ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC VỚI TỈNH LAI CHÂU

24/03/2023

Sáng 24/3, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát và làm việc tại tỉnh Lai Châu.

ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH LÀO CAI

Quang cảnh buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Lai Châu có đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và các đơn vị liên quan.

Thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Dự án Luật Tài nguyên nước, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu và một số công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn sau đó làm việc tại huyện Nậm Nhùn.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe báo cáo về công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn. Theo đó, năm 2017 - 2018, tỉnh thực hiện dự án Điều tra, lập quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt tỉnh Lai Châu đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 163 công trình thủy điện được quy hoạch với tổng công suất lắp máy 4,274.55 MW, trong đó có 42 công trình hoàn thành phát điện với tổng công suất lắp máy 2,778.95 MW. Việc vận hành, tích nước các hồ chứa thủy điện đã góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Về cấp nước đô thị, hiện nay trên địa bàn thành phố, các thị trấn huyện được cấp nước sạch, hợp vệ sinh; tổng công suất khai thác sử dụng nước cấp cho thành thị 34.000 m3/ngày đêm, với tổng dân số nội thị được cấp nước là 82.764 người; đạt 90,1%. Về cấp nước nông thôn, đến nay toàn tỉnh có 801 công trình. Số công trình đang hoạt động là 710 chiếm 88,64% cấp nước cho 66.820 hộ dân với 317.946 nhân khẩu, chiếm 79,08% dân số nông thôn. Việc cấp nước cho nông nghiệp được thực hiện lồng ghép giữa nhiệm vụ tưới tiêu kết hợp cấp nước nông thôn cho các bản, điểm dân cư. Tổng diện tích được đảm bảo tưới tiêu, cấp nước từ công trình thủy lợi là 26.952,0 ha; trong đó: 18.434,4 ha lúa mùa, 6.452,2 ha lúa chiêm xuân, 1.494,2 ha rau màu, 47 ha cây ăn quả và 524,2 ha thủy sản.

Là tỉnh có tiềm năng phát triển thủy điện, công tác quản lý các dự án thủy điện được quan tâm thực hiện nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của các dự án tới sản xuất nông nghiệp, dân sinh và môi trường.

Đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, theo kết quả cập nhật diễn biến rừng năm 2022, diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ rừng là 470.370,77ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên đạt 450.392,33 ha (rừng đặc dụng: 29.340,35 ha; rừng phòng hộ: 256.848,22 ha; rừng sản xuất: 164.203,76 ha); diện tích rừng trồng 8.306,57 ha (phòng hộ: 3.177,41 ha; sản xuất: 5.129,16 ha) tỷ lệ che phủ đạt 51,87%, tăng 0,43% so với năm 2021. Phối hợp tốt với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam triển khai tiếp nhận tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số hộ được chi trả 79.378 hộ, thu nhập bình quân 5,45 triệu đồng/hộ/năm, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Tại buổi làm việc, đại biểu hai bên đã phát biểu ý kiến trong đó trao đổi nhằm làm rõ hơn công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn…

Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh Lai Châu đã thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đôn đốc hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang triển khai lập quy hoạch tỉnh trong đó có phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp ủy, chính quyền, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh quan tâm triển khai liên tục, đúng quy định, diện tích trồng mới rừng được chỉ đạo sát sao, đúng kỹ thuật, thời vụ. Công tác quản lý các dự án thủy điện được quan tâm thực hiện nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của các dự án tới sản xuất nông nghiệp, dân sinh và môi trường.

Tại buổi làm việc, tỉnh Lai Châu cũng đề xuất một số nội dung như: Sớm xem xét chỉnh sửa, bổ sung trong Luật Tài nguyên nước; hướng dẫn cơ quan chuyên môn cấp tỉnh những nội dung còn vướng mắc do quy định của văn bản pháp luật chưa rõ ràng để tháo gỡ khó khăn cho địa phương; có hướng dẫn cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ…

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Chia sẻ những khó khăn đối với tỉnh Lai Châu, phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chúc mừng những kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được trên nhiều lĩnh vực, công tác quản lý nguồn nước, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng đầu nguồn. Nhấn mạnh Lai Châu đã tỉnh có vị trí trọng yếu, nơi đầu nguồn sông Đà, đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn. Quan tâm đến công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân.

Về những kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất.

(Theo Cổng TTĐT tỉnh Lai Châu)