ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH TRONG VIỆC TIẾP CẬN ĐẤT ĐAI ĐỐI VỚI MỌI ĐỐI TƯỢNG

09/03/2023

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần đổi mới chính sách tài chính về đất đai, đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để đấu giá, hạn chế tối đa tình trạng giao, cho thuê đất theo hình thức chỉ định, đảm bảo công khai, minh bạch trong việc tiếp cận đất đai đối với mọi đối tượng.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Đảm bảo công khai, minh bạch trong việc tiếp cận đất đai đối với mọi đối tượng

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Đóng góp ý kiến vào dự án luật này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, để tăng nguồn thu từ đất đai, cần đổi mới chính sách tài chính về đất đai. Cụ thể, Nhà nước phải chủ động điều tiết giá đất trên thị trường bằng quan hệ cung cầu, đảm bảo việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, bỏ khung giá đất chung, Chính phủ chỉ nên quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất theo giá thị trường. Trong đó, bảng giá được xây dựng chi tiết theo từng vị trí, vùng, mục đích sử dụng và điều chỉnh kịp thời khi có biến động. Phải đổi mới phương thức xác định giá đất theo hướng phân loại đất theo khả năng sinh lời để có hướng điều tiết thu hiệu quả.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4

Quan tâm đến nguồn thu ngân sách từ đất đai, PGS.TS Phan Thị Thanh Huyền, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng một số chuyên gia kiến nghị cần đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để đấu giá, hạn chế tối đa tình trạng giao, cho thuê đất theo hình thức chỉ định, đảm bảo công khai, minh bạch trong việc tiếp cận đất đai đối với mọi đối tượng. Nhà nước cần thu hẹp đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sang hình thức thuê đất; hoàn thiện chính sách thu tiền thuê đất phần dưới mặt đất để xây dựng công trình ngầm và khoảng không sử dụng cho mục đích kinh doanh. Khi xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị phải quy hoạch và tổ chức khai thác cả quỹ đất hai bên đường, vùng phụ cận để tạo khoản thu từ đất đai cho các công trình liền kề.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần rà soát lại toàn bộ chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo hướng hạn chế đối tượng được miễn, giảm, chuyển cơ bản các hình thức ưu đãi về thu sang ưu đãi về chi để kiểm soát, nâng cao hiệu quả chính sách. Đồng thời nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản, trong đó, đối tượng chịu thuế phải bao gồm cả đất và tài sản gắn liền với đất; thực hiện nghiêm Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân khi chuyển quyền sử dụng đất; nghiên cứu hình thức đánh thuế nặng đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, đảm bảo quản lý, khai thác hiệu quả khoản thu tài chính từ đất đai, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, cần tách bạch quyền - trách nhiệm về quản lý tài sản nhà nước giữa cơ quan nhà nước với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, việc quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định. Còn đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ về tài chính thì phải chuyển từ cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất sang cơ chế thuê đất theo nguyên tắc giá thị trường để tạo lập sự chủ động, minh bạch trong hạch toán dịch vụ công.

Nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu đặt ra trong tình hình mới là phải thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất trong tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Theo đó, đối với quỹ nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại thì cho phép bán, chuyển nhượng để tạo nguồn vốn tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Đối với nhà, đất được phép chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng chưa thực hiện, thì đánh giá lại theo giá thị trường và chuyển giao cho các đơn vị chức năng.

Cần đảm bảo công khai, minh bạch trong việc tiếp cận đất đai đối với mọi đối tượng

Các nhà nghiên cứu cũng nêu rõ, để đảm nguồn thu tài chính từ đất đai ổn định cần áp dụng thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lũy tiến với mức thuế suất cao hơn hiện nay đồng thời xây dựng hệ thống tin hiện đại trên cơ sở của Cách mạng công nghiệp 4.0 với đầy đủ thông tin về chủ sử dụng đất, loại đất, diện tích đất và các thông tin khác của thửa đất để xác định đúng, đủ thuế sử dụng đất của chủ sử dụng đất.

Việc thu hồi đất cho các mục đích khác nhau, nhất là cho phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên cơ chế thị trường về giá đất. Cụ thể, người nhận quyền sử dụng đất phải trả cho người đang có quyền sử dụng đất một khoản tiền tính theo diện tích và giá đất do các bên tự thỏa thuận đảm bảo ngang bằng giá đất thị trường. Trường hợp các bên không thỏa thuận được giá đất thì có thể nhờ trọng tài kinh tế hay tòa án giải quyết, tránh tình trạng thu hồi đất với mức giá bồi thường quá thấp như tại nhiều dự án hiện nay.

Về giá trị tăng thêm từ đất mà không do chủ sử dụng đất đầu tư như trường hợp xây dựng mới các tuyến đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi hay các công trình xây dựng khác, các chuyên gia cho rằng, cần ban hành quy định cụ thể để điều tiết khoản giá trị tăng thêm này cho ngân sách nhà nước. Nên định giá đất trước khi có công trình và giá đất sau khi có công trình làm căn cứ xác định giá trị tăng thêm và phân chia theo tỷ lệ xác định giữa Nhà nước và chủ dụng đất được hưởng lợi. Tỷ lệ phân chia cần được tính theo khu vực và giá trị tăng thêm ở mức hợp lý.

Khắc phục bất cập trong chính sách thuế, phí và thu tài chính đối với đất đai

Bày tỏ quan tâm đến các khoản thu tài chính đối với đất đai, TS.Nguyễn Văn Phụng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cùng một số chuyên gia cho biết, các chính sách thu được thiết kế bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật về đất đai, thực hiện vai trò công cụ kinh tế hữu hiệu cần thiết được sử dụng trong quản lý nhà nước về kinh tế đối với đất đai. Theo từng hành vi của tổ chức, cá nhân tham gia cào quá trình vận động cũng như sử dụng đất đai, Nhà nước có các chính sách động viên có căn cứ thuyết phục như: Sử dụng đất ổn định hàng năm sẽ phải trả thuế sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp…); Thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất, có thu nhập thì nộp thuế thu nhập đối với chuyển quyền sử dụng đất (Thuế thu nhập cá nhân nếu là cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp nếu là tổ chức); Người được Nhà nước giao đất thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đấ; Người sử dụng đất thuê của Nhà nước thì trả tiền thuê đất; Người có nhu cầu được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các công việc thủ tục để được công nhận giấy tờ, hợp thức hóa,… phải nộp các khoản phí, lệ phí có liên quan.

TS.Nguyễn Văn Phụng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính

Một số chuyên gia cũng cho rằng, chính sách thuế và thu đã động viên được nguồn lực từ đất đai, tạo nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước, nhất là ngân sách địa phương, góp phần tham gia thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo các chuyên gia, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2020 được xem là giải pháp để góp phần giảm sức đóng góp của người dân, đồng thời khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn, qua đó tạo khả năng giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, chính sách thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đã được hoàn thiện dần theo nguyên tắc thị trường, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Các quy định ngày càng minh bạch, đơn giản, rõ ràng, khuyến khích sử dụng tiết kiệm đất đai cho phát triển kinh tế. Đơn giá thuê đất được điều chỉnh giảm cùng với việc ổn định giá đất trong mỗi chu kỳ 5 năm đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập có cơ hội tiếp cận đất đai cho mặt bằng động sản xuất kinh doanh, ổn định chi phí thuê đất.

Qua thực tế thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được như nêu trên, các chính sách thuế, phí và thu tài chính đối với đất đai đang còn bộc lộ một số điểm cả về nội dung chính sách và tổ chức thực hiện, cần được nghiên cứu sửa đổi. Cụ thể, việc xác định nghĩa vụ thuế sử dụng đất nông nghiệp theo hạng đất và định suất thuế trên đơn vị diện tích đất đến nay không còn phù hợp với cơ chế thị trường bởi thực tế đất nông nghiệp cho dù thuê hay chuyển nhượng đề có giá; Thực tế hiện nay người có đất nông nghiệp không muốn sản xuất vì hiệu quả thấp, trong khi không ít doanh nghiệp có nhu cầu diện tích lớn để sản xuất theo quy mô lớn nhưng không thể thỏa thuận được với nông dân. Vì vậy, nên chăng có cơ chế, giải pháp mới để liên kết nông dân và doanh nghiệp; theo đó nông dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp được định giá, góp vốn doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn; Cơ chế hội đồng trong tổ chức thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đang tạo ra không ít bất cập trong quản lý đất đai ở một số địa phương như định giá đất và vốn đầu tư ở các dự án đổi đất lấy hạ tầng chưa hợp lý, thiếu minh bạch trong tổ chức đấu thầu, đấu giá...

Hồ Hương

Các bài viết khác