KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ VIỆC GIAO DANH MỤC VÀ MỨC VỐN CHO CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (ĐỢT 2)

23/02/2023

Tại Phiên họp thứ 20 (ngày 13/02/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2). Vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ra Thông báo số 1999/TB-TTKQH kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NHIỀU NỘI DUNG ĐƯỢC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH TẠI PHIÊN HỌP THỨ 20 ĐẠT KẾT QUẢ VƯỢT NGOÀI MONG ĐỢI

Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo Thông báo kết luận, về nguyên tắc và tiêu chí phân bổ vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thực hiện phân bổ vốn theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 29/2021/QH15 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bảo đảm khả năng hấp thụ vốn, tính công khai, minh bạch, hài hòa giữa các lĩnh vực, các vùng miền.

Về danh mục và mức vốn cho từng nhiệm vụ và dự án cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phân bổ số vốn dự kiến là 14.710,315 tỷ đồng cho 129 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình. Đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến nêu tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, bảo đảm thời gian hoàn thành các dự án theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15. Chính phủ chịu trách nhiệm, rà soát chi tiết về từng nhiệm vụ, dự án khi quyết định phân bổ theo thẩm quyền, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 29/2021/QH15 và các quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm chỉ đạo các địa phương bố trí đủ phần vốn địa phương đã cam kết để hoàn thành đúng tiến độ các dự án sử dụng cả vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, ngân sách trung ương không bố trí thêm vốn cho các dự án này; chỉ đạo giải ngân vốn của Chương trình trong năm 2023 theo đúng quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đối với số vốn còn lại 14.151,685 tỷ đồng chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, Ủy viên Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, thời hạn quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn theo đúng thời hạn quy định tại khoản 10 Điều 2 của Nghị quyết số 69/2022/QH15; sau ngày 31/3/2023, không thực hiện phân bổ tiếp vốn của Chương trình theo đúng quy định của Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm và quyết liệt tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn; không để tiếp tục ách tắc, chậm trễ trong phân bổ vốn, giao vốn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch vốn của 04 dự án thuộc Chương trình (trong đó có 3 dự án quan trọng quốc gia) đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải để bố trí cho các địa phương thực hiện các dự án thành phần theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ: tỉnh Khánh Hòa là 596 tỷ đồng, tỉnh Đắk Lắk là 686 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai là 1.224 tỷ đồng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 1.018 tỷ đồng, tỉnh An Giang là 1.173 tỷ đồng, thành phố Cần Thơ là 837 tỷ đồng, tỉnh Hậu Giang là 844 tỷ đồng, tỉnh Sóc Trăng là 946 tỷ đồng, tỉnh Đồng Tháp là 745 tỷ đồng, tỉnh Tiền Giang là 459 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần của các dự án quan trọng quốc gia theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15, bảo đảm tiến độ, chất lượng của các dự án thành phần đó.

Minh Hùng