ÁP DỤNG HIỆU QUẢ, LINH HOẠT CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẤP BÁCH CỦA THỰC TIỄN

06/01/2023

Báo cáo về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, khác luật trong phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã áp dụng hiệu quả, linh hoạt hầu hết các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19.

KHAI MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan 

Báo cáo về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, khác luật trong phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã áp dụng hiệu quả, linh hoạt hầu hết các biện pháp hạn chế trong phòng, chống dịch như trong tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 04 Nghị quyết. Chỉ 01 tuần sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 và ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15. Tiếp đó, Chính phủ ban hành thêm 01 Nghị quyết và 02 Nghị định, Bộ Y tế đã ban hành 02 Thông tư để quy định các biện pháp và tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều chỉ thị, công điện, công văn của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng được ban hành và triển khai nhanh chóng.

Về áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội như trong tình trạng khẩn cấp, Bộ trưởng cho biết, trong giai đoạn cấp bách của đợt dịch lần thứ tư, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; thực hiện 3 trụ cột: cách ly, xét nghiệm và điều trị; lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, tổ chức các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường giúp người dân tiếp cận y tế kịp thời ngay tại cơ sở, góp phần giảm thiểu các ca chuyển nặng và tử vong.

Cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ đã tập trung huy động nguồn lực của Trung ương, địa phương chi viện kịp thời cho các địa phương bùng phát mạnh. Các bộ, địa phương đã hướng dẫn tổ chức giao thông, lưu thông hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ các công trình trọng điểm, bảo đảm sản xuất và nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân; triển khai cho học sinh, sinh viên học trực tuyến để bảo đảm chương trình giáo dục; tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khai giảng năm học mới linh hoạt, phù hợp tại các địa phương; thực hiện hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; hướng dẫn và tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện 3 tại chỗ, bảo đảm duy trì sản xuất an toàn trong điều kiện có dịch. Các cơ quan, tổ chức triển khai làm việc online để bảo đảm các dịch vụ công phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, doanh nghiệp.

Các biện pháp này được áp dụng chủ yếu trong giai đoạn cấp bách của đợt dịch lần thứ tư tháng 4 đến tháng 7/2021. Khi dịch được kiểm soát, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 và Nghị quyết số 38 thì các biện pháp này được thực hiện theo phân loại cấp độ dịch.

Về tổ chức các lực lượng tuyến đầu chống dịch, theo Bộ trưởng, giải pháp này được thực hiện từ khi ban hành Nghị quyết số 30, tập trung trong giai đoạn cao điểm của đợt dịch lần thứ tư cho đến khi tình hình dịch đã được kiểm soát và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ.

Lần đầu tiên trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ đã huy động một lực lượng lớn tham gia phòng, chống dịch tại tuyến đầu. Các lực lượng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch: tiếp nhận, xét nghiệm, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, truy vết, cách ly, tiêm vắc xin và hỗ trợ triển khai công tác y tế, bảo đảm an sinh xã hội tới tận xã, phường, thị trấn; tổ chức tuần tra, kiểm soát giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các điểm chốt chặn, các vùng cách ly, phong tỏa nơi tâm dịch; tuyên truyền, vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách; tham gia điều tiết, phân luồng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải, lưu thông hàng hóa thiết yếu; thành lập tổ tự quản phòng, chống dịch tại các tổ dân phố để kịp thời có biện pháp quản lý công dân cư trú trên địa bàn.

Riêng trong giai đoạn cao điểm của đợt dịch thứ 4, gần 300.000 lượt cán bộ y tế của ngành y tế, quân đội, công an của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh... đã được huy động. Lực lượng Công an đã triển khai hơn 3,3 triệu lượt cán bộ, chiến sỹ, Lực lượng quân đội đã huy động hơn 133.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia phối hợp công tác bảo đảm an ninh trật tự, vận chuyển cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm đến tận nhà dân; tổ chức 8 kho bảo quản vắc xin; tổ chức vận chuyển phục vụ công tác tiêm chủng, chi viện hàng hoá vật tư cho khu vực phía Nam.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành đối với thuốc, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm, Bộ trưởng nêu rõ, về cấp phép thuốc, vắc xin nhập khẩu: Các thủ tục hành chính đã được rút gọn để cấp phép nhập khẩu cho 09 loại vắc xin COVID-19 theo 108 đơn hàng nhập khẩu với hơn 300 triệu liều. Về cấp đăng ký lưu hành đối với thuốc điều trị, vắc xin phòng COVID-19 sản xuất tại Việt Nam: Bộ Y tế đã cấp 05 số đăng ký lưu hành đối với thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 và tiếp nhận 05 hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin phòng COVID-19 nhưng đến nay chưa đủ điều kiện để cấp đăng ký lưu hành.

Về cấp phép, đăng ký lưu hành đối với sinh phẩm xét nghiệm COVID-19: Bộ Y tế đã cấp 164 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp cấp bách gồm: 09 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu. Về tiếp tục được sử dụng Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc : Để bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch, theo đề nghị của Chính phủ,Ủy ban  Thường vụ Quốc hội đã cho phép giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực từ ngày Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 có hiệu lực đến trước ngày 31/12/2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Đã có 4 đợt gia hạn thuốc với 10.304 giấy đăng ký lưu hành thuốc được công bố.

Ngoài ra, về tình hình triển khai hoạt động thử nghiệm lâm sàng vắc xin và thuốc, Bộ Y tế đã tiếp nhận, hướng dẫn và xem xét hồ sơ của 03 vắc xin (Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154) đến nay vẫn đang trong tiến trình nghiên cứu; triển khai Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát và một số nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19.

Minh Hùng

Các bài viết khác