HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ, PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI LINH HOẠT, ĐA DẠNG, HIỆN ĐẠI

20/02/2023

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Quan tâm đến dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, việc sửa đổi luật là cần thiết, kịp thời nhằm nâng cao độ bao phủ bảo hiểm xã hội, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, hiên đại.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Nâng cao độ bao phủ bảo hiểm xã hội, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một nội dung quan trọng trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ tháng 6/2023. Dự kiến Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Báo cáo về dự án Luật này tại cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Xã hội với lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 841/QĐ-LĐTBXH thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Ban Soạn thảo đã tổ chức các cuộc họp để trao đổi, cho ý kiến về: Kế hoạch soạn thảo và trình dự án Luật BHXH (sửa đổi); quan điểm xây dựng Luật; một số nội dung lớn và cho ý kiến đối với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch phối hợp số 1515/KHPH-BLĐTBXH-BHXH ngày 12/5/2022 về nghiên cứu, xây dựng dự án Luật BHXH (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị chuyên môn của hai cơ quan, các cuộc họp kỹ thuật với các cơ quan có liên quan để trao đổi, cho ý kiến đối với từng vấn đề, từng nội dung cụ thể của Luật BHXH (sửa đổi), đặc biệt đã tổ chức 02 cuộc họp Thường trực Tổ Biên tập mở rộng tại tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Bình.

Bộ cũng đã tổ chức các cuộc họp kỹ thuật với đơn vị chuyên môn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ để trao đổi về các nội dung liên quan đến lực lượng vũ trang, cơ yếu trong Luật BHXH (sửa đổi), tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và các hồ sơ gửi kèm theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thời gian sắp tới, triển khai kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ triển khai lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự án Luật; đăng tải dự án, dự thảo Luật trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ;  tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động; lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu đối với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi); tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia để hoàn thiện dự thảo xin ý kiến Ban soạn thảo, Tổ biên tập trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu rõ, theo dự kiến, Ban soạn thảo sẽ gửi dự án Luật đến Ủy ban xã hội của Quốc hội để thẩm tra vào tháng 7/2023, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8, tiến tới trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023.

Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Tham gia ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật cần lưu ý đảm bảo nâng cao độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, đặc biệt với đối tượng là người cao tuổi; mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, đối tượng không hưởng lương... Bên cạnh đó, cần bổ sung chế độ thai sản tự nguyện, với nguồn chi từ ngân sách; mở rộng bao phủ đối tượng thụ hưởng; bổ sung các chế tài nhằm hạn chế việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm; thiết kế cơ chế để tăng mức thụ hưởng, tăng quyền lợi cho các đối tượng bảo lưu bảo hiểm.

Về dự án Luật này, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam đang là quốc gia Châu Á có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất, nhanh hơn cả Nhật Bản và Trung Quốc, nên trong sửa đổi Luật BHXH, cần xử lý vấn đề bao phủ BHXH cũng như các chế độ cho người quá độ tuổi lao động. Việc sửa đổi Luật BHXH có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hiện nay.

Ông Christophe Lemiere - Quản lý Chương trình phát triển con người của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Quan tâm đến vấn đề mở rộng diện bao phủ BHXH và thực trạng tại Việt Nam, ông Christophe Lemiere - Quản lý Chương trình phát triển con người của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, tỉ lệ tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam thấp là do quy định thời gian tối thiểu hưởng lương hưu dài (20 năm). Việt Nam cũng là một trong số ít nước trên thế giới cho phép người lao động rút BHXH một lần, từ đó làm tăng áp lực lên hệ thống ASXH, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho lượng lớn người dân là người cao tuổi không tham gia hệ thống ASXH.

Theo ông Christophe Lemiere, nếu Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc đến tất cả người lao động làm công (khu vực công, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh) thì số người tham gia vào hệ thống BHXH tại Việt Nam sẽ tăng theo. Để chính sách BHXH phát triển bền vững, Chính phủ cần tăng diện tham gia BHXH bắt buộc, hạn chế số người rút BHXH một lần, hỗ trợ 30-50% mức đóng BHXH tự nguyện cho nhóm người nghèo thì mới có thể đạt mục tiêu 60% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2030.

Sửa đổi toàn diện để phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, hiện đại

Tham gia ý kiến về dự án Luật này, TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là một nhiệm vụ lớn, quan trọng trong công tác thể chế của lĩnh vực lao động và xã hội.

Đánh giá về những hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, TS.Bùi Ngọc Thanh cho biết, hiện nay, diện bao phủ BHXH và quy mô số người tham gia BHXH tuy có tăng lên nhưng vẫn còn thấp. Theo BHXH Việt Nam, tính đến năm 2020 (năm BHXH Việt Nam tròn 25 tuổi), mới chỉ có khoảng 33,5% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, do đó, các mốc mục tiêu đã đề ra đến năm 2025 và 2030 về số người trong độ tuổi tham gia BHXH sẽ đạt 45% và 60% là thách thức không nhỏ.

Cùng với đó, Quỹ BHXH dài hạn (hưu trí, tử tuất) khó bảo đảm cân đối trong dài hạn. Vì chính sách BHXH hiện hành kế thừa chính sách BHXH ở nhiều giai đoạn trước, nhất là thời kỳ kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức ở cả hai khu vực hành chính, sự nghiệp và sản xuất kinh doanh (tức là người lao động không trực tiếp đóng BHXH), đến nay số lượng người hưởng chế độ BHXH dài hạn rất lớn, chưa thật phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng theo Điều 5 của Luật BHXH hiện hành.

TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Theo TS.Bùi Ngọc Thanh, chính sách BHXH hiện hành vẫn thiếu sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH được quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật. Việc chia sẻ chỉ được thực hiện ở các chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản). Còn ở các chế độ dài hạn (hưu trí, tử tuất) hầu như không thể thực hiện. Vì nguyên tắc đóng - hưởng được thiết kế không phân biệt giữa những người có mức lương cao với người có mức lương thấp nên không có cách nào để chia sẻ. Chênh lệch thu nhập từ lương hưu giữa những người có mức lương cao nhất với người có mức lương thấp nhất có khoảng cách khá lớn trong khi đã cùng nghỉ việc.

Luật quy định thời gian tối thiểu tham gia BHXH được hưởng lương hưu khá dài, lại có phần khắt khe dẫn đến việc nhiều người đang tham gia BHXH thì dừng lại, và những người đang làm việc không muốn tham gia bảo hiểm, làm hạn chế tốc độ tăng độ bao phủ của BHXH. Trong khi đó điều kiện hưởng BHXH một lần (quy định tại Điều 60 của Luật) lại tương đối dễ dàng nên số người đang tham gia xin hưởng một lần có xu hướng ngày càng tăng lên...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên và để phù hợp với tình hình hiện nay, TS.Bùi Ngọc Thanh cho rằng, phải xây dựng Luật BHXH ở mức độ sửa đổi cơ bản, không dừng ở mức độ sửa đổi, bổ sung một số điều. Luật BHXH (sửa đổi) phải đạt được mục tiêu do Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII xác định, “BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”.

TS.Bùi Ngọc Thanh nêu rõ, đây là dự án luật khó vì chi phối trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của từng người lao động. Bởi vậy, Chính phủ phải nỗ lực hết sức để có chuẩn bị một dự thảo luật chất lượng trình Quốc hội.

Hồ Hương