TỔNG THUẬT SÁNG 07/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

07/01/2023

3513 lượt xem

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, 8h00 sáng 07/01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TỔNG THUẬT CHIỀU 06/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp sáng 07/1/2023

Trước đó, sáng ngày 06/01/2023, vấn đề về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội tiến hành thảo luận tại các Tổ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp.

11h23: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận có 26 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian; đề nghị đại biểu gửi văn bản qua Ban Thư ký để tổng hợp. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua thảo luận các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia và báo cáo thẩm tra. Đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có tiền lệ cơ quan lập; cơ quan lập, cơ quan thẩm tra chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc xây dựng và thẩm tra Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ rất khó khăn, gặp nhiều thách thức nhưng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tiếp thu những nội dung góp ý để hoàn thiện Dự thảo nghị quyết gửi tới các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Các vị đại biểu Quốc hội từ thực tiễn và kinh nghiệm công tác của mình đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia như: sự cần thiết và cần ban hành nghị quyết trong Kỳ họp bất thường căn cứ trên cả 3 cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, sự chuẩn bị nghiêm túc và tích cực của Chính phủ; kết cấu, nội dung các mục tiêu, chỉ tiêu của dự thảo Nghị quyết và Quy hoạch; phạm vi, mức độ chi tiết và tính khái quát, phương pháp tiếp cận, căn cứ lập quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển; về nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, các vùng động lực và hành lang kinh tế; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch; danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện…

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến đại biểu phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

11h07: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết qua tổng hợp 217 ý kiến thảo luận tại tổ và 26 ý kiến tại hội trường của các đại biểu Quốc hội cho thấy đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình, dự thảo Nghi quyết và cơ bản đồng tính nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia. 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, có giá trị đã gợi mởi nhiều vấn về để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch. Đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu xác đáng các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Về sự cần thiết và tính cấp bách của xây dựng Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác, cũng như để thu hút đầu tư đầu tư cho các các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. 
Về mức độ chi tiết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã đảm bảo tuân thủ là một bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch này cũng là quy hoạch tuân theo Điều 22 của Luật Quy hoạch xác định là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ; tổ chức không gian phát triển của đất nước. 

Các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được quy hoạch cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch. 

Về sự về các quan điểm phát triển và những trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết,  quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường.

Theo đó, phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số miền núi nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương. 

Về hình thành và phát triển các vùng động lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay để lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế …sẽ xác định là 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ bó hẹp. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, đã nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn kịch bản phát triển trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động, cân đối các nguồn lực phù hợp với cả các thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển, bám sát để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra.

Bộ trưởng nhấn mạnh để đảm bảo tính khả thi kịch bản, phấn đấu trên tinh thần quyết tâm cao nhất, tận dụng được tất cả các khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của các vùng và của cả nước cũng như các cơ hội mới, xu thế mới để phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra.

11h01: Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Cần đánh giá kỹ lưỡng thực trạng phát triển của nhiều lĩnh vực

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, điều kiện tự nhiên của đất nước ta là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh, làm cơ sở cho xây dựng quy hoạch chung của đất nước.

Đại biểu nhấn mạnh, việc đánh giá thực trạng phát triển trên các lĩnh vực là rất cần thiết, đặc biệt là về hàng lang kinh tế, trục kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, qua đó có cơ sở đưa ra định hướng triển khai cho thời gian tới.

Bên cạnh đó, hiệu quả của việc phát triển các vùng, ngành, lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tình trạng khai thác khoáng sản, tài nguyên dưới lòng đất, tác động lâu dài của các tài nguyên này ảnh hưởng ra sao khi đã khai thác triệt để, có ảnh hưởng đến môi trường thế nào, có tích lũy được tài nguyên cho các thế hệ sau hay không. 

Về phát triển vùng, liên kết vùng, đại biểu cho rằng, cần đánh giá đầy đủ những bất cập chưa giải quyết được, để có định hướng toàn diện khắc phục. Theo đại biểu, liên kết vùng là vấn đề quan trọng, tuy nhiên đến nay liên kết còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, căn cơ hơn để phát huy hiệu quả. 

Về kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đại biểu đề nghị cần có đánh giá chuẩn xác hơn đến năm 2050 để đảm bảo diện tích rừng hiện hữu và trồng mới đạt được yêu cầu, bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả cao, tăng giá trị kinh tế của đất.

10h54: Đại biểu Định Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Triển khai các giải pháp phát triển vùng với thực hiện các chính sách

Đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Định Thị Phương Lan đồng thuận với các giải pháp thực hiện giải pháp kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số... Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế như trên, đại biểu Định Thị Phương Lan cần triển khai các giải pháp phát triển vùng với thực hiện các chính sách...

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đồng tình với quan điểm phát triển bao trùm, nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, thực hiện lộ trình, giải pháp nguồn lực có trọng điểm, có tính chiến lược phù hợp, nếu không thì sẽ chậm hoặc rất khó tiếp cận với tiến trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng đồng tình với quan điểm, đồng thời đề nghị làm rõ nội hàm thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách để khi thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực vẫn đảm bảo phát huy tối đa lợi thế các vùng miền hài hòa với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện hiệu qủa mục tiêu an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ y tế, giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với địa bàn thuận lợi.

Về tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị tiếp tục định hướng rõ nét hơn các trục phát triển kinh tế số, kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, kinh tế nông nghiệp định hướng giá trị khi phát triển công nghiệp văn hóa, các ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, các chiến lược an sinh, đặc biệt khi doanh số dần chuyển sang già hóa. Đào tạo gắn với yêu cầu phát triển kinh tế; quy hoạch, quản lý phân bố dân cư, định hướng đến năm 2050 khi quy mô dân số tiếp tục tăng.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị phân tích, đánh giá tác động đảm bảo tính khả thi khi xác định Việt Nam là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế...

10h47: Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Quy hoạch tổng thể quốc gia cần chú trọng đến không gian phát triển.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhất trí với sự cần thiết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tại kỳ họp này. Góp ý về một số nội dung cụ thể. Hồ sơ Quy hoạch đề cập hai kịch bản tăng trưởng, với các mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể. Về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành có nước có thu nhập cao thì cần chọn phương án tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, nếu nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến kinh tế xã hội thời gian qua, nếu chọn phương án tăng trưởng cao thì tính khả thi không cao. Đại biểu nhấn mạnh, quy hoạch nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh, không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Nếu vẫn giữ các mục tiêu cụ thể, kịch bản tăng trưởng cao, cần làm rõ quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó.

Đại biểu đồng tình với ý kiến của đại biểu Trịnh Xuân An, Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà chỉ nên khái quát giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành và địa phương có căn cứ xây dựng chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp. Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư đảm bảo tính khả thi và đáp ứng các định hướng chiến lược cho đất nước, khi đó có thể đặt ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.

Bên cạnh đó, đại biểu quan tâm đến liên kết vùng và rộng hơn là liên kết khu vực, trong đó có tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và trong tương lai sẽ kết nối chặt chẽ hơn nữa với khu vực Vân Nam (Trung Quốc). Đại biểu cho rằng, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch phát triển theo hành lang kinh tế này, coi đó là một mắt xích chính yếu trong việc đón đầu xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COIVD-19…

10h41: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình:

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đánh giá cao tinh thần quyết tâm khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bù đắp khoảng trống quy hoạch tổng thể quốc gia dài hạn, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm phát triển của Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Đại biểu ấn tượng nhất là sự bài bản, cầu thị của việc xây dựng quy hoạch thông qua việc trao đổi, tiếp thu ý kiến nhiều lần của Hội đồng thẩm định các bộ ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh, Quy hoạch trình Quốc hội đã thể hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Luật Quy hoạch một cách có hệ thống trên cơ sở đánh giá thực trạng quốc gia, tuân thủ các định hướng, chiến lược phát triển có liên quan. 

Góp ý hoàn thiên thêm về nội dung, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị quy hoạch cần chỉ rõ, nhấn mạnh, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ vừa là để ghi nhận những kết quả đã đạt được, vừa thể hiện quyết tâm phấn đấu rõ ràng hơn, tận dụng tốt xu hướng nguồn lực trong những lĩnh vực tiềm năng này.

Về mục tiêu cụ thể, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị nên xem xét, điều chỉnh một số mục tiêu. 

Thứ nhất, mục tiêu “phấn đấu từ 3 đến 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế” nên điều chỉnh thành: “phấn đấu có 5-10 đô thị xanh thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế”. Hiện nay chúng ta đã, đang xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, các tiêu chuẩn về thành phố xanh thông minh sẽ cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào chất lượng, tiêu chuẩn sống hơn là quy mô thương hiệu. 

Thứ hai, xem xét bổ sung chỉ tiêu về doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số: Đó là số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, đổi mới công nghệ tăng trung bình 15-20% trong giai đoạn 2021-2030 và tăng 5-10%/năm đến năm 2050 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp vốn đang tiến triển chậm, chưa đạt kỳ vọng. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề xuất Việt Nam có thể đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050, đó là năng lực tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đạt trình độ tương đương các nước phát triển trong khu vực ASEAN hoặc Châu Á. Chính phủ và các cơ quan điều hành, các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế sớm nghiên cứu hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đánh giá tính tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, về phát triển vùng và liên kết vùng, đại biểu đề nghị nên chú trọng đảm bảo tính phù hợp, nhất quán giữa quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, cực tăng trưởng. Về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển, bổ sung thêm một số chỉ tiêu về phát triển xã hội, môi trường của từng vùng. 

Ngoài ra, bổ sung mục tiêu liên kết phát triển vùng toàn diện, hiệu quả là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030.

10h35: Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần nghiên cứu rõ vấn đề tài nguyên, khoa học công nghệ để đảm bảo sự phát triển của đất nước

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch tại Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang tính định hướng về một số giải pháp là chủ yếu.

Vấn đề đất đai, tài nguyên, nhất là tài nguyên không tái tạo, khoa học công nghệ và nguồn lực cần được nghiên cứu rõ, cụ thể để bảo đảm sự phát triển lâu dài của đất nước. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể để cụ thể hóa các vấn đề này khi được Quốc hội thông qua. 

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét bổ sung đánh giá thực trạng phân bố không gian sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ của quốc gia để bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương để trong thời kỳ quy hoạch có phương án điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt là phân bố các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, các vùng sản xuất tập trung cần bổ sung đánh giá việc thành lập các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế hợp lý, phát huy được sức mạnh của các vùng, các hành lang kinh tế trong quy hoạch...

Cùng với phân bố không gian sản xuất, quy hoạch, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng cần đánh giá sự phù hợp trong việc phát triển, phân bố đô thị, dân cư; đánh giá tình hình chuyển dịch cơ cấu dân cư, lao động giữa các vùng, những vấn đề xã hội phức tạp phải quan tâm giải quyết. Đồng thời bổ sung đánh giá thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng, sự hợp lý của phân bố cơ sở hạ tầng giữa các vùng, địa phương trong các quy hoạch trước đây. Phân tích, làm rõ thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn vừa qua phù hợp với tình hình phát triển của vùng kinh tế, phân bố dân cư.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết nêu rõ Việt Nam sẽ phát triển các hành lang kinh tế Bắc Nam gắn với cao tốc Bắc Nam và Quốc lộ 1a, hành lang kinh tế Đông Tây và hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia. Theo đó, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 50% vào năm 2030 và từ 70 đến 75 % năm 2050. Như vậy, quy mô của hệ thống đô thị tất yếu sẽ tăng, hệ thống đô thị sẽ hình thành mạng lưới liên kết hệ thống chặt chẽ, do đó hạ tầng phải phát triển trước một bước làm cơ sở cho phát triển đô thị.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm có định hướng về xu thế phát triển và dịch chuyển không gian lớn cấp quốc gia của hệ thống đô thị. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất theo khu vực, chức năng, căn cứ pháp lý quy hoạch của các ngành, lĩnh vực liên quan về đất đai để từ đó đưa ra chỉ tiêu sử dụng đất theo khu vực, chức năng; bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu du lịch.

10h29: Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Cần bổ sung định hướng phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh

Đồng tình và nhất trí cao với Tờ trình và báo cáo của Chính phủ, đại biểu nhấn mạnh Quy hoạch đã được xây dựng công phu, bài bản, thể hiện đúng và đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần phát huy tối đa tiềm năng phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Về định hướng phát triển hành lang kinh tế, đại biểu đề nghị bổ sung định hướng phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Theo đại biểu, trong dự thảo có nêu 3 hành lang kinh tế của khu vực phía bắc, gồm hành lang kinh tế Bắc – Nam, hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và từng bước hoàn thành hành lang kinh tế Điện Biên – Sơn La – Hòa Bình – Hà Nội. Đại biểu cho rằng định hướng như trên chưa tương xứng với tiềm năng về mạng lưới giao thông trong khu vực.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch định hướng phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Việc hình thành hành lang kinh tế này dựa trên cơ sở các tuyến đường bộ quan trọng và các tuyến đường sắt Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Quảng Ninh. Nếu hoàn thành, sẽ tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương với các vùng phía bắc, kết nối các hành lang kinh tế khác, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cả nước.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị sớm ưu tiên đầu tư phát triển tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn tốc độ cao để kết nối liên vận quốc tế, tận dụng lợi thế sẵn có, tạo động lực phát triển cho khu vực phía bắc, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

10h22: Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Ưu tiên phát triển hành lang kinh tế phía Tây Nguyên, Đông Nam Bộ

Bày tỏ đồng tình với việc Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, đây là vấn đề rất khó, nó bao quát và rất nhiều các chỉ tiêu, mục tiêu, các định hướng nên quá trình triển khai chúng ta sẽ vừa làm, chắc phải điều chỉnh chp phù hợp với thực tiễn.

Góp ý về một số vấn đề cụ thể, Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, về chỉ tiêu, mục tiêu phát triển đến năm 2030, trong dự thảo Nghị quyết đặt ra mục tiêu là tỷ lệ che phủ rừng tới 42%, cùng với đó là đặt ra các giải pháp cụ thể đối với từng khu vực và đối với từng loại rừng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị khi giao chỉ tiêu cụ thể, khi lập các quy hoạch ngành, quy hoạc tỉnh tỉnh cũng cần phải đánh giá một cách thực chất nhất trên thực trạng về tỷ lệ che phủ rừng.

Đối với định hướng phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, một trong những mục tiêu là phát triển bền vững công nghiệp khai thác bô-xít, chế biến alumin và sản xuất nhôm. Để đạt được mục tiêu này, cần quan tâm đánh giá đúng khu vực khai thác, chỉ nên tiến hành trên những thân quặng đủ hiệu quả cho khai thác ở quy mô công nghiệp, phù hợp với công nghệ khai thác.

Về định hướng phát triển không gian kinh tế xã hội, tại Điều 3, Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, tại Khoản 3 quy định về phát triển hành lang kinh tế, chia ra làm hai loại: các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn 2030 và các hành lang kinh tế từng bước hình thành và phát triển. Đại biểu đề nghị chuyển mục tiêu hình thành hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc phía Tây ở phía Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, sang mục các hành lang kinh tế được ưu tiên phát triển.

10h17: Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Cần nâng cao năng suất lao động, định hướng phát triển nguồn nhân lực

Đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Thị Thanh Lam thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và cơ quan tẩm tra về Bản quy hoạch. 

Cho ý kiến về năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Để trở thành quốc gia trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, trong đó không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo mà cần có định hướng phát triển nguồn nhân lực.

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, người lao động là lực lượng trực tiếp sản xuất, tạo ra của cải vật chất và đã có nhiều cơ chế, chính sách được điều chỉnh ban hành để thúc đẩy tạo sự chuyển biến về thể chế, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề năng suất và chất lượng lao động ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thật sự đột phá.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Năng suất châu Á thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước trong khu vực thì Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan. Để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra cũng như Chiến lược phát triển kinh tế đã hướng đến đòi hỏi phải nâng cao năng suất lao động ở mức cao hơn và tốc độ tăng bình quân ở mức tiệm cận 7% năm, trong khi mức tăng cao nhất thời gian qua chỉ khoảng 5,3 %/năm.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng, fiêng năm 2022, 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao và đây là chỉ tiêu còn lại không đạt được mục tiêu của kế hoạch (khoảng 4,7 đến 5,2 % trong khi kế hoạch là 5,5%). Thực tế, nguồn nhân lực lao động ở nước ta trong bối cảnh hiện nay thì tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ có việc làm không thể tăng nhiều so với giai đoạn trước đây, mặc dù chúng ta đang tận dụng thời kỳ dân số vàng và còn phải đối mặt với việc dân số già hóa dân số theo dự báo. Mặt khác, những vấn đề tồn tại vì kỹ năng nghề, kỹ năng số, cơ sở dữ liệu, kết nối các thông tin vẫn chưa được cải thiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27% cho thấy, các yếu tố hỗ trợ tăng năng suất lao động cũng có tốc độ tăng nhưng rất chậm. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng.

Dự thảo nghị quyết có đề cập về chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 khoảng 6,5%. Tuy nhiên, nội dung này trong quy hoạch tổng thể của quốc gia rất mờ nhạt. Do vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị Chính phủ cần quan tâm cân nhắc thấu đáo cho nội dung này trong quy hoạch tổng thể quốc gia và có giải pháp căn cơ hơn để định hướng trong tổ chức thực hiện. Trong đó đáng chú ý không chỉ là vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi mô hình đào tạo, phương thức đào tạo mà là cần có một chiến lược đột phá, phong trào cải thiện năng suất lao động mang tính quốc gia để thực sự y tế tăng trưởng, duy trì, phát triển, nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

10h12 Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng

Cơ bản thống nhất với hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia và bao cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Quốc Luận để nghị bổ sung trong phần đánh giá về hiện phát trạng phát triển quốc nội dung về đánh giá việc lập và thực hiện các quy hoạch đã được ban hành trong thời gian qua. Trong đó, tập trung phân tích đánh giá sâu kết quả đạt được, tồn tại vướng mắc và bài học kinh nghiệm.

Về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng, qua nghiên cứu báo cáo tổng hợp của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quốc hội Luận nhận thấy báo cáo mới chỉ đề cập đến định hướng và các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau, chưa có định hướng cũng như những nội dung cụ thể liên kết vùng.

Do đó, đại biểu đề nghị đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh đồng bộ liên kết vùng; có cơ chế điều phối quản trị vùng nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng.

Về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể thì báo cáo đã có sự phân tích, đánh giá về một số chỉ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trên một số ngành, lĩnh vực đến năm 2030, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và dự báo tình hình trong nước thế giới để xem xét cụ thể hóa các quan điểm, định hướng phát triển của đất nước bổ sung thêm các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để các địa phương làm căn cứ xây dựng quy hoạch tỉnh. Đồng thời làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch.

Về danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị làm rõ cơ sở nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án. Từ đó, rà soát, nghiên cứu, tính toán kỹ danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện đảm bảo các dự án này phải đáp ứng tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật. Đảm bảo các dự án đưa vào quy hoạch phải là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, có tác động lớn đến ngành vùng liên vùng.

Đồng thời,d dại biểu cũng đề nghị có thêm những phân tích, đánh giá về khả năng cân đối, huy động để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của giai đoạn này; có những giải pháp chiến lược, căn cơ, bài bản, khả thi để huy động nguồn lực cho đầu tư, đặc biệt là nguồn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.

10h06: Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Cần chỉ rõ hình thức liên kết kinh tế vùng

Đánh giá quy hoạch tổng thể quốc gia đã được chuẩn bị bài bản, công phu, đại biểu Lý Thị Lan cơ quản nhất trí với nhiều nội dung của quy hoạch. Theo đại biểu, quy hoạch tổng thể quốc gia, những vấn đề về mục tiêu, định hướng, quy mô phát triển của các ngành kinh tế cơ bản như công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… theo 6 vùng kinh tế, xã hội như một số chỉ tiêu, quy mô nền kinh tế, cơ cấu kinh tế, sản lượng của các sản phẩm chủ lực trong công nghiệp… cần được trình bày cụ thể hơn nữa làm cơ sở thiết lập cơ cấu phát triển kinh tế cho từng tỉnh. 

Bên cạnh đó, những vấn đề về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mới chỉ nêu lên thế mạnh ngành hàng và khu vực kinh tế theo vùng, nhưng chưa chỉ rõ quy mô ở cấp độ nào để xác định được mức độ, nhu cầu đầu tư, thu hút đầu tư tương ứng. Quy hoạch chưa chỉ ra được cụ thể các hình thức liên kết kinh tế vùng trên khía cạnh tổ chức sản xuất, làm cơ sở để các quy hoạch tỉnh lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, tránh tình trạng phát triển tương tự nhau về cơ cấu kinh tế. 

Ngoài ra, về vấn đề cụm liên kết ngành, đại biểu cho rằng cần làm rõ khái niệm, định hướng liên kết, định hướng vai trò, trách nhiệm dẫn dắt, lan tỏa để các tỉnh làm cơ sở luận giải được vị trí, vai trò, mối liên kết vùng của địa phương mình đối với vùng, quốc gia, quốc tế, giúp các địa phương tiếp cận được các nguồn lực để thực hiện được các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

9h59: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Quan tâm đến chất lượng và tính khả thi của Quy hoạch tổng thể quốc gia

Đại biểu Tạ Văn Hạ đánh giá cao nỗ lực Chính phủ trình Quốc hội Quy hoạch tổng thể quốc gia và khẳng định sự cần thiết ban hành càng sớm càng tốt, bởi nhiều quy hoạch cấp dưới đang chờ Quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cũng cần thiết ban hành quy hoạch sớm quan tâm hơn nữa đến chất lượng và tính khả thi của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về phương pháp lập quy hoạch, theo Tờ trình của Chính phủ, việc lập quy hoạch quốc gia là đúng với định hướng, đúng quy trình, đúng quy định. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương lập quy hoạch và xin ý kiến của địa phương.

Về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, việc lấy ý kiến của địa phương trong quá trình lập quy hoạch rất quan trọng nhưng chất lượng lấy ý kiến góp ý như thế nào trong điều kiện hiện nay mới có Bắc Giang và Hà Tĩnh đã lập quy hoạch cấp tỉnh. Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Văn Hạ quan tâm đến vấn đề tích hợp các quy hoạch hay kết nối giữa các quy hoạch gặp khó khăn giữa các địa phương.

Đại biểu băn khoăn việc tích hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với quy hoạch xây dựng. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới tiến hành tách hai quy hoạch này, bởi một quy hoạch mang tính chất định hướng không gian và một quy hoạch tương đối cụ thể để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị nghiên cứu khắc phục được tình trạng chồng chéo trong các quy hoạch, cần có kết nối giữa quy hoạch của Việt Nam và kết nối với khu vực và trên thế giới…

09h53: Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Đề nghị Ban soạn thảo rà soát và cân nhắc lại định hướng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với một số ngành

Nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhấn mạnh, Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia được chuẩn bị công phu với khối lượng lớn, đủ hồ sơ kết cấu, bám sát quy định tại Điều 22 của Luật Quy hoạch, bao quát được hầu hết các không gian kinh tế, các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ.

Xét về tổng thể, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhận thấy, nhiều nội dung quy hoạch chủ yếu tập trung vào các định hướng cơ bản mang tính chiến lược phát triển về không gian kinh tế - xã hội. Cho dù không gian vùng, các ngành, các lĩnh vực sẽ được triển khai quy hoạch chi tiết, tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, Báo cáo cần chỉ ra các nội dung quy hoạch cụ thể hơn việc định hướng chung chung. 

Đại biểu nêu ví dụ đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, quy hoạch đối với lĩnh vực này thì định hướng phát triển đưa ra như: tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính chứng khoán, nâng cao quy mô hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, tăng số lượng doanh nghiệp… Những vấn đề này không mới, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng nên tập trung vào các vấn đề như xây dựng và phát triển bao nhiêu trung tâm tài chính tầm quốc tế và định vị nó ở đâu, tập trung cơ cấu lại thị trường tài chính mà cụ thể là thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phải đạt ở quy mô nào? Cấu trúc hệ thống cấp tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô, cơ sở hạ tầng, tài chính công nghệ, tài chính… cũng cần được chỉ ra trong Báo cáo Quy hoạch tương tự một số ngành và lĩnh vực khác.

Đối với giáo dục nghiệp, tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay rất thiếu đội ngũ giáo viên có kỹ năng nghề cao, cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho việc đào tạo các ngành kỹ thuật, một số ngành nặng nhọc mang tính kỹ thuật cao ngày càng ít người đăng ký học, trong khi đó nhu cầu xã hội lại rất cần nguồn nhân lực đối với những lĩnh vực này.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, vấn đề này cũng cần được chỉ ra trong Báo cáo đánh giá thực trạng trong định hướng các ngành hạ tầng xã hội, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, liệt kê một số ngành trọng điểm tương ứng với lợi thế từng vùng kinh tế mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải đào tạo.

Vì vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát và cân nhắc lại định hướng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với một số ngành tại trang 503 của báo cáo. Theo đó, các ngành nghề khó, mang tính kỹ thuật cao, đòi hỏi chất lượng người học tốt thì cần phải tập trung vào đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời cần thiết phải có quy hoạch rõ ràng, phân tầng đối với giáo dục đại học.

Đối với trường đại học công lập cũng cần có chiến lược phát triển với các trường đại học địa phương, cân đối giữa các vùng, miền đào tạo phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và địa phương.

9h26: Nghỉ giải lao

9h19: Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Cần giải pháp cụ thể để sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng cần bổ sung quan điểm tổ chức không gian phát triển liên quan đến tài nguyên và khoáng sản. Dự thảo nghị quyết nêu quan điểm phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và khoáng sản.

Về vấn đề này, Nghị quyết 39 năm 2019 và Nghị quyết số 10 năm 2022 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, việc chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết. Do đó, trong thời gian tới cần có giải pháp cụ thể để khai thác, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính....

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường trong mục tiêu phát triển đến năm 2030. Theo đó, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để đạt được những mục tiêu này cần xây dựng các chỉ tiêu định lượng về đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tổng thể quốc gia làm căn cứ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai trong thực tiễn. Nghị quyết 29 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường đến năm 203. Do đó, đại biểu đề nghị cần thể chế hóa các chỉ tiêu nói trên vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng phải bổ sung dự án biến đổi khí hậu trong danh mục các dự án quan trọng của quốc gia tại phụ lục kèm theo Quyết định. Kết quả giám sát về biến đổi khí hậu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính là hết sức cần thiết. Cử tri cũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường hiệu quả đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là dự án có tính liên vùng, đa mục tiêu và tránh dàn trải. Tuy nhiên, trong danh mục dự án quan trọng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 kèm theo dự thảo Nghị quyết chưa đề cập đến các dự án quan trọng như dự án phát triển rừng ven biển, rừng đầu nguồn, dự án đập ngăn mặn, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính,… Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung những dự án này vào phụ lục danh mục các dự án quan trọng của quốc gia.

9h13 Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cần thể hiện rõ hơn chủ trương quan điểm của Đảng về phát triển đất nước, phát triển các vùng và địa phương.

Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới, khó  nhưng rất quan trọng để bố trí, phân bổ không gian phát triển, vùng, liên vùng. Đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong lập Quy hoạch, có sự chuẩn bị công phu.

Góp ý về định hướng sử dụng đất quốc gia, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng cần phải nghiên cứu thêm, định hướng sủ dụng đất trong 8 lĩnh vực vẫn dựa trên Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, trong khi Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải dựa trên Quy hoạch tổng thể quốc gia. 

Theo đại biểu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần có định hướng mang tính chiến lược hơn để phân bổ các loại đất cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cần bổ sung thêm định hướng sử dụng đất đối với khu công nghệ cao. 

Đại biểu Mai Văn Hải cũng cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thể hiện rõ hơn chủ trương quan điểm của Đảng về phát triển đất nước, phát triển các vùng và địa phương.

Đại biểu Mai Văn Hải đề xuất bổ sung thêm Thanh Hóa trong định hướng phát triển vùng động lực phía Bắc để xây dựng Thanh Hóa cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đề nghị trong hành lang kinh tế Đông Tây ở phía Bắc nên có thêm một hành lang đó là Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hóa. 

Về định hướng ưu tiên phát triển khu vực dịch vụ tại các địa bàn, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Quy hoạch cần xác định rõ hơn, cụ thể hơn việc xây dựng trung tâm logistics ở khu vực Bắc Trung Bộ.

9h06: Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: Cần đảm bảo tính hiệu quả, hợp lý trong đầu tư cho truyền thông, báo chí

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa hoan nghênh Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho ngành truyền thông, báo chí, tuy nhiên, đại biểu đặt vấn đề, có 20% các cơ quan báo chí được đầu tư, còn 80% các cơ quan báo chí còn lại thì sao? Các cơ quan đó có quan trọng hay không? Đầu tư theo hướng này sẽ dẫn tới phân tâm, không đảm bảo hiệu quả trong việc phát triển truyền thông, báo chí. 

Theo đại biểu, bên cạnh việc đầu tư hợp lý, cần chú trọng nguồn lực để đầu tư theo đặt hàng để có các tác phẩm chất lượng cao, chuyên sâu, tạo ảnh hưởng xã hội lớn, qua đó huy động được trí tuệ, tâm huyết, tài năng của đội ngũ nhà báo, phóng viên, nâng cao hiệu quả đầu tư, đạt được những kết quả thiết thực. 

Đối với việc quy hoạch báo chí, đề cập đến vấn đề sáp nhật các cơ quan báo chí, truyền thông, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng các quyết định đưa ra cần dựa trên đánh giá tác động kỹ lưỡng với tầm nhìn dài hạn. Nếu thực hiện chia tách, sáp nhập một cách thiếu tính toán sẽ dẫn đến lãng phí trong xây dựng, sửa chữa trụ sở, mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất.

9h00: Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Đề nghị bổ sung vùng ven biển Bình Định vào vùng động lực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung

Góp ý dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho biết, Nghị quyết 39 ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2010 đã xác định vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm có 5 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 không xác định vùng kinh tế trọng điểm mà xác định vùng động lực và hành lang kinh tế, trong đó khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung có vùng động lực là khu vực ven biển của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi và theo dự thảo thì sau năm 2030 sẽ được tiếp tục mở ra các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, hành lang kinh tế Đông Tây về phía Bắc của vùng Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng đã kết nối với vùng động lực Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi rất vững vàng. Nhưng hành lang kinh tế Đông Tây ở phía Nam của vùng chưa được kết nối với vùng động lực của vùng trong giai đoạn này. Vì vậy, để tăng cường kết nối vùng, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị bổ sung vùng ven biển Bình Định vào vùng động lực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung.

Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức về phát triển công nghệ với vai trò là quốc sách hàng đầu, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị cần bổ sung vào quy hoạch tổng thể quốc gia việc đầu tư xây dựng các khu đô thị hóa học, trong đó có khu đô thị khoa học Quy Hòa, Quy Nhơn, Bình Định.

8h53: Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Cần chú trọng đến 4 vùng kinh tế trọng lực

Đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Anh Tuấn đánh cao Bản quy hoạch đã định hướng đến việc phát triển kinh tế Việt Nam định hướng theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, cần chú trọng đến 4 vùng kinh tế trọng lực. Trong đó, Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn đến đường sắt đô thị... 

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, hiện nay, việc phát triển đường sắt đô thị trong hai thành phố trên đang có hướng phát triển rồi nhưng các đô thị của những vùng động lực này cũng phải tính toán tới sự phát triển của các đường sắt đô thị, kết nối với hạt nhân đang phát triển là Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. 

Ngoài ra, về hành lang kinh tế cần phải phát triển kinh tế theo trục Bắc - Nam, với hai hành lang quan trọng là Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh ở phía Bắc và ở phía Nam là Tp.Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu phải gắn với kinh tế cửa khẩu. Theo đó, phải tính toán thêm về kinh tế mậu biên và cửa khẩu. Vì kết nối kinh tế mậu biên và khu vực dọc biên giới, kinh tế biên giới cũng khá quan trọng, có sự giao thoa giữa giữa Việt Nam và các nước lân cận.

8h47: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa xác định được sản phẩm du lịch chính, nổi trội của mỗi vùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với những nội dung cơ bản trong báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, công việc khó khăn, phức tạp và đã được chuẩn bị triển khai thận trọng, tích cực, đúng quy trình, bám sát những quy định của Luật Quy hoạch và các nghị định, nghị quyết của Chính phủ.

Đại biểu cũng nhất trí cao với những đánh giá của Ban soạn thảo về các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua, trong đó có nguyên nhân vẫn còn tư duy dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. 


Để phát triển ngành du lịch. trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Quy hoạch tổng thể cần khắc phục được hạn chế, yếu kém là rào cản cho sự phát triển. Tuy nhiên, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng. Trong 6 vùng không gian phát triển những sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau.

Đại biểu cho rằng, đây là sự liệt kê, tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng, chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể và chưa xác định được đâu là sản phẩm du lịch chính nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, khi xác định được sản phẩm du lịch chính thì chúng ta mới có thể có phương hướng, kế hoạch tập trung để đầu tư phát triển, nếu cứ dàn trải, đầy đủ, đại biểu lo ngại sẽ rơi vào đầu tư manh mún, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả. Ngoài, ra đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các khái niệm về sản phẩm du lịch, vẫn còn sự lẫn lộn trong khái niệm những sản phẩm được liệt kê như nghỉ cuối tuần, thư giãn cuối tuần, du lịch cuối tuần… không thực sự là khái niệm sản phẩm du lịch, không cùng loại với các sản phẩm du lịch khác như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.

Đối với định hướng phát triển các cơ sở báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, bản Quy hoạch đã xác định rõ ràng, chính xác và khoa học mục tiêu tổ chức sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản in. Tuy nhiên, để thực hiện tốt những định hướng đó, đại biểu đề nghị không nên chỉ là khuyến khích tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành trung ương, mà cần bỏ từ khuyến khích. Bởi, nếu chỉ dừng lại khuyến khích thì tính hiệu lực và hiệu quả chưa cao.

Góp ý về định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao, đại biểu cho biết quy hoạch mới chỉ tập trung chú ý định hướng phát triển mạng lưới thể thao thành tích cao, với việc có một số công trình xây dựng đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo các điều kiện sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của châu Á và thế giới; định hướng bố trí mạng lưới cơ sở đào tạo chất lượng cao, mà chưa có sự quan tâm phát triển thể thao quần chúng qua việc định hướng, dành quỹ đất để bố trí hệ thống các điểm tập luyện thể thao cộng đồng…

08h41: Đại biểu Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum:

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được xây dựng căn cứ vào Luật Quy hoạch, cụ thế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030. Đặc biệt là báo cáo tổng hợp trong Quynh hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cơ bản đánh giá được các điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để phát triển mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước.

Góp ý liên quan đến vùng Tây Nguyên để làm rõ hơn một số nội dung có liên quan trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước tại khu vực Tây Nguyên và các vùng khác trong thời gian tới sẽ là vấn đề nóng và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Trong khi đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp tới năm 2030 đã xác định tại khu vực Tây Nguyên là nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp như là cây cà phê, hồ tiêu, cao su và chè, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị cần có định hướng cụ thể để đảm bảo nguồn nước tưới cây cà phê, cây chủ lực của Tây Nguyên, đảm bảo cho việc phát triển trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo, đại biểu nhận thấy, tại phần ba, Chương 7, Chương 8, Mục 4.3, định hướng về phát triển thủy lợi theo các vùng còn chung chung, do đó đề nghị cần có định hướng cụ thể theo vùng, miền trong thời gian tới để có cơ sở cho việc triển khai. 

Quan tâm đến vấn đề định hướng sử dụng đất quốc gia, đại biểu Trần Thị Thu Phước nêu rõ, vấn đề giải giải quyết đất sản xuất cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện định hướng giảm đất sản xuất nông nghiệp thì phải gắn việc phát triển các ngành công nghiệp để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Tây Nguyên. 

Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp thì cần có quỹ đất. Tuy nhiên, quỹ đất để phát triển công nghiệp ở Tây Nguyên còn tương đối thấp. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị tăng diện tích của khu công nghiệp tại Tây Nguyên trong giai đoạn tới để tạo nguồn quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp tại khu vực Tây Nguyên.

8h36: Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Cần quy định các nguyên tắc cơ bản để làm cơ sở quy hoạch vùng, địa phương

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Quang Minh cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải được xem là vấn đề mang tính tầm cỡ, lấy nội lực, thế mạnh của quốc gia, có tính quyết định. Việc tranh thủ hợp tác, liên kết với các nước và vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng cùng với năng lực dự báo tình hình khu vực và thế giới để xây dựng quy hoạch thì quy hoạch mới có tính bền vững, lâu dài.

Bên cạnh đó, cần quy định các nguyên tắc cơ bản để làm cơ sở quy hoạch vùng, địa phương, đồng thời là kỷ cương trong việc tuân thủ quy hoạch một khi đã ban hành. 

Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành hành lang mới; nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của sáu vùng theo Nghị quyết đã đề ra. 

Bên cạnh đó, vấn đề về du lịch cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai. Theo đại biểu, Việt Nam đang có lợi thế lớn về mọi mặt của du lịch, dư địa còn nhiều, do đó cần phải tạo được sự khác biệt để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế và trong nước.

Ngoài ra, dự thảo có nêu định hướng thiết lập hành lang liên kết du lịch vùng Đông Nam Á và quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm. Đại biểu Trần Quang Minh nêu rõ, việc phối hợp để tạo nên những tour, tuyến hấp dẫn, đa dạng, phong phú giữa các vùng là điều rất quan trọng. Vì vậy, cần phải có nguyên tắc cơ bản quy định cho liên kết các vùng du lịch trong nước làm cơ sở liên kết các vùng với các địa phương.

Đại biểu Trần Quang Minh cũng cho rằng cần xem xét các định hướng mang tính thực chất và khả thi hơn. Ví dụ như phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có đến 45 triệu đến 50 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ tiêu đưa ra trong 8 năm tới gấp 13 đến 15 lần hiện tại và gấp 3 lần so với thời điểm cao nhất.

Đại biểu khẳng định đây là vấn đề khó khi năm 2022, Việt Nam là nước mở cửa du lịch gần như sớm nhất, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân đạt rất cao nhưng chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách. Cùng với đó, định hướng không còn hộ nghèo là vấn đề phi thực tế bởi chuẩn nghèo theo từng giai đoạn sẽ được nâng lên khi kinh tế ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, thực tế có những hộ nghèo, bất khả kháng….

Do đó, đại biểu đề nghị tập trung định hướng xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội, đảm bảo cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và chủ động hỗ trợ tốt cho đời sống nhân dân khi có sự cố xảy ra.

8h30: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu

Đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, đây là lần đầu tiên lập quy hoạch tổng thể Quốc gia, một nội dung lớn, khó, phạm vi rộng nên còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đã nỗ lực để hoàn thiện hồ sơ cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Đại biểu cho rằng, về trình tự trong hoạt động quy hoạch, việc lập, thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch được thực hiện phù hợp với quy định tại Điều 7 Luật Quy hoạch. 

Theo đại biểu, bố cục báo cáo chưa hợp lý, khi có đến hơn 50% số trang dành cho phần hiện trạng. Bản đồ trong quy hoạch cũng cần có tỷ lệ theo đúng quy định. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc phân tích, đánh giá hiện trạng chưa đề cập rõ đến hạ tầng xã hội, quốc phòng, an ninh, chưa nêu bật được điều kiện thuận lợi cũng như động lực để đề xuất định hướng quy hoạch, chưa chỉ ra được những hạn chế trong quy hoạch tổng thể quốc gia khi tích hợp các hợp phần quy hoạch quốc gia vào quy hoạch, đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch với từng kịch bản trong việc lựa chọn định hướng phát triển và phân bổ không gian lãnh thổ. 

Ngoài ra, đại biểu đề nghị tập trung đầu tư hình thành vùng động lực đối với vùng trung du và miền núi, vùng Tây Nguyên. Đại biểu cũng đề nghị xây dựng một kịch bản trung bình bên cạnh các kịch bản đã có để có thể so sánh, đánh giá, lựa chọn sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

8h23: Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Quy hoạch tổng thể quốc gia đã có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn

Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trong hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội lần này; nhấn mạnh đây là nội dung vô cùng quan trọng,  đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng đây là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ và phức tạp nhưng đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước trở thành hùng cường. 

Đại biểu Trịnh Xuân An khẳng định dự thảo đã có cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn vững chắc. Do đó, đại biểu bày tỏ đồng tình để trình Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp này đưa ra định hướng lớn và cấp bách. Đại biểu cũng lưu ý đến yêu cầu Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bảo đảm khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ đánh giá và thuận lợi giám sát và thực hiện.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải rõ cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác. Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà đã được Đại hội Đảng ban hành. 

Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động. Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý. 

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng những nội dung “quy hoạch cứng” như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có thể chốt ở trong Quy hoạch này. Đối với những nội dung khác, thể xã hội hóa hoặc có thể mang tính định tính như vấn đề giáo dục, vấn đề y tế nên xác định là “quy hoạch mềm” để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể khiến bó khung có thể làm hạn chế việc phát triển.

Ngoài ra, đại biểu Trịnh Xuân An cũng góp ý vào những nội dung cụ thể của Quy hoạch tổng thể quốc gia như  bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa và Nghệ An; phải xác định rõ ràng là nông nghiệp mới là ngành có thể so sánh, có thể cạnh tranh với thế giới. Quy hoạch tổng thể mang tính là quy phạm nên phải sát sao, cụ thể hơn phần liên quan đến phần quốc phòng an ninh….

8h20: Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Cần lưu ý về phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ cao

Đại biểu Lưu Bá Mạc cơ bản tán thành với dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo đã được xây dựng hết sức công phu, chi tiết trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng cũng như chính sách pháp luật hiện hành về phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. 

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm là quan điểm tổng thể quốc gia phải mang tính bao trùm tất cả các lĩnh vực, định hướng phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong 30 năm tới. Đồng thời không phải nội dung chi tiết nào cũng cần đưa vào quy hoạch tổng thể quốc gia này.

Góp ý về các vấn đề chung của Dự thảo, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sử dụng hoặc tích hợp một cách phù hợp các cụm từ, nội dung định hướng, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trong các Chiến lược quốc gia về phát triển các ngành, lĩnh vực đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành trong thời gian qua vào trong Dự thảo Quy hoạch tổng thể này.

Về vấn đề Khoa học và công nghệ, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm nội dung về "Phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện, phát triển Mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia;" và bổ sung thêm hai công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao là công nghệ vũ trụ và công nghệ vật liệu mới một cách phù hợp vào nội dung Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về khoa học công nghệ tại khoản 3 Mục XV trang 34 Dự thảo Quy hoạch.

Về phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung về "Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam" một cách phù hợp vào nội dung Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực tại khoản 4 Mục XV trang 35.

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, ddể đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và phù hợp với Quan điểm phát triển trong Dự thảo Quy hoạch tại trang 1 có đề cập là "Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...", do vậy, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao để có thể là nguồn lực thực hiện trong giai đoạn tới là một trong các yếu tố quan trọng nhất.

8h14: Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Không để một số nội dung quy hoạch xa rời thực tiễn

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, đại biểu đánh giá đây là nội dung quan trọng, cần thiết để làm cơ sở triển khai, lập nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương. Qua nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực tiễn, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh để đảm bảo không để một số nội dung quy hoạch xa rời thực tiễn.

Cụ thể, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, lập quy hoạch, bổ sung thêm các nội dung quan trọng, những định hướng cơ bản đã được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây, đặc biệt là các Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, về phát triển các thành phố lớn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng của đất nước. 

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần dự báo ở mức độ chính xác cao nhất để không lặp lại các hệ lụy, có khung số liệu phục vụ cho việc xây dựng những kịch bản tăng trưởng khả thi, có những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách mang tính khả thi cao. Đại biểu cũng kiến nghị trong quy hoạch cần đề cập sâu hơn việc xây dựng các cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên vùng làm căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển bền vững, bao trùm.

8h09: Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Cần có tầm nhìn quy hoạch về đảm bảo nguồn nước, công trình thủy lợi; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất

Đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Khang Thị Mào cho ý kiến về khai thác nguồn nước, hệ sinh thái rừng không hiệu quả, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng, cần phải đảm bảo an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước. Theo đó, cần có tầm nhìn quy hoạch về đảm bảo nguồn nước, công trình thủy lợi; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần sớm quy hoạch ngành quốc gia, kiểm soát nguồn nước, đê điều, cung cấp nguồn nước sạch... 

Từ những thực tế trên, đại biểu Khang Thị Mào nêu một số ý kiến: 

Thứ nhất, sớm hoàn thiện lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước theo Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị.

Thứ hai, thực hiện có kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch, trong đó ưu tiên nhiệm vụ cấp bách trữ nước, chuyển nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu. Trước tiên, bố trí đủ nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp một số hồ, đập hư hỏng nặng, bảo đảm an toàn hồ, đập. Các nguồn nước mưa, lũ bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước cần thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời sống, có lộ trình hỗ trợ hợp lý cho nông dân, cho hộ nghèo, hộ yếu thế theo xu thế giảm dần sự bao cấp của Nhà nước.

Thứ ba, tăng cường công tác bảo vệ và nâng cấp chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, sớm nghiên cứu nâng cấp mức hỗ trợ vẫn bảo vệ rừng phù hợp với chất lượng từng loại rừng thông qua việc đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy hoạch, quy định của pháp luật để khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nhất là tại các địa phương miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và là nơi có tỷ lệ che phủ rừng cao.

8h02: Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Cần định lượng một số mục tiêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Góp ý về dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết trong dự thảo Nghị quyết nêu các mục tiêu phấn đấu đạt cao như: dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tốc độ phát triển cao, tính kết nối cao, khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đại biểu cho rằng, đây là những mục tiêu chưa định lượng sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện. 

Trong Nghị quyết nêu giai đoạn 2031-2050 phấn đấu chỉ số phát triển con người ở mức rất cao và có chú thích rõ là chỉ số HDI từ 0,8 trở lên. Đây là mục tiêu có định lượng giúp chúng ta có kế hoạch đạt được tiêu chí của chỉ số này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát lại để định lượng các mục tiêu, bởi nếu chúng ta đã có những con số rõ ràng sẽ có phương án phù hợp; định lượng mục tiêu giúp dễ dàng đánh giá được mức độ hoàn thành các mục tiêu ở các mốc thời gian. 

Quy hoạch nêu mục tiêu phát triển đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao về tầm nhìn đến năm 2050, là nước phát triển thu nhập cao. Đại biểu nêu quan điểm, điều khác nhau dễ thấy giữa nước đang phát triển và nước phát triển đó là chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đất nước đang phát triển vẫn còn suy nghĩ tiền nào của nấy, nếu sản phẩm trên thị trường mà không cạnh tranh bằng chất lượng thì không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại, mà những người làm ra sản phẩm chất lượng cũng bị cạnh tranh không lành mạnh.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bổ sung nội dung phát triển hệ thống các trung tâm, cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tầm cỡ khu vực, có lộ trình hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận với các nền kinh tế mà chúng ta muốn đưa sản phẩm đến.

Khẳng định văn hóa phải đặt ngang tầm với kinh tế nhưng hiện Việt Nam chưa có đủ đội ngũ các nhà văn hóa để phát triển văn hóa, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh trong thiết chế văn hóa, con người hoạt động văn hóa phải được đưa lên hàng đầu, khi đó các hoạt động văn hóa mới không hình thức… Vì vậy, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần có nội dung phát triển đội ngũ các nhà văn hóa trong giai đoạn mới. 

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng nêu các giải pháp nhằm phát triển mạnh về công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu, uy tín và tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, đề nghị trong Quy hoạch cần có nội dung hình thành thói quen đọc sách và xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập…

8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu mở đầu Phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện chương trình Kỳ họp, sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tại phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến rất sôi nổi và toàn diện về vấn đề này. Chính phủ đã có báo cáo giải trình đối với một số vấn đề các đại biểu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nêu trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung phát biểu vào các nội dung quan trọng của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các vấn đề các đại biểu quan tâm. 

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác