DƯ ÂM HỘI THẢO VĂN HÓA 2022: VĂN HÓA NÔNG THÔN TỪNG BƯỚC THÍCH ỨNG VỚI LỐI SỐNG HIỆN ĐẠI

26/12/2022

Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” được tổ chức thành công đã tạo tiếng vang lớn, nhận được nhiều hưởng ứng từ cử tri và nhân dân trong việc chú trọng bồi đắp, gìn giữ, phát huy nền tảng văn hóa lâu đời của dân tộc. Bàn về vấn đề phát triển văn hóa, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu bày tỏ quan tâm tới xu hướng biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

 TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2021

Vừa qua, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” được tổ chức thành công đã tạo tiếng vang lớn, nhận được nhiều hưởng ứng từ cử tri và nhân dân trong việc chú trọng bồi đắp, gìn giữ, phát huy nền tảng văn hóa lâu đời của dân tộc. Bàn về vấn đề phát triển văn hóa, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu bày tỏ quan tâm tới xu hướng biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới, theo đó, văn hóa nông thôn đang từng bước thích ứng với văn hóa đô thị và lối sống hiện đại.

Cụ thể, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện xu hướng thích ứng với văn hóa đô thị và lối sống hiện đại. Trong suốt hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh các phong trào văn hóa do chính quyền địa phương tổ chức, các hoạt động thể thao thường xuyên đều do người dân tự giác phát động, tổ chức và duy trì.

Theo nhiều chuyên gia, sự thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày của người nông dân khiến “nhịp điệu sống, sinh hoạt ở thôn quê không còn “đủng đỉnh”, nhàn rỗi, chờ đợi mà phải nhanh, gấp, vội vàng, chạy đua với thời gian, nhất là đối với lớp trẻ”, thể hiện phần nào sự thích ứng của người nông dân đối với lối sống đô thị. Ở nhiều vùng nông thôn, các dịch vụ ăn uống trở nên khá phổ biến tại các địa điểm như mặt đường các ngõ xóm, chợ, khu tập trung, vỉa hè…, với những quán đồ ăn nhanh, đồ ăn chỉ bán buổi sáng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa

Cùng với quá trình chuyển đổi nghề nghiệp, người nông dân có quyền tự quyết định trong việc sử dụng các nguồn lực, tư liệu sản xuất để làm ra của cải, hàng hóa, cải thiện đời sống cá nhân và gia đình. Số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm cùng sự đa dạng trong cơ cấu lao động, việc làm đưa tới những thay đổi đáng kể trong nhịp sống, lối sống của người dân nông thôn. Một bộ phận dân cư không còn làm nông nghiệp mà chuyển hẳn sang các hoạt động buôn bán, kinh doanh, dịch vụ, làm thuê trong các khu công nghiệp,... khiến nhịp sống của cộng đồng dân cư nông thôn trở nên tất bật hơn, tác phong nhanh nhẹn, việc tuân thủ giờ giấc, thời gian làm việc được coi trọng.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế phải là những người có hiểu biết sâu sắc về sản xuất nông nghiệp, có trình độ và kiến thức để áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến. Họ hướng tới là những nông dân biết ngoại ngữ, có kỹ năng sử dụng máy tính, tin học và dịch vụ công tốt, am hiểu về hội nhập quốc tế. Đặc biệt phải có sự liên kết chặt chẽ, tích cực trong sản xuất, kinh doanh không chỉ giữa nông dân với nông dân, mà còn liên kết với nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Một khía cạnh khác khi nghiên cứu biến đổi văn hóa là tôn trọng tiếng nói đa dạng và sự thích ứng, linh hoạt của chủ thể văn hóa. Xu hướng này còn góp phần khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp của các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ở nông thôn…, thúc đẩy sự năng động, linh hoạt trong xây dựng nông thôn mới”.

Theo các chuyên gia, sự đa dạng sinh kế, đặc biệt là việc tham gia vào những việc làm phi nông nghiệp, dẫn đến sự thay đổi về thời gian và hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa ở nông thôn. Nguồn thu nhập hằng năm được nâng cao, người dân có điều kiện hưởng thụ nhiều loại hình giải trí mà thế hệ trước đây chưa có. Mức sống được nâng lên góp phần đưa đến sự xuất hiện của nhiều mô hình tổ chức, câu lạc bộ, hội, nhóm,… thu hút sự tham gia đông đảo của các đối tượng, thành phần dân cư theo đặc điểm nghề nghiệp, năng khiếu, sở thích, lứa tuổi…

Các đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022

Nhiều chuyên gia cho biết, ở vùng nông thôn hiện nay có rất nhiều hội, nhóm thành lập dựa trên sự tự nguyện, tùy theo sở thích, độ tuổi, mối liên kết trong công việc và đời sống, như câu lạc bộ cờ vua, câu lạc bộ thơ, dân vũ, bóng chuyền hơi, bóng đá, bóng chuyền, hội đồng niên, hội lớp, hội khóa… Điều này tạo ra một cơ cấu - tổ chức làng vừa chặt chẽ hơn xét ở góc độ các mối quan hệ xã hội, vừa linh hoạt và mở xét ở góc độ tự nguyện tham gia của người dân. Mức độ tích cực của người dân khi tham gia vào các tổ chức, hội, nhóm cũng tăng lên đáng kể so với trước đây”.

Nghiên cứu những chuyển biến nhanh chóng trong văn hóa nông thôn, các chuyên gia cho rằng, có xu hướng gắn kết văn hóa gia đình nông thôn với tư duy thương mại, dịch vụ và lối sống mới. Với sự đa dạng hóa ngành nghề ở khu vực nông thôn, trong đó lĩnh vực dịch vụ không ngừng được mở rộng, người dân ngày càng trở nên quen thuộc hơn với kiểu tư duy dịch vụ, lối sống mới gắn với sự nhanh nhạy và sự bình đẳng của thị trường. Chính vì lẽ đó, bên cạnh lối sống nghĩa tình đậm chất làng quê vẫn được duy trì, xuất hiện văn hóa ứng xử hiện đại, lối sống công nghiệp coi trọng tốc độ và hiệu quả, lối sống thị trường coi trọng sự hưởng thụ và sòng phẳng. Trong các sinh hoạt văn hóa truyền thống như lễ hội, sự kiện chính trị - xã hội của làng xã hoặc sinh hoạt gia đình như tổ chức cưới, việc tang, mừng sinh nhật, mừng thọ... được tổ chức thông qua các đơn vị, nhóm người làm dịch vụ tổ chức sự kiện, bảo đảm tính tiện lợi, chuyên nghiệp là lựa chọn trở nên phổ biến.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến xu hướng nâng cao năng lực chủ thể văn hóa trên cơ sở kế thừa, giữ gìn và nâng tầm các giá trị truyền thống, tiếp thu các giá trị văn hóa mới, tiến bộ. Theo đó, trong quá trình xã hội hóa, con người tiếp thu những chức năng xã hội, trở thành thành viên của xã hội, chủ thể của hoạt động xã hội. Trong hoạt động cá nhân, con người chủ động lập kế hoạch, thực hiện hoạt động theo kế hoạch để đạt được mục tiêu đề ra. Theo quan điểm triết học, tính chủ thể là khả năng con người đưa ra lựa chọn và thực thi lựa chọn đó phù hợp với môi trường xung quanh.

Từ phương diện phát triển nông thôn, vai trò chủ thể của nông dân thể hiện ở các mặt, gồm: Họ là chủ thể tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới; chủ thể tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; chủ thể trực tiếp trong phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; chủ thể tích cực và sáng tạo trong xây dựng và gìn giữ đời sống văn hóa - xã hội, môi trường ở nông thôn; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ở cơ sở.

Trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, chủ thể của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống chính là người dân, cộng đồng dân cư nông thôn. Vai trò chủ thể của nông dân được thể hiện ở việc chủ động và quyền tham gia vào các hình thức kinh tế nông nghiệp, chủ động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, tham gia và trực tiếp vận hành các thiết chế văn hóa - xã hội ở nông thôn. Họ thể hiện năng lực chủ động trước sự thay đổi của làng quê, thậm chí có tính toán, lựa chọn trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu và phát huy giá trị văn hóa mới, tiến bộ ở làng quê. 

Minh Hùng