PHÁP LUẬT VỀ HỘ TỊCH ĐÃ ĐI TRƯỚC VÀ SẴN SÀNG CHO NGƯỜI DÂN LÀM THỦ TỊCH HÀNH CHÍNH KHI BỎ SỔ HỘ KHẨU GIẤY

31/12/2022

Ngày 01/1/2023 tới đây, Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy đã được cấp sẽ không còn giá trị. Trước thềm quy định này có hiệu lực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú để đánh giá khả năng thực thi của quy định nêu trên và đề ra các giải pháp xử lý vướng mắc nếu có. Một trong hai nội dung trọng tâm của phiên giải trình là việc hạn chế xuất trình giầy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch.

PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN YÊU CẦU CỦA LUẬT CƯ TRÚ VỀ HẠN CHẾ XUẤT TRÌNH GIẤY TỜ, SỬ DỤNG THÔNG TIN NƠI CƯ TRÚ ĐỂ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: ỦY BAN PHÁP LUẬT LUÔN ĐỒNG HÀNH VÀ SẴN SÀNG PHỐI HỢP VỚI CÁC CƠ QUAN ĐỂ BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ THỰC THI LUẬT CƯ TRÚ

 Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về “Việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giầy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục đất đai về hành chính, trọng tâm trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai”

Khoản 3, khoản 4 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 quy định: “3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.

Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

4. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.”

Để thực hiện được quy định này đòi hỏi rà soát để xác định đầy đủ những văn bản quy phạm pháp luật có những quy định cần phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ khi không còn tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu giầy, sổ tạm trú giấy.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình 

Pháp luật về hộ tịch đã đi trước và sẵn sàng cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính kể cả việc không yêu cầu xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú

Một trong những thủ tục hành chính có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là đăng ký, quản lý hộ tịch. Quản lý hộ tịch là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân. Bên cạnh đó, đăng ký hộ tịch tạo cơ sở pháp lý quan trọng để người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ được Hiến pháp và pháp luật quy định.

Báo cáo về việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú trong lĩnh vực hộ tịch tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Luật Hộ tịch năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Với tinh thần đơn giản hóa thủ tịch hành chính, Luật Hộ tịch quy định: cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký (Điều 63).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc trình bày báo cáo và làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm

Như vậy, quan điểm “bỏ thông tin về nơi cư trú” là điều kiện thực hiện thủ tục hành chính đã được quy định trong Luật ngay từ năm 2014. Quy định này mang tính đột phá, tiên phong, đón đầu trong việc thể chế hóa chủ trương, chính sách về cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch nói riêng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Nhằm triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính được giao, Bộ Tư pháp đã phê duyệt và triển khai Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử”, xây dựng Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, thực hiện việc đăng ký khai sinh – cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay từ ngày đầu Luật Hộ tịch có hiệu lực 01/01/2016; từng bước mở rộng và hoàn thiện Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử trên phạm vi toàn quốc; kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kí khai sinh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: đăng kí khai sinh – cấp Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi hoàn toàn trên môi trường điện tử.

Tính đến hết tháng 8/2022, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã ghi nhận có tổng số hơn 47,5 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, gồm trên 29 triệu trường hợp đăng ký khai sinh; gần 6,5 triệu trường hợp đăng ký kết hôn; 4,5 triệu trường hợp đăng ký khai tử và trên 7,5 triệu trường hợp đăng ký các sự kiện hộ tịch khác, trong đó có 7,5 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trên 3,8 triệu trường hợp thực hiện liên thông thủ tục hành chính khai sinh – cấp Thẻ BHYT trên môi trường điện tử.

Các đại biểu tham dự phiên giải trình

Với mục tiêu thực hiện đúng các quy định pháp luật hộ tịch và để thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Nghị quyết số 58/NQ-CP đã xác định: đối với lĩnh vực hộ tịch, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thực hiện bỏ bản sao/xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú; giảm bớt yêu cầu cung cấp thông tin, trong đó có thông tin về cư trú trong 19 mẫu Tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP, các trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết thêm, để thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, đặc biệt là việc hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú là điều kiện thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp tham mưu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP.

Trong đó, khoản 5 Điều 12 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định: “Trường hợp phải nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ không phải là giấy tờ tùy thân mà người yêu cầu đăng ký hộ tịch đã có bản sao điện tử giấy tờ hoặc đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì không phải nộp, xuất trình”; Khoản 2 Điều 6 của Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định “Trường hợp người yêu cầu đã cung cấp số định danh cá nhân thì không phải gửi kèm theo bản chụp giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ chứng minh nơi cư trú trong hồ sơ đăng ký hộ tịch trực tuyến. Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm khai thác, sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân do người yêu cầu cung cấp”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định pháp luật về hộ tịch đã đi trước và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ các dữ liệu, thông tin đã có trong các Cơ sở dữ liệu của Nhà nước để tạo thuận lợi cho người dân khi đi làm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, kể cả việc không yêu cầu xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện đăng ký khai sinh trực tuyến, 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện đăng ký kết hôn trực tuyến, 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện đăng ký khai tử trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc tham gia giải trình

Bảo đảm kết nối giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Làm rõ thêm việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử dùng chung và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện, báo cáo của Bộ Công an gửi đến phiên giải trình cũng nêu rõ, khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho công dân Việt Nam thì thông tin đăng ký khai sinh sẽ được Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chuyển sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ cấp số định danh cá nhân, trả kết quả cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và lưu thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thực hiện từ ngày 01/01/2016 đến nay).

Hiện tại, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đang thống nhất xây dựng quy trình điện tử, điều chỉnh hệ thống, giải pháp kỹ thuật để triển khai kết nối, chia sẻ các thông tin hộ tịch khác như: tình trạng hôn nhân, thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, đăng ký giám hộ, đăng ký khai tử.

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn của 02 Bộ đã hoàn thành thử nghiệm dịch vụ khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân/CCCD/Số CMND của công dân; nghiên cứu thử nghiệm dịch vụ cập nhật, đồng bộ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (dự kiến sẽ cập nhật các chức năng khai thác trên Hệ thống chính thức để kiểm thử và đưa vào khai thác vào cuối năm 2022) qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ tất cả dữ liệu của Bộ Tư pháp đã có trên hệ thống và sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo các quy định pháp luật. Đồng thời, giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công An đã có trao đổi vấn đề này. Từ tháng 8/2022, các đơn vị đã cho chạy thử nghiệm để có thể tiến tới tổng kết để đánh giá./.

Bảo Yến