thị Thủy cũng lưu ý, cần rà soát, sửa đổi các quy định về thủ tục giải quyết khiếu nại và thẩm quyền giải quyền khiếu nại tại Luật Khiếu nại năm 2012 để đảm bảo tính thống nhất, khắc phục những mâu thuẫn giữa hai luật./.

Lê Anh