ƯU TIÊN KIỂM SOÁT TỐT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NĂM 2023

30/01/2023

Nhìn lại kết quả phát triển kinh tế năm 2022, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế nhận định, để tạo đà cho sự phát triển bền vững trong năm 2023, cần quan tâm hơn nữa đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho lĩnh vực y tế và giáo dục.

Nhìn lại kết quả phát triển kinh tế năm 2022, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, thách thức ngày càng gia tăng, kinh tế Việt Nam được xem là một điểm sáng, đồng thời cũng là một năm “bản lề”, tạo đà để Việt Nam tiếp tục bứt phá trong năm 2023.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 và 2021. Ước tính GDP cả năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Trong đó,  khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%. Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt, tính chung cả năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, cùng mức xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước 3,32 tỷ USD) là rất ấn tượng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Nhận định về tình hình phát triển kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế nước ta đã phục hồi khá rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, lĩnh vực về thương mại dịch vụ, du lịch đã đạt được những kết quả rất khả quan. Chúng ta đã triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện có rất nhiều bất ổn, những yếu tố bất định đan xen với tình hình địa chính trị căng thẳng và tình hình lạm phát của thế giới vẫn là thách thức lớn cho kinh tế của đất nước.

Năm 2023, nền kinh tế vẫn đứng trước rất nhiều thách thức như: Các vấn đề về địa chính trị còn phức tạp; suy thoái kinh tế có thể xảy ra cục bộ ở một số nước khiến cho xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng của Việt Nam chậm lại; rủi ro về tài chính, tiền tệ vẫn lớn; những vấn đề về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn rất khó lường…

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, để tạo đà cho sự phát triển bền vững trong năm 2023, cần quan tâm hơn nữa đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Và điều quan trọng hơn nữa phải lưu ý là việc bảo vệ sức khỏe người dân. Do đó, phải đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực y tế, tránh tình trạng một vài nơi thiếu thuốc, trang thiết bị gây hoang mang cho người dân thời gian qua. Song song với lĩnh vực y tế chính là giáo dục, đây là hai lĩnh vực quan trọng nhất, cần phải được ưu tiên trong năm 2023 và thời gian tới.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, năm 2023,  kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Thứ nhất, sự tăng trưởng của năm 2023 cả về mặt kinh tế - xã hội và thu ngân sách, do đã có được một ít những nguồn lực “dự trữ” cho sự phát triển của năm 2023. Trong vòng hai năm vừa qua, chúng ta cũng có rất nhiều những giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, về cải cách thể chế, về cơ cấu lại nền kinh tế đã và đang được triển khai, đây là bệ đỡ về chính sách cho tăng trưởng của năm 2023.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, dư địa lớn nhất của năm 2023 chính là các giải pháp, chính sách mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành trong vòng hai năm vừa qua, đặc biệt là những nhóm giải pháp liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đó là những giải pháp rất căn cơ. Cùng với các chương trình về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt là Nghị quyết 68/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện để làm dư địa cơ sở cho việc tăng trưởng trong năm 2023.

Đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, năm 2023 vẫn là khoảng thời gian rất khó khăn và giai đoạn khó khăn có thể vẫn tiếp tục gia tăng ít nhất là trong quý I hoặc có thể kéo dài sang quý III. Tuy nhiên, xét về mặt động lực tăng trưởng, về mặt dư địa về thể chế, để những giải pháp có thể được thực thi, hành động và đạt được kết quả thì cũng cần có thời gian. Do đó, trong trong quý I, quý II, chúng ta có thể tập trung giải quyết được các vấn đề về thể chế, chuyển tải thành các hành động cụ thể thúc đẩy sự phục hồi, phát triển kinh tế năm tới.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Chia sẻ về triển vọng phát triển kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, trước bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao, lạm phát của Việt Nam ở mức 3,15% cũng là sự thành công rất lớn. Tuy nhiên, để đạt được những chỉ số này là điều không hề dễ dàng và cần sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đề cập đến sự vào cuộc quyết liệt, nhanh nhạy, kịp thời của Quốc hội với việc ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 và một loạt các Nghị quyết, đạo luật khác đã tạo ra bước ngoặt trong công cuộc chống dịch, tiến tới phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành sát sao, kịp thời, đưa ra một loạt giải pháp nhằm hỗ trợ, kích cầu nền kinh tế…

Theo TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, bên cạnh những thách thức của kinh tế thế giới thì nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức nội tại mà lâu nay chưa được xử lý thấu đáo liên quan đến giải ngân đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội... Rủi ro, thách thức mới liên quan đến thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động đã và đang phát sinh hậu Covid -19 khá rõ nét và chúng ta cần phải tập trung xử lý. Bên cạnh đó, việc phối kết hợp các thể chế, cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, khơi dậy tiềm năng để nắm chắc cơ hội phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Minh Hùng