GS.TSKH ĐẶNG HUY HUỲNH: QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA CẦN ĐẢM BẢO PHÁT TRIỂN HÀI HÒA KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

06/01/2023

Đóng góp ý kiến vào Quy hoạch tổng thể quốc gia đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững và đồng đều trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Quy hoạch cũng cần chú trọng đến định hướng về sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

PGS.TS LÊ BỘ LĨNH: QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA PHẢI TRỞ THÀNH CÔNG CỤ ĐỂ QUẢN TRỊ, PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050. Đây là lần đầu Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng dựa trên căn cứ Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050.

Một trong 13 định hướng lớn trong Quy hoạch tổng thể quốc gia được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai là: Định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó nêu rõ các định hướng về sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với tư cách là cử tri và người có nhiều năm nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực môi trường, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp cho sự phát triển nhanh, bền vững và đồng đều trên tất cả các ngành, lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, thể thao, du lịch… Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần chú ý đến công tác quy hoạch để bảo vệ môi trường của đất nước.

 GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Phóng viên: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội xem xét Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ các định hướng phát triển về các lĩnh vực kinh tế - xã hội và định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thiết như thế nào?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Với tư cách là một công dân Việt Nam, một cử tri, tôi rất phấn khởi khi Quốc hội đưa vào chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai để xem xét, cho ý kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bởi đất nước muốn phát triển thì công tác quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng, bởi quy hoạch tổng thể sẽ giúp cho sự phát triển nhanh, bền vững và đồng đều đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, thể thao, du lịch…

Vì vậy đây là vấn đề cực kỳ quan trọng của quốc gia, bất kỳ công việc nào muốn thành công phải có sự sắp xếp, quy hoạch hợp lý, hài hòa. Đặc biệt, bản quy hoạch này càng có vai trò, ý nghĩa lớn vì có giá trị tổng thể của quốc gia cho cả giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với tư cách là một cử tri, tôi rất ủng hộ chủ trương xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát triển đất nước hùng cường; tôi mong muốn Quốc hội, đại biểu Quốc hội bàn bạc kỹ lưỡng để Quy hoạch bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống người dân. Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần nêu rõ thế mạnh của từng vùng, từ đó định ra các vùng phát triển như vùng ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, khu vực phát triển công nghiệp, quy hoạch vùng phát triển đô thị… Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần chú ý hài hòa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phóng viên: Là người có nhiều năm nghiên cứu, làm việc và tham gia công tác bảo vệ môi trường, theo ông, cần tiến hành đánh giá tác động môi trường như thế nào, ông có đề xuất gì để Quy hoạch tổng thể quốc gia đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế nhưng cũng bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Thời gian qua, các ngành, lĩnh vực, địa phương đã tiến hành xây dựng quy hoạch, nhưng nhìn tổng thể các bản quy hoạch này chưa có sự thống nhất, bao quát, thống nhất trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường… Trong khi đó, quy hoạch mỗi vùng, miền, địa phương, ngành, lĩnh vực lại có những đặc thù riêng về đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa ứng xử của cộng đồng, các tập quán phát triển kinh tế của từng vùng khác nhau. Vì vậy, thời gian qua việc thực hiện các quy hoạch còn rời rạc, chưa được nhìn nhận tổng thể ở tầm vĩ mô, dẫn tới một số quy hoạch ảnh hưởng, tác động và gây hệ lụy đến môi trường.

Do vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định rõ khu vực nào cần được bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường, sinh thái, khu vực nào có thể phát triển song hành kinh tế - xã hội với bảo tồn tài nguyên môi trường. Đồng thời, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng cần có dự báo về tác động đến môi trường tổng thể mang tính quốc gia, nghĩa là quy hoạch phải có tính bao trùm tất cả các ngành, lĩnh vực cả ở đất liền và vùng biển. Trong quá trình xây dựng và thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần nhấn mạnh đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó quá trình quản lý đòi hỏi có cơ sở khoa học, chỉn chu để đạt được mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu.

Ngoài ra, tôi cho rằng một trong những khâu quan trọng là tiến hành đánh giá tác động môi trường, cần triển khai lập Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch song song với quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của pháp luật. Việc đánh giá tác động môi trường cần được tiến hành kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để có các ý kiến phản biện giúp cho cơ quan soạn thảo hoàn thiện Báo cáo đánh giá môi trường đối với bản Quy hoạch này.

Phóng viên: Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia đã nêu định hướng về sử dụng tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường rừng. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, ông có chia sẻ, đóng góp ý kiến gì góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường rừng?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Tôi cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần nêu các nguyên tắc chung về quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Cần nhất quán quan điểm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, duy trì, mở rộng hệ thống rừng đặc dụng; ổn định và bổ sung diện tích rừng sản xuất để cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách. Cần có kế hoạch, lộ trình nhằm từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng...

Đặc biệt, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng cần xác định các giải pháp tiếp tục bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên hiện có; thành lập mới các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn và khu bảo tồn biển. Xây dựng các hành lang đa dạng sinh học. Bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt các vùng đất ngập nước quan trọng; có phuowng án sử dụng bền vững và khoanh vùng, thành lập mới các khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng được các tổ chức quốc tế công nhận.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương

Các bài viết khác