CẦN XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM

12/12/2022

Quan tâm đến công tác Phòng, chống đuối nước trẻ em, TS. Nguyễn Hải Hữu- Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng, để tăng tính hiệu quả trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, cần có giải pháp để xã hội hóa trong thời gian tới.

TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM

PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC NGUYỄN THỊ MAI HOA: CẦN NGUỒN LỰC THỎA ĐÁNG ĐỂ PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM ĐẠT HIỆU QUẢ LÂU BỀN

 TS. Nguyễn Hải Hữu- Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em

Tại Việt Nam, đuối nước là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên do tai nạn thương tích. Chỉ một phút bất cẩn hoặc chỉ là sự thiếu ý thức, kiến thức, kỹ năng đều có dẫn đến tử vong cho trẻ em do đuối nước. Ngay trong thời gian dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, vẫn xảy ra nhiều vụ trẻ em bị tử vong do đuối nước thương tâm. Có thể nói, đuối nước không những cướp đi sự sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của các em, mà còn để lại sự mất mát to lớn đối với mỗi gia đình, cũng là sự tổn thất cho xã hội, đất nước.

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung, phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về trẻ em, các ngành, các cấp của quan tâm, xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm quyền sống còn, an toàn sinh mạng cho trẻ em; do đó đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có phòng chống đuối nước trẻ em. Các địa phương có các mô hình phòng chống đuối nước triển khai xuống cơ sở. Đặc biệt, đã có nhiều địa phương bố trí nguồn lực để dạy bơi, học bơi, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt học bơi miễn phí; đầutư cơ sở vật chất liên quan bể bơi, tạo bể bơi di động để tăng cường giáo dục kỹ năng học bơi cho các em.

Tuy nhiên, trong thực tế công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ở Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng đuối nước trẻ em đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn trẻ em mỗi năm và để lại hệ lụy về kinh tế- xã hội cho các gia đình và cộng đồng xã hội, hệ lụy bất ổn về tâm lý xã hội lâu dài cho các gia đình đặc biệt là các bậc cha mẹ.

Bơi lội là một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng cần được trang bị cho trẻ em, thế nhưng thực tế với nhiều trẻ, kỹ năng này vẫn còn bị “bỏ ngỏ” không chỉ trẻ em ở nông thôn mà ngay cả ở thành thị. Một trong những nguyên nhân chính là các cơ sở giáo dục công lập chiếm số lượng lớn học sinh toàn tỉnh hiện vẫn chưa được trang bị hồ bơi, đội ngũ giáo viên thể dục muốn dạy học sinh học bơi cũng chỉ có thể dạy “trên giấy”. Những học sinh có kỹ năng bơi lội chủ yếu nhờ phụ huynh chủ động cho con em mình đi học ở các hồ bơi dịch vụ do tư nhân đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Hải Hữu- Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em việc xã hội hóa và sự tham gia của cộng đồng cùng phòng chống đuối nước cho trẻ em rất cần thiết. Trong bối cảnh ngân sách dành cho công tác này còn hạn chế thì sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và gia đình để có thêm nhiều lớp dạy bơi, tuyên truyền về phòng, chống đuối nước là rất quý, cần phát huy. Đặc biệt, tại các huyện nghèo, huy động sự vào cuộc của cộng đồng rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho các em

Để phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng đuối nước trẻ em không chỉ là trách của gia đình, nhà nước mà còn là trách nhiệm của mọi người dân, cộng đồng xã hội, khu vực tư nhân, khối ngoài nhà nước. Nhưng làm thế nào để huy động được khu vực tư nhân, khối ngoài nhà nước tham gia vào các hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em lại là vấn đề cần được bàn luận.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Phòng, chống đuối nước trẻ em nhằm lắng nghe những kinh nghiệm, giải pháp tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

Theo TS. Nguyễn Hải Hữu- Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em, cơ chế xã hội hóa khối ngoài nhà nước, tư nhân tham gia phòng chống đuối nước trẻ em được hiểu là cách thức vận hành, cách thức yêu cầu hay khuyến khích, thúc đẩy khối ngoài nhà nước, tư nhân tham gia các hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em. Giải pháp xã hội hóa khối ngoài nhà nước, tư nhân tham gia phòng chống đuối nước trẻ em được hiểu là phương pháp, cách thức vận động, khuyến khích họ tham gia các hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em; cơ chế chính sách cũng là một dạng giải pháp.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị trong thời gian tới, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để trẻ em tự bảo vệ mình trong môi trường nước; làm tốt công tác vận động, kêu gọi xã hội hóa nguồn lực để hỗ trợ mua sắm cơ sở vật chất cho việc dạy bơi, trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước.

Để khu vực tư nhân, khối ngoài nhà nước có thái độ tích cực trong việc ủng hộ các hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em, chúng ta cần có cơ chế, giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy, cân bằng mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội với lợi ích của họ khi tham gia các hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em so với các hoạt động khác mà họ đang thực hiện.

TS. Nguyễn Hải Hữu- Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng, muốn xã hội hóa khu vực ngoài nhà nước, tư nhân tham gia phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, phòng chống đuối nước nói riêng cần có cơ chế giải pháp đồng bộ về truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề đuối nước trẻ em và chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng tham gia phòng chống đuối nước trẻ em. Đồng thời có cơ chế giải pháp về việc động viên tinh thần, ghi nhân công lao biểu dương khen thưởng phù hợp kịp thời; cơ chế giải pháp mang tính bắt buộc thực thực các quy định của pháp luật về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em trong đó có đuối nước và cơ chế giải pháp khuyến khích về mặt lợi kinh tế./.

Thu Phương