NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC THI HÀNH CÔNG VỤ, ĐẢM BẢO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

16/02/2023

Quan tâm đến vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh mẽ, phát hiêu hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, nâng cao đạo đức thi hành công vụ của cán bộ, công chức để giải quyết căn cơ vấn đề này.

TĂNG CƯỜNG RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng chính là nhằm góp phần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ nói riêng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nói chung.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tiến Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và toàn dân đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đặc biệt, với sự triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh mẽ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được kiềm chế, ngăn chặn.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Theo đại biểu, thành tựu nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đã hoàn thiện hơn về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, không để tham nhũng; phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Công tác tổ chức cán bộ, cải cách hành chính, việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ được tăng cường. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được phát huy.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tiến Nam nhấn mạnh, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán không ngừng được đổi mới, hiệu quả; phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng; trong đó có cả cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật, với tinh thần “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, “làm rõ đến đâu, xử lý đến đó” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nêu rõ, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Về nguyên nhân cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chưa được cải thiện, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, quyền lực nhà nước nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền; là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của tham nhũng, quan liêu.

Cũng nhìn nhận về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, việc kỷ luật, truy tố, xét xử nhiều cán bộ và lãnh đạo cấp cao của nhiều tỉnh thành, bộ ngành và doanh nghiệp vừa qua cho thấy sự quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Trong đó, có việc phải sửa đổi luật để đảm bảo ít có lỗ hổng, bất cập và đặc biệt là không có cơ hội cho người xấu lợi dụng để tham ô, tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Nêu dẫn chứng về những gì đã xảy ra trong đợt đại dịch Covid-19, đại biểu cho rằng trong đợt dịch mới có kit test, vắc-xin, chuyến bay giải cứu… tất cả đều mới trong một điều kiện hoàn cảnh đặc biệt nên có người đã lợi dụng lỗ hổng mới phát sinh để tham nhũng.Vì vậy, bên cạnh việc cần phải sửa đổi luật, thì nâng cao đạo đức thi hành công vụ của cán bộ, công chức cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Trao đổi về vấn đề này, TS.Nguyễn Thị Lê Thu, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, ở cả góc độ chủ trương của Đảng, thể chế của Nhà nước và góc độ thực thi, công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đã cho thấy một chính sách quan trọng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không có câu chuyện hạ cánh an toàn”. Bên cạnh nguyên tắc “Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác” (Khoản 1, Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018), pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật về cán bộ, công chức hay pháp luật về khiếu nại tố cáo đã có những bổ sung quan trọng như quy định hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức hay giải quyết tố cáo cả với những người đã nghỉ hưu, chuyển công tác.

Thực tế, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng là đấu tranh chống tham nhũng phải luôn tuân thủ quy định của pháp luật; đấu tranh chống tham nhũng phải quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ… những kết quả đạt được của công tác này những năm qua không chỉ tạo được bước đột phá mà còn góp phần từng bước hình thành cơ chế răn đe để mỗi cán bộ, đảng viên ở các cơ quan công quyền "không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng”. Nhiều cán bộ, đảng viên đã từng giữ những cương vị, chức vụ trọng yếu trong bộ máy ở cả Trung ương và địa phương, đặc biệt trong ngành y tế đã bị xem xét xử lý trước pháp luật về những sai phạm của họ. Nhiều người đã nghỉ hưu vẫn bị truy cứu trách nhiệm về những hành vi sai phạm đã thực hiện trong thời kỳ còn đang tại chức. Công tác  phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục được Đảng và Nhà nươc  ta  triển khai thực hiện  quyết liệt, quyết tâm chính trị cao hơn,  trở  thành xu thế  “không có vùng cấm,  không có  ngoại kệ”,  thực  hiện đồng bộ các biện pháp  về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế và  hình  sự.

Minh Hùng