ĐỀ XUẤT THAY ĐỔI MỤC TIÊU CỦA "CHƯƠNG TRÌNH SÓNG VÀ MÁY TÍNH CHO EM"

14/03/2023

Một trong những nội dung được thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” quan tâm, đặt câu hỏi tại buổi làm việc với các Bộ, ngành là việc triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VỀ HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã nêu rõ: Trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tổng kinh phí tối đa là 1.000 tỷ đồng.

Thực hiện nghị quyết này, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ dạy và học trực tuyến.

Theo Kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tháng 9/2021 phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Trong năm 2021, phủ sóng toàn bộ hơn 1.900 điểm chưa kết nối internet di động trên toàn quốc.

Về hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến. Trong giai đoạn 1 (trong năm 2021): Huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023) tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến…

Đánh giá sự cần thiết của Chương trình Sóng và máy tính cho em ở thời điểm hiện tại.

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ hơn về tiến độ cấp máy tính, diện bao phủ sóng và những tồn tại, bất cập sau khi triển khai. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, thực hiện chính sách được quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15, dành nguồn lực lớn cho Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có báo cáo rõ kết quả thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ khó khăn vướng mắc, kiến nghị cụ thể về các giải pháp có tiếp tục hay không tiếp tục thực hiện chương trình này?

Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo thêm về việc phủ sóng các vùng lõm về viễn thông vì qua giám sát tại các địa phương có tình trạng cấp máy tính bảng cho học sinh nhưng lại không có sóng, không có mạng internet để sử dụng máy tính bảng. Bên cạnh đó, cử tri một số địa phương phản ánh, cấp máy tính bảng nhưng không sử dụng được, có nơi để tại trường học hoặc chưa đến tay học sinh.

Cũng quan tâm đến việc sử dụng nguồn lực theo Nghị quyết 43/2022/QH15, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa đề nghị thông tin cụ thể hơn chương trình này. Hơn nữa, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông chưa thống nhất về số liệu máy tính đã bàn giao cho học sinh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa.

Nghị quyết 43/2022/QH15 Quốc hội đã dành 5.000 tỷ, trong đó có 4.000 tỷ đầu tư hạ tầng và 1.000 tỷ bổ sung cho chương trình "Sóng và máy tính cho em". Đại biểu nêu thực tiễn giám sát tại địa phương, cụ thể tỉnh Yên Bái phản ánh không có nhu cầu theo chương trình Sóng và máy tính cho em. Bởi dịch bệnh được kiểm soát tốt, học sinh vẫn đến trường, không cần học từ xa nhưng trong kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn phân bổ cho Yên Bái hơn 10.000 máy. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, đánh giá lại sự cần thiết của Chương trình này; hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền chuyển nguồn lực này sang việc thực hiện các chương trình khác có hiệu quả hơn.

Đề xuất thay đổi mục tiêu Chương trình sóng và máy tính cho em.

Báo cáo về những nội dung thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội nêu, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Chương trình Sóng và máy tính cho em được lãnh đạo Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động vào tháng 9/2021 để huy động nguồn lực của xã hội cho máy tính bảng và phát sóng phục vụ cho việc học và dạy trực tuyến. Chương trình dự kiến có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2021 để huy động khoảng 1 triệu máy tính bảng và giai đoạn 2 từ năm 2022 trở đi tiếp tục huy động để 100% học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo có máy tính bảng để học. Đối với giai đoạn 1 (1 triệu máy tính bảng) chia làm 2 phần, một phần là 600.000 máy dự kiến huy động từ nguồn lực xã hội hóa và 400.000 máy huy động từ Quỹ viễn thông công ích.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về 600.000 máy huy động xã hội hóa, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các bộ, ngành đã huy động các doanh nghiệp, các ngân hàng và các nhà tài trợ cam kết huy động 600.000 máy. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương nhận được tương đương 511.000 máy, trong đó 437.000 máy bàn giao trực tiếp cho học sinh, phần còn lại khoảng 80.000 máy hiện đã chuyển tiền về để địa phương đấu thầu mua.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.

Đối với vấn đề thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội nêu học sinh không nhận được máy, ở một số địa phương ngành giáo dục có chủ trương gửi máy ở nhà trường để sử dụng chung để mang lại hiệu quả cao nhất mà không chuyển máy về nhà. Về các máy sử dụng nguồn Quỹ Viễn thông công ích thuộc chương trình phục hồi kinh tế thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, bố trí 5.000 tỷ đồng của Quỹ Viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, trong đó 1.000 tỷ trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình Sóng và máy tính cho em.

Thực hiện nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ trang bị máy tính bảng và dịch vụ để cung cấp cho học sinh nghèo và cận nghèo. Nhưng khó khăn gặp phải là Chính phủ vừa ban hành Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều nên cần phải cập nhật lại số liệu về hộ nghèo và cận nghèo theo quy định, nhằm đảm bảo công bằng cho các địa phương, khiến tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra.

Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, vấn đề hiện nay có tiếp tục trang bị máy tính cho học sinh nữa không bởi mục tiêu giai đoạn 1 của Chương trình là phục vụ cho học trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản báo cáo Chính phủ đề nghị tạm thời chưa triển khai và tiến hành khảo sát và đánh giá lại.

Qua khảo sát, các địa phương không tổ chức dạy trực tuyến, học sinh cũng không học trực tuyến vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo với Chính phủ đề nghị tạm dừng và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến theo hướng chuyển đổi mục tiêu từ học trực tuyến sang tiếp cận thông tin trên môi trường mạng và hướng tới chuyển đổi số.

Liên quan tới Chương trình sóng để khắc phục các thôn bản chưa có dịch vụ viễn thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, tại thời điểm phát động Chương trình có khoảng 2.418 thôn bản chưa có sóng di động, đến nay chỉ còn 266 thôn chưa có dịch vụ viễn thông. Trong 266 thôn có 137 thôn chưa có điện, còn 129 thôn nằm ở vị trí quá cheo leo ở trên đỉnh núi, chi phí tốn kém nên không thể áp dụng biện pháp đặt hàng. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tổ chức đấu thầu để phủ sóng cho 266 thôn còn lại, dự kiến quý II năm 2023 hoàn thành.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát những thôn, bản chưa có sóng. Đến thời điểm này, các địa phương đã cập nhật và phát sinh thêm 592 thôn chưa có sóng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa vào chương trình để tiếp tục phủ sóng, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết./.

Lan Hương