NSƯT TRẦN LY LY: HỘI THẢO VĂN HÓA 2022 - KÊNH THAM VẤN CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG ĐỂ PHÁT TRIỂN, CHẤN HƯNG VĂN HÓA VIỆT

11/12/2022

Ngày 17/12, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ khai mạc. NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn kỳ vọng, Hội thảo sẽ là kênh tham vấn chính sách quan trọng để có những cơ chế, chính sách đủ mạnh phát triển và chấn hưng văn hóa Việt và đưa “nghệ thuật biểu diễn” nước nhà phát triển lên một tầm cao mới.

ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: KỲ VỌNG NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ TRONG CẢI CÁCH THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ VĂN HÓA

NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Phóng viên: Theo bà, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở nước ta thời gian qua đã có những thành tựu và khó khăn gì?

NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Như chúng ta đã biết, nghệ thuật biểu diễn là hình thức nghệ thuật sử dụng cơ thể, tiếng nói, âm thanh, nhạc cụ và sự có mặt của chính nghệ sĩ làm phương tiện trình diễn trước công chúng.

Nghệ thuật biểu diễn bao gồm các loại hình sân khấu: kịch hát, kịch nói, trình diễn ca nhạc, múa, xiếc, ảo thuật… Nền nghệ thuật biểu diễn của nước ta đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đánh giá về lĩnh vực này có thể khái quát trên hai điểm lớn như sau:

Có thể nói, nghệ thuật biểu diễn đã góp phần rất quan trọng trong tiến trình phát triển của văn hóa, nghệ thuật nói riêng và cho sự phát triển của đất nước nói chung. Những năm gần đây, nghệ thuật biểu diễn đã có sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng cả về nội dung và hình thức. Nghệ thuật biểu diễn đã góp phần rất quan trọng khởi dậy tinh thần yêu nước, lối sống nhân văn, hướng thiện cho nhân dân; truyền bá hệ tư tưởng và thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của Đảng; quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới; đồng thời góp phần nâng cao đời sống nghệ sĩ, diễn viên, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Những năm gần đây, nghệ thuật biểu diễn đã có sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng cả về nội dung và hình thức

Đơn cử như đối với loại hình nghệ thuật biểu diễn đương đại được du nhập từ nước ngoài như: kịch nói, vũ kịch, nhạc kịch, xiếc, tạp kỹ, múa đương đại... có phần khởi sắc hơn (nhiều tác phẩm kinh điển của kho tàng sân khấu thế giới được giới thiệu vào Việt Nam với các tên tuổi lớn: Shakespear (Anh), Moliere, V.Hugo (Pháp), Sinler (Đức)…).

Song song với đó, loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống cũng được nâng cao một bước. Trong bối cảnh các đơn vị nghệ thuật phải tự chủ về mặt tài chính nhưng đã và đang đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động để vừa đảm bảo đời sống cho cán bộ, diễn viên… đồng thời, vẫn phát triển được loại hình nghệ thuật này. Đặc biệt, là sự đan xen kết hợp giữa nghệ thuật truyền thông và đương đại trong các chương trình biểu diễn ngày càng được phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên múa.. đã mạnh dạn phá cách đem rất nhiều nét độc đáo mới lạ, vừa giữ được hồn cốt dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa nghệ thuật biểu diễn của quốc tế: Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Hamyo…

Phóng viên: Đâu là những điểm nghẽn cần tháo gỡ, thưa bà?

NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Tôi cho rằng, nghệ thuật biểu diễn nước ta cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải được phân tích, đánh giá và đề xuất hệ thống giải pháp tháo gỡ đồng bộ. Việc hiện đại hóa trong nghệ thuật biểu diễn còn đang rất hạn chế; chưa theo kịp với xu hướng thế giới; ở một cơ quan, bộ, ngành và địa phương vẫn còn nặng tư duy xin cho, bao cấp trong quản lý và tổ chức biểu diễn, nhất là các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống: Tuồng, Chèo, Cải Lương (đặc biệt là các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật phía Bắc).

Tôi cho rằng, chúng ta cần tìm mọi giải pháp để nâng cáo giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật của các tác phẩm biểu diễn nghệ thuật trong bối cảnh kinh tế thị trường, không biến nghệ thuật biểu diễn thành một thứ hàng hóa mà ở đó bất chấp lợi nhuận để biến nghệ thuật thành một thứ dẻ tiền, không vươn tầm được thời đại; chỉ mamg tính giải trí đơn thuần mà không có định hướng về tư tưởng, lối sống, cỗ vũ cho một xã hội hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ.

Đồng thời, phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành nghệ thuật biểu diễn. Thực tế cho thấy số lượng và chất lượng tài năng trong nghệ thuật biểu diễn còn khá khiếm tốn. Chúng ta chưa có một đội ngũ đủ dày, đủ tầm để làm cho nghệ thuật biểu diễn trở thành thương hiệu quốc gia. Ở bất kỹ lĩnh vực nào, con người luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu.

Do đó việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo; thay đổi phương thức đào tạo theo phương lấy người học làm trung tâm, làm chủ thể; không theo kiểu kinh viện, thầy làm gì trò làm như thế. Mà phải trao cho người học tự tìm tòi, tự tìm ra cái mới. Chú trọng quan tâm đặc biệt đến việc kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành biểu diễn. Tăng cường phát hiện và bồi dưỡng nhân tố nghệ thuật từ khi còn tuổi nhi đồng, thiếu niên… Nguồn nhân lực này phải giỏi cả kiến thức xã hội, kinh tế, nhất là kinh doanh nghệ thuật đúng nghĩa. Phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục nghệ thuật; thực hiện toàn quốc mô hình: “Con đường phát triển tài năng nghệ thuật - Từ sân khấu trong nước đến sân khấu quốc tế”.

Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư xây dựng những thiết chế hiện đại phục vụ cho nghệ thuật biểu diễn, không chỉ có sự đầu tư của Nhà nước, mà cần phải từ tư nhân, xã hội hóa về nghệ thuật biểu diễn thật đúng nghĩa: Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng muốn sống được thì phải có môi trường đủ lớn, đủ không gian - Chúng ta cần có những thiết chế như: Nhà hát, Trường quay… hiện đại để thu hút khán giả, thu hút khách du lịch. Một ví dụ đơn cử cho thấy ở Mỹ, hệ thống nhà hát Broadway là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của New York (Mỹ). Theo Broadway League, trước khi xuất hiện dịch Covid-19, hơn 14,8 triệu vé đã được bán cho các vở diễn của Broadway trong 2 năm 2018 - 2019, mang lại 1,8 tỷ USD doanh thu. Khoảng 63% trong số những người đi xem là khách du lịch, đến từ bên ngoài nước Mỹ hoặc không phải dân New York.

Cùng với đó, quan tâm đặc biệt đến bản quyền tác giả, tác phẩm. Với những vấn đề tư tưởng lớn Nhà nước có thể đặt hàng cho các đơn vị nghệ thuật hoặc để cho tư nhân thực hiện các nhiệm vụ này.

Phóng viên: Bà có đánh giá như thế nào về vai trò của nghệ thuật biểu diễn đối với nền văn hóa và kinh tế, chính trị của nước nhà?

NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Nghệ thuật biểu diễn với những tính năng ưu việt của nó, giàu tính thẩm mỹ trực quan, đem lại cho người tiếp cận bằng thi giác, thính giác một cách trực diện, tác động trực tiếp vào cảm xúc, tình cảm của con người. Nghệ thuật biểu diễn như tôi đã đề cập ở trên có vai trò rất quan trọng trong hoạt động văn hóa, kinh tế và chính trị.

Nghệ thuật biểu diễn là phương tiện trực diện giúp con người biết cách thưởng thức và gắn kết với các tác phẩm nghệ thuật

Đối với văn hóa, nghệ thuật biểu diễn là phương tiện trực diện giúp con người biết cách thưởng thức và gắn kết với các tác phẩm nghệ thuật (kịch nói, biểu diễn ca nhạc, mua, xiếc…) từ những nền văn hóa, cộng đồng và khu vực khác nhau, hun đúc lên trong mỗi cá nhân lòng trắc ẩn, khơi dậy tình yêu, khát vọng, niềm tin, khả năng sáng tạo, vượt qua khó khắn, thách thức trong cuộc sống. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội theo đúng tinh thần kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021. Nếu không có nghệ thuật biểu diễn, sự gắt kết, mở rộng văn hóa trong mỗi con người sẽ hạn chế đi rất nhiều.

Tôi nhớ nhận định của nhà nghiên cứu Trần Trí Trắc: “Nghệ thuật biểu diễn là sự thể hiện sáng tạo của nghệ sĩ trước khán giả, là tiếng nói từ trái tim đến trái tim, tình cảm đến với tình cảm và trở thành một bảo tàng sống của dân tộc”.

Còn đối đối với kinh tế, nghệ thuật biểu diễn là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam chúng ta hiện nay. Trong bối cảnh hiện nay, nghệ thuật biểu diễn đang trở mũi nhọn trong các ngành công nghiệp văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, góp phần tạo những giá trị kinh tế rất lớn đóng góp vào tăng trưởng chung cũng như quảng bá, nâng tầm ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam ra thế giới.

Nhìn rộng trên phạm vị thế giới, theo Bản đồ toàn cầu đầu tiên về công nghiệp văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015, công bố năm 2017, công nghiệp văn hóa và sáng tạo (Cultural and Creative Industries - CCIs) có tổng doanh thu lên đến 2.250 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu. CCIs được xem như chìa khóa phát triển của nhiều quốc gia, nhất là các nước thuộc khu vực châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp tới 7% GDP, trong đó: Ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 31 triệu USD; ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD; ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 3.200 triệu USD; ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2016 – 2021, ngành Nghệ thuật biểu diễn đạt doanh thu khoảng gần 20 triệu USD. Như vậy, trong mục tiêu trên, nghệ thuật biểu diễn đã và đang đóng góp rất tịch cực vào quá trình tăng trưởng GDP của các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và GDP kinh tế cả nước nói chung. Nhưng đây là con số còn quá khiêm tốn so với mặt bằng chung của thế giới.

Nhưng nếu chỉ xét ở khía cạnh kinh tế đơn thuần, thì không nói hết được vài trò của nghệ thuật biểu diễn đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi để tạo ra thương hiệu quốc gia, mang các sản phẩm biểu diễn được đến với công chúng trong nước và nước ngoài sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng để thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành kinh tế khác, đặc biệt là Du lịch, Dịch vụ…

Đối với chính trị, nghệ thuật biểu diễn đóng một vai trò định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận, góp phần đảm bảo an ninh tư tưởng, bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân. Có thể nghệ thuật biểu diễn chính là công cụ. phương thức hữu hiệu để truyền bá, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sâu rộng trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Chúng ta có thể cảm nhận được câu chuyện này từ các chương trình nghệ thuật lớn phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao của đất nước. Tiêu biểu như chương trình nghệ thuật Khai mạc, Bế mạc SEA Games 31; các chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm Quốc khánh đất nước… Nghệ thuật biểu diễn chính là phương thức để làm cho văn hóa chính trị trở nên mềm mại, gần gũi, dễ tuyên truyền, dễ gắn kết, dễ giác ngộ, dễ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Phóng viên: Nghệ thuật biểu diễn được đánh giá là một lĩnh vực giàu tiềm năng, có nhiều lợi thế để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Thành công của nhiều show diễn, đặc biệt là các sự kiện lớn minh chứng cho thấy đây là lĩnh vực có khả năng hội nhập nhanh với những xu hướng quốc tế, có khả năng bứt phá nếu được đầu tư thích đáng, đặc biệt là về mặt công nghệ. Bà có thể làm rõ hơn điều này?

NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Đây là vấn đề không mới, nhưng nếu không suy xét, tính toán kỹ lưỡng, có đầy đủ lộ trình, đặc biệt là lộ trình về thể chế, chính sách pháp luật, cho đến quá trình tổ chức thực hiện thì chúng ta khó có thể đạt được những mực tiêu đã đặt ra. Nghệ thuật biểu diễn đang là lĩnh vực rất giàu tiềm năng, còn nhiều mảnh đất màu mỡ, còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Nghệ thuật biểu diễn đang là lĩnh vực rất giàu tiềm năng, còn nhiều mảnh đất màu mỡ, còn rất nhiều dư địa để phát triển

Câu chuyện công nghệ là một vấn đề hết sức quan trọng để thúc đẩy ngành nghệ thuật biểu diễn. Như chúng ta có thể cảm nhận, công nghê len lỏi vào hầu hết các loại hình của nghệ thuật biểu diễn, nhất là với biểu diễn nghệ thuật đương đại và kể cả trong nghệ thuật truyền thống. Bây giờ nếu một chương trình nghệ thuật ca múa nhạc chào mừng Ngày thành lập Nước chẳng hạn, nếu không có công nghệ 3D mapping, không gian thực tế ảo, không có virua, không quảng cáo trên không gian mạng, trên các nền tảng số…. và ngay trong nội dung trình diễn các tiết mục, nếu không có sự tương tác, hỗ trợ của công nghệ để làm mới bản thu thanh, hòa âm, phối khí… thì chắc chắn sẽ khó có thể thu hút được sự quan tâm của công chúng, nhất là các bạn trẻ.

Tuy nhiên, tôi và chắc chắn các bạn sẽ không thể phủ nhận được vai trò quyết định nâng tầm chất lượng nghệ thuật biểu diễn chính là nhân tố con người, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Nghệ thuật biểu diễn không thể trở thành thương hiệu quốc gia nếu chúng ta không có những nghệ sĩ thật sự tài năng, thật sự sáng tạo.

Bên cạnh đó, chúng ta phải có những tác phẩm nghệ thuật đủ tầm vượt ra khỏi biên giới quốc gia, mang được tư tưởng, thông điệp lớn phản ánh được văn hóa dân tộc, hiện nay chúng ta rất ít có như tác phẩm kịch, âm nhạc xứng tầm thời đại. Chúng ta cần phải có nhiều nữa những tên tuổi nghệ sĩ tài năng cho các loại hình nghệ thuật biểu diễn, như: Đặng Thái Sơn cho loại hình biểu diễn Piano; nhiều Sơn Tùng MTV, Đức Phúc; Mỹ Tâm, Tùng Dương, Hoàng Thùy Linh, Đông Nhi… trong lĩnh vực biểu diễn ca nhạc; cần nhiều nữa những nghệ sĩ như Quốc Cơ, Quốc Nghiệp cho loại hình biểu diễn nghệ thuật Xiếc….

Tóm lại, theo quan điểm của tôi, cùng với quá trình thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn thì một trong những vấn đề then chốt chất chính là phải thay đổi tư duy, cách quản lý, cách tiếp cận thị trường của các nhà quản lý, những người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật.

Phóng viên: Chỉ còn vài ngày nữa Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ khai mạc. Bà có kỳ vọng gì cho sau Hội thảo này, đặc biệt là những chính sách cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn?

NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Trong quá trình trao đổi, tôi đã có nói đến khá nhiều các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến 03 vấn đề rất căn cốt đó là: Nhà nước; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và khán giả - Nói rộng ra Nhân dân, cộng đồng xã hội.

Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”sẽ khai mạc vào ngày 17/12 tới

Đối với Nhà nước, chúng ta đã có rất nhiều chính sách khá đồng bộ về phát triển văn hóa, chiến lược phát triển văn hóa nói chung, các nghành công nghiệp văn hóa nói riêng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, khi chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng ta đặt câu hỏi đến năm 2030 và xa hơn chút là 2045 các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn của chúng ta nói riêng sẽ đứng ở đâu trên bản đồ thế giới. Có nhiều giải pháp cho mục tiêu để chúng ta đứng tốp đầu Châu Á về lĩnh vực này. Rõ ràng tầm nhìn và mục tiêu đó phải bằng thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ; trong đó yêu tiên và cần ban hành một chiến lược với mục tiếu cao hơn, đột phá hơn. Ví dụ: Doanh thu từ lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đến năm 2030 chúng ta đang phấn đấu là 31 triệu USD, mà không đặt ra mục tiêu cao hơn, thậm chí phải 2-3 tỉ USD.

Các nhà quản lý và người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần phải thay đổi mạnh mẽ về tư duy. Không tư duy quản trị theo kiểu xin cho, “giật gấu, vá vai”, “ăn đóng”, dựa vào bao cấp của Nhà nước, kể cả đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tất nhiên Nhà nước như tôi đã nói phải có một chính sách đủ thông thoáng, đủ độ mở để tạo điều kiện cho các nhà hát, nghệ sĩ được làm việc, cống hiến. Nhưng suy cho cùng, vẫn cùng một đất nước, cùng một thế chế, nhưng có nhiều nhà hát sống được, làm được nhiều việc mới, trong khi nhiều nhà hát lại ngần như phó mặc cho cơ chế.

Người dân đóng vai trò quyết định trong câu chuyện văn hóa nói riêng và lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói riêng. Vừa là chủ thể, vừa là chủ thể sáng tạo nghệ thuật, vừa là chủ thể hưởng thụ, chủ thể xây dựng, chủ thể của sự so sánh, sự hài lòng, đón nhận của người dân mới là cái đích cuối cùng mà nghệ thuật biểu diễn hướng tới. Đòi hỏi các loại hình biểu diễn nghệ thuật phải có nội dung, giá trị tư tưởng và hình thức thể hiện đúng tầm, đúng đối tượng, phù hợp với vùng miền, địa bàn, phong tục tập quán, lối sống, truyền thống văn hóa. Ví dụ: Một chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tại chương trình đón nhận Huyện Nông thôn mới kiểu mẫu, thì không thể chuyển tải các tác phẩm âm nhạc hàn lâm, thính phòng, cổ điển được, mà phải đầm đà chất liệu dân ca.

Suy cho cùng việc đổi mới đồng bộ, gắn kết giữa Nhà nước với Doanh nghiệp nghệ thuật và đến với khán giả, tức là nhân dân là 3 trụ cột của sự phát triển. Nghệ thuật biểu diễn phải thật sự phục vụ được nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của tuyệt đại người dân trong nước, sau đó mới nói đến câu chuyện phát triển ra nước ngoài.

Có thể nói, ngay sau khi Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 12/2021, với tinh thần phải thật sự xem trọng văn hóa, văn hóa phải thật sự trở thành sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có nhiều giải pháp cụ thể để đưa Nghị Quyết Đại hội 13 của Đảng về văn hóa vào thực tiễn cuộc sống. Trong đó, vấn đề thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật đóng vai trò then chốt, tạo ra bệ đỡ để giải phóng cho ngành văn hóa, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa phát triển nhanh và bền vững.

Tôi cho rằng Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” là một sự kiện rất thiết thực, quy mô lớn, được chuẩn bị rất công phu, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa. Chủ đề Hội thảo sát và trúng, rất cần thiết, đáp ứng được bối cảnh, điều kiện hiện nay. Thông qua Hội thảo này, tôi mong rằng, đây sẽ là kênh tham vấn chính sách rất quan trọng để Quốc hội, Chính phủ từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách đủ đồng bộ, đủ lớn, đủ mạnh để phát triển và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, trong đó sẽ góp phần giúp cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở nước ta chuyển mình và phát triển lên một tầm cao mới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương