NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, TỈ LỆ ĐÔ THỊ HÓA CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

13/02/2023

Theo dự kiến chương trình, tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh. Trước đó, tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về nội dung này, các đại biểu đều ủng hộ các địa phương trong đợt trình điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập đơn vị hành chính đô thị lần này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 20 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ THẨM TRA CÁC ĐỀ ÁN THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH ĐÔ THỊ VÀ ĐIỀU CHỈNH ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CỦA 04 TỈNH

Phiên họp toàn thể lần thứ 12 thẩm tra các đề án của Chính phủ đề nghị thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 04 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Quảng Nam và Trà Vinh. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Tịnh Biên, các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, thị trấn Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm thuộc huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre; thành lập 05 phường thuộc thị xã Điện Bàn và thành lập thị trấn Trung Phước thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam và việc điều chỉnh 3,13 km2 diện tích tự nhiên và 490 người của ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh huyện Duyên Hải về xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh đơn vị hành chính của 04 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Quảng Nam và Trà Vinh.

Khẳng định, việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị và việc điều chỉnh địa giới hành chính đều bảo đảm đủ 05 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm lợi ích chung của đất nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương; phát huy được tiềm năng, lợi thế của các đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tỷ lệ đô thị hóa các tỉnh. Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Bảo đảm đoàn kết dân tộc và sự đồng thuận của Nhân dân; phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; nâng cao đời sống và tạo sự thuận tiện cho Nhân dân. Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 1211.

Đồng thời, qua nghiên cứu các Đề án, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh giải trình, làm rõ thêm và kiến nghị, đề xuất. Trong đó, đề nghị chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre báo cáo, cung cấp thêm thông tin về tính phù hợp của quy hoạch chung xây dựng đô thị Tiên Thuỷ, Tiệm Tôm và Phước Mỹ Trung và việc công nhận đô thị loại V đối với các đơn vị hành chính nêu trên; đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến cụ thể về việc công nhận loại đô thị của UBND tỉnh Bến Tre làm cơ sở để xem xét, thẩm tra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi một số nội dung nghiên cứu bước đầu về Tờ trình, Đề án của Chính phủ

Ngoài ra, ngày 30/01/2023 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó: Đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300%. Đến năm 2030, hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 2000% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định. 

Qua rà soát theo các tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) cho thấy tại các huyện, thị xã có đơn vị hành chính đô thị được thành lập lần này có một số đơn vị cấp xã có khả năng thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, trong đó có những huyện có số lượng đơn vị hành chính cần sắp xếp khá lớn trong đó tỉnh An Giang có 09 đơn vị, tỉnh Bến Tre có 29 đơn vị. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý chính quyền địa phương các tỉnh có liên quan chủ động rà soát, nghiên cứu xây dựng phương án, kế hoạch sắp xếp đối với các đơn vị hành chính nêu trên đáp ứng các yêu cầu của Trung ương trong từng giai đoạn, tránh việc lấy lý do vì có các đơn vị hành chính mới được thành lập để không thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại phiên họp

Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, là 1 trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, Bến Tre đã tập trung cho phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên đến nay, Bến Tre là 1 trong những tỉnh có tỉ lệ đô thị hóa thấp nhất của vùng và cả nước. Toàn tỉnh có 9 huyện và 1 thành phố mới chỉ là đô thị loại 2, trong đó có huyện còn chưa có huyện lị. Kinh tế biển là điểm mạnh của tỉnh nhưng tỉnh cũng có số xã bãi ngang ven biển là lớn nhất với 29 xã. Do đó, tỉnh dành nguồn lực phát triển đô thị kết cấu hạ tầng, hoàn chỉnh các quy hoạch tích hợp lồng ghép tiếp tục đầu tư để phát triển đô thị, quyết tâm đưa tỉ lệ đô thị của tỉnh cao hơn. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt về các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Chia sẻ với tình hình và nỗ lực của Bến Tre trong việc nâng cao tỉ lệ đô thị hóa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa bày tỏ tán thành và ủng hộ các địa phương trong việc thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh đơn vị hành chính. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị địa phương quan tâm giải quyết những vấn đề sau thay đổi, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời, các địa phương cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, cây xanh, môi trường… bảo đảm tốt hơn các tiêu chuẩn, điều kiện của mô hình đô thị.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị các địa phương có thêm báo cáo thêm về định hướng đầu tư, phát triển các xã còn lại trong tương lai để bảo đảm sự đồng bộ của kết cấu đô thị, thuận lợi cho yêu cầu quản lý. Lưu ý với những địa phương thành lập số lượng lớn đơn vị hành chính đô thị, các đại biểu cho rằng, việc thành lập số lượng lớn các đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính nông thôn là bước thay đổi lớn từ mô hình chính quyền nông thôn sang mô hình chính quyền đô thị, làm phát sinh các vấn đề liên quan như dân số cơ học tăng nhanh, nhu cầu việc làm, nhà ở và an sinh xã hội của người dân tăng cả về số lượng và chất lượng; vấn đề phát sinh về môi trường và yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị,… đặc biệt là tình hình an ninh trật tự và công tác quản lý cư trú trên địa bàn biên giới.

Từ kinh nghiệm của các địa phương thành lập số lượng lớn đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính nông thôn, Ủy ban Pháp luật đề nghị chính quyền địa phương cần quan tâm có giải pháp bảo đảm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, nhất là quản lý về đất đai.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các tỉnh tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và kịp thời ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu được thông qua, trong đó chú trọng các nội dung về việc bố trí, sắp xếp và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng các yêu cầu quản lý của chính quyền đô thị; có phương án bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức và việc chuyển đổi các loại giấy tờ hành chính cho người dân khi có nhu cầu.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Cư trú (điểm c khoản 3 Điều 26) thì trường hợp thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh, cập nhật việc thay đổi thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Do đó, các đại biểu đề nghị Bộ Công an kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương có liên quan chủ động cập nhật, điều chỉnh thông tin liên quan về địa chỉ nơi cư trú của người dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo nội dung Nghị quyết về thành lập các đơn vị hành chính mới sau khi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để thực hiện đúng quy định của Luật Cư trú, hạn chế gây phiền hà cho người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Tờ trình của Chính phủ

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp

Đại diện lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp Ủy ban Pháp luật

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Hoàng Quốc Khánh - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Các đại biểu tham dự phiên họp 

Đại diện lãnh đạo tỉnh An Giang làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm

Đại diện lãnh đạo tỉnh Trà Vinh làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật biểu quyết nhất trí về nội dung thẩm tra

Bảo Yến - Nghĩa Đức