Theo Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15, Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Viện Nghiên cứu lập pháp có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và công chức, viên chức, người lao động. Biên chế và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của Viện Nghiên cứu lập pháp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Nghiên cứu lập pháp. Ngoài số biên chế theo quy định, Viện Nghiên cứu lập pháp được sử dụng chế độ chuyên gia và cộng tác viên.
Thông qua việc đánh giá đúng vị trí, vai trò cũng như các hạn chế, bất cập trong công tác nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu lập pháp đối với hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt tháo gỡ một loạt các nút thắt về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực… nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học.
Những định hướng, chỉ đạo đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 05/2021/UBTVQH15 và khẩn trương được hiện thực hoá trong thực tiễn thông qua một loạt các cải cách, đổi mới như: tăng cường và tổ chức linh hoạt các hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, xây dựng các chương trình nghiên cứu, hệ đề tài khoa học, các hoạt động nghiên cứu phải bám sát và phục vụ trực tiếp các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng được trình ra tại các kỳ họp của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhất là phải tham gia "từ sớm, từ xa" và phục vụ trực tiếp các khâu của quy trình lập pháp; …
Việc ban hành Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 là một trong những sản phẩm, thành quả đầu tiên của việc thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 161 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Năm 2022, là năm đầu tiên Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp - năm đầu tiên Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện rất nhiều chức năng, nhiệm vụ chuyên môn mới, cơ chế tài chính và các điều kiện bảo đảm khác được quy định rõ ràng, được tháo gỡ, cơ bản được áp dụng thực hiện có hiệu quả trên thực tế; tổ chức bộ máy bên trong được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; công tác nhân sự cơ bản được kiện toàn; chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được bảo đảm. Môi trường và mối quan hệ công tác của Viện Nghiên cứu lập pháp dần đi vào ổn định, khơi dậy tinh thần đoàn kết nội bộ, hợp tác và chia sẻ lẫn nhau tạo động lực tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Theo chia sẻ của TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 là bước ngoặt quan trọng, tác động tích cực đến nhiều mặt, giúp tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn của Viện Nghiên cứu lập pháp. So với các quy định trước đó, Nghị quyết 05 có những thay đổi quan trọng về cả tổ chức, hoạt động của Viện, tinh thần, thái độ, hiệu quả làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện. Có thể nói không quá rằng, Nghị quyết 05 đã tác động tích cực đến nhiều mặt, làm “hồi sinh” Viện Nghiên cứu lập pháp.
TS.Lê Hải Đường cho biết, đến nay tuy mới hơn 1 năm triển khai, Viện Nghiên cứu lập pháp được sự phối hợp, giúp đỡ của Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cùng sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Viện đã thực hiện có hiệu quả 09 nhóm nhiệm vụ được ghi trong Nghị quyết.
Đến nay, những kết đạt được đã được đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan đánh giá cao. Sở dĩ đạt được những kết quả này là do: Viện đã xác định rõ cơ chế tài chính, Viện Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện nhiệm vụ chính trị giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quản lý nhà nước và hoạt động theo cơ chế hành chính. Cơ sở vật chất được Văn phòng Quốc hội đảm bảo, Văn phòng Quốc hội là cơ quan chủ quản tài chính cấp trên để tháo gỡ kịp thời những khó khăn đối với Viện trong những năm qua. Với 1 cơ chế đặc thù đã tạo ra một không khí phấn khởi cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác, hăng say công tác; bất kỳ khi nào nhận được nhiệm vụ được giao, Viện Nghiên cứu lập pháp luôn khẩn trương thực hiện và đạt hiệu quả cao;…
TS.Lê Hải Đường nhấn mạnh, nhờ Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 Viện Nghiên cứu lập pháp đã thực sự “hồi sinh”, khắc phục triệt để những khó khăn của giai đoạn trước đó. Trong các nhiệm vụ được giao, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Hội đồng khoa học đã khởi sắc hơn, hoạt động có hiệu quả với sự tham gia của 27 chuyên gia từ các ngành nghề khác nhau ở các cơ quan khoa học đầu ngành,… đã đem lại luồng sinh khí mới, chất lượng, góp phần cho các Báo cáo khoa học hiệu quả hơn.
Đồng thời, đây cũng là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết số 1227/NQUBTVQH về quản lý khoa học với những quy trình thủ tục theo đúng Luật Khoa học công nghệ. Theo đó, từng bước một làm rõ ràng, minh bạch các quy trình, chất lượng các báo cáo khoa học, chất lượng hoạt động các đề tài được nâng lên 1 bước so với trước kia. Quá trình triển khai được thực hiện một cách công khai, rõ ràng, không hề có tiêu cực, sai phạm,… Tất cả, đều toàn tâm toàn ý vì mục đích nâng cao chất lượng các báo cáo khoa học, để phục vụ đại biểu Quốc hội, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ khác, TS.Lê Hải Đường cho biết, Viện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan như: Ký hợp tác với Hội Luật gia Việt Nam, Ký hợp tác với Trường Đại học Luật Hà Nội, … và các tổ chức khác như: Quỹ Rosa Luxemburg;…Tất cả các đơn vị, đối tác mà Viện hợp tác, bước đầu nhận được những phản hồi, đánh giá cao.
Nhìn lại kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15, TS.Lê Hải Đường khẳng định, khuôn khổ pháp lý của Nghị quyết thực sự là nền tảng vững chắc cả về mặt pháp lý cũng như thực tiễn để giải quyết những khó khăn đối với 1 đơn vị sự nghiệp nhưng hoạt động trong môi trường Quốc hội.
Vui mừng trước những kết quả đạt được, TS.Lê Hải Đường cho biết, tập thể Lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp, cán bộ công chức viên chức người lao động rất trân trọng sự quan tâm của Lãnh đạo Quốc hội mà trực tiếp là đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đã luôn gần gũi, chỉ đạo, hướng dẫn để Viện Nghiên cứu lập pháp vượt qua khó khăn đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua./.