ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO MẬT THÔNG TIN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG THAM GIA GIAO DỊCH VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ VIỆC TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI THAM GIA BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Công nghệ thông tin với những tính năng hữu ích thông qua các nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong kết nối giữa các nhà sản xuất, doanh nghiệp với người tiêu dùng đối với việc kinh doanh, mua bán, mua sắm hàng hóa. Việc thanh toán, giao dịch giữa các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua các nền tảng số cũng góp phần giảm chi phí vận chuyển, đi lại và thuận tiện hơn cho cả hai bên.
Tuy nhiên, bên cạnh những hữu ích kể trên thì việc ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các nền tảng số trong giao dịch giữa các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng có thể xảy ra những bất cập khi thông tin, dữ liệu của người tiêu dùng, cá nhân, tập thể bị lộ, lọt ra bên ngoài cũng như có thể dẫn đến các hành vi vi phạm về kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.
Ông Trần Văn Trọng- Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
Để khắc phục bất cập trên, trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ tiếp tục được trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới có đề cập về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ nền tảng số trong việc kết nối, cung cấp dữ liệu, thông tin theo thời gian thực. Theo đó, Điều 39 về Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, tại điểm 1 khoản 3 quy định: “tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian phải kết nối, cung cấp dữ liệu thông tin theo thời gian thực phục vụ hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Yêu cầu này được thiết kế nhằm phục vụ mục tiêu quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử để kiểm soát các hành vi vi phạm về kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.
Nêu quan điểm về nội dung trên, ông Trần Văn Trọng- Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ủng hộ việc ban hành các văn bản pháp luật để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Việc các cơ quan quản lý Nhà nước cần thông tin để phục vụ hoạt động quản lý là phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, trong các Văn bản pháp luật tương tự cũng có yêu cầu cung cấp thông tin (Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Nghị định 85/2021/NĐ-CP mới về thương mại điện tử). Về cơ bản, các quy định này cũng tương đối đủ và phù hợp nên trong trường hợp nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) thêm điểm về cung cấp thông tin thì nên tham khảo để bỏ cụm từ “kết nối” và “theo thời gian thực”.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước thì việc kết nối theo thời gian thực là không cần thiết mà chỉ cần theo chu kỳ hàng quý, 6 tháng hoặc 1 năm (đối với tính chất tùy từng nhóm nền tảng khác nhau mà cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra những yêu cầu cụ thể khác nhau). Trong trường hợp cần cung cấp ngay các thông tin thì các nền tảng sẽ cung cấp ngay theo yêu cầu.
Theo ông Trần Văn Trọng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không quốc gia nào trong khu vực yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp dữ liệu theo thời gian thực như vậy, ít nhất là đối với một số nước mà chúng tôi có tìm hiểu: Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines. Cơ quan soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu và tham khảo vấn đề này.
Ngoài ra, một điểm nữa cần đề cập là dường như mục tiêu quản lý Nhà nước đối với yêu cầu trên chưa rõ ràng trong dự án Luật. Nội dung này sẽ phục vụ mục tiêu nào trong việc bảo vệ người tiêu dùng, nó có thật sự liên quan trực tiếp tới việc “bảo vệ người tiêu dùng” không trong khi có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp vì phải cung cấp nhiều thông tin mà theo thời gian thực. Điều này ảnh hưởng tới hoạt động vận hành, chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp khác nhau. Việc kết nối thông tin trong Luật nên nêu rõ là cần những thông tin gì để các văn bản dưới luật dễ dàng xây dựng và thực thi.
Ông Vũ Tú Thành – Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Vũ Tú Thành – Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN bày tỏ: Việc kết nối, cung cấp dữ liệu thông tin theo thời gian thực phục vụ hoạt động kiểm tra, giảm sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là điều tối kỵ với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, vì lý do kỹ thuật và nguy cơ lộ, lọt dữ liệu, bí mật kinh doanh. Các quy định hiện hành về chế độ báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ phục vụ hoạt động kiểm tra, giám sát, thống kê của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đều đã đầy đủ, rõ ràng. Việc áp đặt quy định này cho nền tảng số trung gian cũng sẽ gây bất bình đẳng khi so sánh đối xử với các doanh nghiệp khác.
Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Viện Nhà nước và Pháp luật, vấn đề đặt ra là có nhất thiết phải thiết lập “kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực” hay không, bởi quy định này sẽ dẫn đến một loạt các hệ lụy cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thứ nhất, về sự cần thiết và tính hợp lý của quy định, yêu cầu phải thiết lập cơ chế để “kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực” là quá mức cần thiết và không hợp lý. Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) được thiết kế nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trong khi đó, mục tiêu quản lý Nhà nước của yêu cầu “kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực” đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chưa rõ ràng.
Các quy định hiện hành đã khá đầy đủ về trách nhiệm của bên trung gian như sàn thương mại điện tử đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giải quyết khiếu nại từ người tiêu dùng (NĐ52/2013 được sửa đổi bổ sung bởi NĐ 85/2020 về thương mại điện tử). Có ý kiến cho rằng, với quy định hiện hành (cung cấp thông tin theo định kỳ hàng năm và theo yêu cầu) thì có một số trường hợp doanh nghiệp cung cấp thông tin không kịp thời, không đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy cần phải có cơ chế cung cấp thông tin theo “thời gian thực”.
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Viện Nhà nước và Pháp luật.
Về mặt xây dựng chính sách, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng, hành vi bất hợp tác trong cung cấp thông tin chỉ diễn ra ở một số ít doanh nghiệp. Việc chỉ căn cứ vào một vài hiện tượng bất hợp tác ở một số ít doanh nghiệp để buộc phần lớn các doanh nghiệp luôn nghiêm túc cung cấp thông tin theo yêu cầu phải đầu tư thêm chi phí, nguồn lực chỉ để tuân thủ quy định nêu trên thực sự là lãng phí đối với nguồn lực xã hội. Hơn nữa, kể cả khi có “thông tin theo thời gian thực” thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể tự truy cập thông tin và tự giải quyết với người tiêu dùng mà không làm việc với nền tảng công nghệ. Việc này sẽ dẫn đến hậu quả lãng phí nguồn lực cho tất cả các bên.
Thứ hai, về lợi ích và chi phí xã hội, để đảm bảo tuân thủ quy định như dự án Luật, các doanh nghiệp cần phải có đầu tư ban đầu, gồm đầu tư về trang thiết bị, công nghệ, giải pháp kết nối (thiết kế cơ sở dữ liệu và hệ thống bảo mật) và nhân sự để phục vụ cho quá trình vận hành. Đối với từng doanh nghiệp đơn lẻ, chi phí này sẽ trở thành chi phí thường xuyên theo suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Trên bình diện của ngành Thương mại điện tử, có thể thấy rằng với gần 8.500 website/ứng dụng thương mại điện tử phải tuân thủ quy định “kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực” thì nguồn lực xã hội để phục vụ cho hoạt động này là không hề nhỏ. Cần lưu ý rằng, không doanh doanh nghiệp nào sẽ chịu các chi phí này mà sẽ phân bổ vào giá bán sản phẩm, dịch vụ và người tiêu dùng sẽ là người phải gánh chịu. Ở góc độ khác thì quy định như hiện tại cũng không phù hợp với nỗ lực kiểm soát lạm phát cũng như mục tiêu phát triển ngành Thương mại điện tử mà Việt Nam đang theo đuổi./.