TS.NGUYỄN HỒ PHI HÀ: KIẾN NGHỊ 08 NỘI DUNG CẦN RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN TẠI DỰ THẢO LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

17/02/2023

Dự án Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quôc hội khóa XV tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới đây (5/2023). Quan tâm tới dự luật, dưới góc độ nghiên cứu, TS. Nguyễn Hồ Phi Hà, Học viện Tài chính cho rằng, Dự thảo sửa đổi Luật giá đã từng bước được hoàn thiện, góp phần hạn chế những bất cập hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định cần rà soát, bổ sung, để Luật sau khi ban hành thực sự đi vào cuộc sống,....

SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ: LÀM RÕ HƠN VAI TRÒ, THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH GIÁ NHÀ NƯỚC

TỔNG THUẬT CHIỀU 11/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Giá (sửa đổi)

Theo TS.Nguyễn Hồ Phi Hà để cho hoạt động thẩm định giá ngày càng phát triển, cần một hệ thống đồng bộ các giải pháp, một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu chính là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý. Trong đó, việc sửa đổi Luật giá sẽ đóng góp rất lớn đến việc thúc đẩy hoạt động thẩm định giá phát triển, đặc biệt quản lý, điều tiết giá là những vấn đề vô cùng quan trọng cần được quan tâm.

Đồng tình với việc kịp thời sửa đổi Luật Giá một cách toàn diện trong bối cảnh hiện nay, TS.Nguyễn Hồ Phi kiến nghị một số nội dung cụ thể liên quan đến: Giải thích từ ngữ, Nguyên tắc quản lý nhà nước về giá; Nội dung quản lý nhà nước về giá; Nguyên tắc, phương pháp, quy trình định giá;… nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo luật sửa đổi trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây.

Thứ nhất về bổ sung phần giải thích từ ngữ: Tại Điều 4 cần bổ sung khái niệm về giá cả thị trường và giá trị thị trường, giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá, hoạt động định giá, tham chiếu giá. Đồng thời, cần làm rõ các thuật ngữ: niêm yết giá và giá niêm yết; giá tham chiếu và tham chiếu giá…  

Bên cạnh đó, tại Khoản 15 của điều này: Cần bổ sung thêm từ ngữ để tránh hiểu nhầm, cụ thể: Thông đồng về giá và thẩm định giá là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi thỏa thuận, cấu kết với khách hàng, người có liên quan nhằm làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc kết quả thẩm định giá tài sản để trục lợi.

Thứ hai, về nguyên tắc quản lý nhà nước về giá: Quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa là quá trình sử dụng các công cụ quản lý nhằm thực hiện các nội dung quản lý bao gồm hoạch định, tổ chức thực hiện và kiểm soát các lĩnh vực liên quan đến giá hàng hóa để hướng tới đạt được mục tiêu chung của đất nước. Chủ thể quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa chính là các cơ quan nhà nước theo thẩm quyền; đối tượng quản lý là các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến hàng hóa. Vai trò điều tiết của nhà nước trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường rất quan trọng, trong đó có điều tiết về giá cả hàng hóa.

Vì vậy, để thống nhất nên chỉ đưa ra quản lý Nhà nước về giá vì trong quản lý nhà nước có cả điều tiết về giá của nhà nước. Vì vậy, Điều 5 nên để: Nguyên tắc quản lý giá của nhà nước.

Thứ ba, về nội dung quản lý nhà nước về giá: Kiểm soát giá là một trong những hoạt động không thể thiếu giúp hoạt động quản lý nhà nước về giá hàng hóa có hiệu lực và hiệu quả cao, cũng như giúp kịp thời phát hiện các sai lệch và sửa chữa, điều chỉnh khi cần thiết. Hoạt động kiểm soát bao gồm rất nhiều khâu công việc, cụ thể: Thiết lập mạng lưới thông tin phản hồi; Kiểm tra sự thực hiện: thông qua hệ thống kiểm tra của nhà nước, như thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra của các cấp quản lý khác…; Đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm;...

Do đó, xuất phát từ lý do trên, ở Điều 12- Nội dung quản lý nhà nước về giá, cần bổ sung thêm nội dung: Thực hiện hoạt động kiểm soát giá .

Thứ tư, về nguyên tắc, phương pháp, quy trình định giá: Tại Điều 23 đã quy định rất đầy đủ và chi tiết về nguyên tắc định giá. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc cần tuân thủ khi định giá là cần phải khách quan, và phù hợp với điều kiện thị trường tại thời điểm định giá. Do đó, cần chỉnh sửa đảm bảo nguyên tắc này.

Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 24 đã quy định về căn cứ và phương pháp định giá. Tuy nhiên, một trong những nội dung quan trọng của định giá là xây dựng và thực hiện quy trình định giá thì chưa được thể hiện trong luật, hơn nữa Luật cũng chưa nêu cụ thể, chi tiết các phương pháp sử dụng để định giá hàng hóa, dịch vụ.

Do đó, Điều 24, Mục 2, chương IV cần bổ sung thêm quy trình định giá (gồm bao nhiêu bước, nội dung công việc cụ thể của từng bước) và cần quy định chi tiết các phương pháp sử dụng cho từng nhóm hàng hóa.

Thứ năm về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá: Khoản 2, Điều 25 đã quy định các hình thức định giá, gồm: giá cụ thể; giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá. Tuy nhiên, vẫn còn chung chung, chưa chi tiết đối với từng loại giá, từng loại hàng hóa, nên dễ sẽ gây lúng túng khi vận dụng. Vì vậy, Khoản 2, Điều 24, Mục 2, chương IV cần quy định rõ hơn cho từng hình thức định giá, mỗi hình thức định giá gắn với từng nhóm hàng hóa dịch vụ cụ thể.

Thứ sáu về hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá: Hiệp thương giá là hình thức cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức và làm trung gian cho bên mua và bên bán thương lượng về mức giá mưa, giá bán hàng hoá, dịch vụ hợp lý dựa trên cơ sở các thông tin về chi phí sản xuất, lưu thông hoàng hóa; tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá cả thị trường trong và ngoài nước....

Hiệp thương giá thực hiện đối với hàng hóa, dịch vụ quan trọng được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đặc thù hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế; có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán hoặc bên mua, bên bán phụ thuộc nhau không thể thay thế được. Tuy nhiên, tại theo dự thảo Luật giá hiện nay quy định hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá phải đảm bảo các tiêu chí: Không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán mà bên mua, bên bán phụ thuộc nhau khó có thể thay thế được. Quy định như tại Dự thảo là  chưa đầy đủ. Do đó, đề xuất, Điều 27, Mục 3, chương IV nên bổ sung thêm tiêu chí: Hàng hóa, dịch vụ quan trọng được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đặc thù hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế.

Thứ bảy về thẩm định giá của Nhà nước: Khi thẩm định giá bất kỳ một loại tài sản nào, việc đầu tiên là cần phải lựa chọn cơ sở giá, phương pháp thẩm định giá, và đặc biệt thẩm định viên về giá cần phải tuân thủ các nguyên tắc cũng như quy trình định giá. Tuy nhiên, ở Mục 3, chương VI gồm 5 điều đã quy định về: Phạm vi thẩm định giá của nhà nước, Hội đồng thẩm định giá nhà nước, Kết quả thẩm định giá, Chi phí thẩm định giá, Hồ sơ thẩm định giá; nhưng chưa quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước. Vì vậy, Mục 3, chương VI cần bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước, từ đó giúp thuận lợi cho quá trình thực hiện, tránh các sai phạm.

Thứ tám, Hội đồng thẩm định giá nhà nước: Cần sửa đổi, bổ sung quy định về thành phần tham gia Hội đồng thẩm định giá nhà nước (ở khoản1 Điều 63); quy định người đứng đầu Hội đồng; người có trách nhiệm ký vào kết quả thẩm định giá trị tài sản. Đồng thời, cần quy định rõ về thời gian sử dụng kết quả thẩm định.

TS.Nguyễn Hồ Phi Hà nhấn mạnh, quản lý Nhà nước về giá vừa là công cụ, vừa là một trong những đòn bẩy có tính quyết định, đảm bảo sự thành công của các tác động quản lý khác. Dự thảo sửa đổi Luật giá đã từng bước được hoàn thiện, góp phần hạn chế những bất cập hiện nay, tuy nhiên vẫn còn một số chỗ cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh để Luật giá thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật./.

Lê Anh