TỔNG THUẬT SÁNG 07/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Định hướng cụ thể hơn việc sử dụng không gian biển cho một số lĩnh vực
Thẩm tra Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Ủy ban Kinh tế cho rằng định hướng phát triển không gian biển của Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bám sát các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, chủ trương lớn, khâu đột phá và các nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII để làm căn cứ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Trong đó, cần lưu ý: Làm rõ phạm vi không gian biển, nhất là vùng đất liền ven biển và vùng ven biển; Định hướng cụ thể hơn việc sử dụng không gian biển cho một số lĩnh vực dựa trên tiềm năng tài nguyên khoáng sản và điều kiện tự nhiên, hải văn, môi trường của từng vùng biển ; Việc phát triển các khu đô thị ven biển, đô thị đảo, kinh tế đảo gắn với an ninh, quốc phòng; Làm rõ vai trò của các cảng nước sâu, các khu kinh tế biển và sự liên kết giữa các ngành sử dụng không gian biển; Làm rõ hơn định hướng khu vực cần bảo vệ, đặc biệt cho mục đích quốc phòng, an ninh ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam và định hướng phát triển một số ngành nghề tại các đảo (đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung phân bố không gian đối với hoạt động nhận chìm; làm rõ tính tương đồng hay khả năng xung đột trong định hướng phát triển khi có sự “chồng lấn” ranh giới về lãnh thổ không gian biển của 04 vùng kinh tế - xã hội có biển.
Cần nêu rõ nội dung, định hướng phát triển đối với các khu kinh tế ven biển giai đoạn 2021-2030
Thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 về nội dung này, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan cũng như nội dung của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội lần này. Đại biểu cho rằng đây là nội dung hết sức cần thiết và quan trọng để làm cơ sở triển khai lập nhiều quy hoạch quan trọng khác. Mặc dù nội dung khá hoàn chỉnh nhưng qua nghiên cứu tài liệu cũng như quá trình theo dõi thực tiễn phát sinh, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần quan tâm thêm 4 nội dung. Một trong 4 nội dung đó là vấn đề định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển.
Theo đại biểu, phát triển các khu kinh tế ven biển là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Do vậy, đại biểu thống nhất với nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là đề nghị làm rõ định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2030 đối với 8 khu kinh tế ven biển đã được Chính phủ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, bao gồm: khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; khu kinh tế Đình Vũ, Cát Hải, thành phố Hải Phòng; khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh; khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên; khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Đại biểu phân tích, trong nội dung nhóm hạn chế thứ 5 của quy hoạch này có nêu "tính đến thời điểm hiện nay, việc triển khai xây dựng các khu kinh tế này rất chậm, đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế, thu hút đầu tư và phát triển các khu kinh tế này chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt là cơ chế, chính sách đã ban hành cho các khu kinh tế chưa vượt trội so với những nơi khác, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao". Phần hạn chế đã nêu như thế nhưng nội dung này chưa thấy đề cập trong phần định hướng phát triển, do vậy đại biểu đề nghị cần phải nêu rõ nội dung, định hướng phát triển đối với các khu kinh tế ven biển giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, cũng cần bổ sung nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cho phát triển các khu kinh tế ven biển phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững hơn.
Sớm ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia
Quan tâm về nội dung này, ThS.Đỗ Diệu Linh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ ra rằng, qua nghiên cứu Hoạt động kinh tế biển của vùng Tây Nam Australia, Thái Lan và một số nước trên thế giới và trong khu vực, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để Việt Nam có thể tham khảo và vận dụng như sau:
Thứ nhất, xây dựng đồng bộ chính sách phát triển kinh tế biển, ven biển. Sớm ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia. Việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế biển thực chất là xây dựng được hệ thống các mục tiêu và các điều kiện, biện pháp bảo đảm thực hiện các mục tiêu đó. Quy hoạch không gian biển quốc gia chính là định hướng cho tương lai phát triển của kinh tế biển của Việt Nam và giúp cho kinh tế biển của các địa phương phát triển mạnh mẽ.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đối với quốc gia, việc quy hoạch không gian biển mang ý nghĩa chiến lược bền vững, lâu dài và liên quan đến chủ quyền, lãnh hải. Đối với địa phương cấp tỉnh, việc xây dựng quy hoạch không gian biển vừa là định hướng phát triển vừa là cách thức để quản lý các lĩnh vực, hoạt động kinh tế biển tốt hơn và hướng đến sự phát triển bền vững. Đặc biệt, không gian kinh tế biển luôn rộng mở, đa dạng và tác động lẫn nhau cả về mặt tự nhiên và phát triển theo các cấp độ thông qua mối liên kết vùng. Những mâu thuẫn, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về biển, đảo hiện này đều đang cho thấy sự thiếu đồng bộ trong công tác quy hoạch không gian biển quốc gia và tại địa phương, gây ra những ảnh hưởng xây đến phát triển bền vững kinh tế biển. Tuy nhiên, trong xây dựng quy hoạch không gian biển của địa phương cần phải chú ý đến tính tổng thể của quy hoạch vùng, mối liên kết về mặt địa lý và kinh tế của vùng mới đạt kết quả cao nhất của công tác quy hoạch nhằm phát triển kinh tế biển. Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương; nối liên vùng giữa đất liền với biển, giữa địa phương có biển và địa phương không có biển.
Thứ hai, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực kinh tế biển mũi nhọn và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ kết nói với hệ thống trong toàn vùng, liên vùng Nguồn lực cho phát triển kinh tế biển luôn đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Do đó, cần có các biện pháp, cơ chế linh hoạt trong vấn đề huy động nguồn lực, khuyến khích 6 các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển, một số lĩnh vực tiên phong, mũi nhọn, như: du lịch biển, logistics, khai thác cảng, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, dầu khí,…
Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp; nâng cấp chuỗi đô thị ven biển thành những trung tâm tiến ra biển, gắn kết với các khu kinh tế ven biển và phát triển chuỗi logistic để liên kết các khâu sản xuất, lưu thông, giao nhận, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với thế giới để đẩy mạnh khai thác tiềm năng và chuyển dịch cơ cấu sản xuất dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên theo hướng hợp lý, tiến bộ, gắn với hội nhập quốc tế.
Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Hiện nay, nguồn nhân lực biển cho phát triển kinh tế biển vừa thiếu lại vừa yếu, do đó phải có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng trong dài hạn, dự báo được nhu cầu nguồn nhân lực mà các lĩnh vực, hoạt động kinh tế biển đang cần, phải tổ chức liên kết, hợp tác với các trường đại học đúng chuyên ngành để thực hiện đa dạng hóa phương thức đào tạo mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của quá trình phát triển. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư phát triển nguồn nhân lực với đầu tư phát triển khoa học - công nghệ biển, trên cơ sở tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở, đơn vị hoạt động khoa học và công nghệ biển trọng điểm, tận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến.