PHIÊN HỌP THỨ HAI CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Việc lựa chọn ngữ liệu, thông tin trong một số bản mẫu sách giáo khoa còn sai sót
Chuyên đề giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục cũng như cử tri cả nước với hy vọng chỉ ra được những mặt tốt, tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, vướng mắc để kịp thời khắc phục, tháo gỡ.
Toàn cảnh phiên họp
Tại phiên họp thứ hai của Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, báo cáo về tình hình biên soạn, thẩm định, phê duyệt, phát hành, hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Hữu Độ cho biết, về việc tổ chức tập huấn và triển khai sách giáo khoa, để kịp thời triển khai sử dụng sách giáo khoa các lớp theo đúng tiến độ của việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo: Công văn số 367/BGDĐT-GDTH ngày 26/1/2021 về việc thực hiện giới thiệu, bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Trong các văn bản chỉ đạo trên, Bộ GDĐT nhấn mạnh quy trình và cách thức phối hợp thực hiện giới thiệu sách giáo khoa, tổ chức bồi dưỡng giáo viên và tổ chức cung ứng sách giáo khoa giữa các Sở GDĐT với các nhà xuất bản để công việc này đạt hiệu quả.
Các nhà xuất bản, phối hợp với các Sở GDĐT đã lên kế hoạch tập huấn cho giáo viên các môn học và hoạt động giáo dục; tổ chức biên soạn tài liệu tập huấn (tài liệu, bài trình chiếu, video, bộ câu hỏi đánh giá giáo viên sau tập huấn các môn lớp 2, lớp 6); tổ chức tập huấn giáo viên bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Kết quả tập huấn 100% giáo viên đáp ứng được yêu cầu và sẵn sàng việc dạy học với Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Về chất lượng sách giáo khoa, sách giáo khoa các môn học được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được khai thác, sử dụng có hiệu quả, phù hợp thực tiễn trong việc tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tất cả các khối lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình. Tuy nhiên việc lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, thông tin, nội dung khoa học ở một số bản mẫu sách giáo khoa chưa cập nhật, còn có sai sót.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo
Về hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, để thực hiện hỗ trợ sách giáo khoa cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện quy trình để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa định giá (theo hình thức giá tối đa) nhằm bảo đảm công bằng trong biên soạn, sử dụng sách giáo khoa theo đúng tinh sung mặt thần của Nghị quyết 88. Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét đề xuất chính sách giảm giá, hỗ trợ, không thu tiền sách giáo khoa đối với học sinh thuộc các hộ nghèo, các vùng sâu xa, miền núi, hải đảo.
Về biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn học tiếng dân tộc thiểu số được quy định là môn học tự chọn. Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 34/2020/TT-BGDĐT, ngày 15/9/2020 ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn học Tiếng Bahnar, Tiếng Chăm, Tiếng Ê đê, Tiếng Jrai, Tiếng Khmer, Tiếng Mông, Tiếng Mnông, Tiếng Thái. Qua các lần tổ chức thẩm định sách giáo khoa, Bộ GDĐT đã thông báo rộng rãi để các nhà xuất bản đề nghị thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng không có nhà xuất bản nào đề nghị thẩm định sách giáo khoa các môn học tiếng dân tộc thiểu số. Như vậy, việc biên soạn sách giáo khoa các môn học tiếng dân tộc thiểu số không thực hiện được theo phương thức xã hội hóa. Căn cứ Nghị quyết 122 của Quốc hội và Nghị định 82/2010/NĐ-CP ngày 25/7/2010 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, Bộ GDĐT đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã chỉ đạo việc triển khai nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa các môn tiếng dân tộc thiểu số bằng ngân sách nhà nước.
Tháo gỡ vướng mắc về đứt gãy giữa nội dung chương trình cũ và chương trình mới
Về xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, trong thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia biên soạn sách giáo khoa gửi Bộ thẩm định bảo đảm kịp thời triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình quy định của Quốc hội.
Cụ thể, có 06 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học hoạt động giáo dục các khối lớp: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Huế; 03 tổ chức biên soạn sách giáo khoa, bao gồm Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Việt Nam VPBOX; Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam VEPIC; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuất bản Giáo dục Việt Nam VICTORIA.
Việc thực hiện xã hội hóa đã thu hút đông đảo đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn sách giáo khoa đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông tham gia. Trong đó có nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tham gia biên soạn tài liệu bồi dưỡng và bồi dưỡng các mô đun triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GDĐT đã tổ chức thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng sách giáo khoa qua các năm theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018: 46 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 (năm 2020); 35 bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và 40 bản mẫu sách giáo khoa lớp 6 (năm 2021); 43 bản mẫu sách giáo khoa lớp 3, 40 bản mẫu sách giáo khoa lớp 7 và 44 bản mẫu sách giáo khoa lớp 10 (năm 2022); 63 bản mẫu Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 6.
Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp
Quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, hiện nay đây là lĩnh vực có nhiều đổi mới, tiến bộ, tiếp cận với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, do nguồn tài liệu phục vụ việc giảng dạy rất phong phú, nhiều phương pháp, cách tiếp cận, định hướng mới đang được phát triển, nên giáo viên hiện nay cần khai thác các tài nguyên số trong giảng dạy, không chỉ đóng khung nền giáo dục trong sách giáo khoa. Yêu cầu đặt ra cho nền giáo dục là phải cho phép học sinh được tìm hiểu thêm bên ngoài sách giáo khoa.
Các thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, Đối với việc xã hội hóa sách giáo khoa, chuẩn bị tài liệu, một số địa phương gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt quá muộn, vào thời điểm gần cuối năm học nên gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc công bố danh mục sách giáo khoa do địa phương lựa chọn của một số địa phương chậm muộn, do đó ảnh hưởng đến kế hoạch in, phát hành sách giáo khoa và tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho năm học mới, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ các giải pháp để giúp học sinh bổ trợ kiến thức, đồng thời giúp các giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp để tháo gỡ vướng mắc về đứt gãy giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, làm sách giáo khoa cần phải tính đến tuổi thọ sách, đối tượng sử dụng nên cần cân nhắc chất lượng in, vật liệu cho phù hợp. Với giáo dục không nhất thiết phải đẹp hình thức mà cần chú trọng về nội dung, giá trị sử dụng.