HỘI ĐỒNG DÂN TỘC KHẢO SÁT TẠI TỈNH LÀO CAI: CHÚ TRỌNG HỖ TRỢ GIÁO VIÊN, HỌC SINH BẰNG NHIỀU CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ

09/12/2022

Ngày 08 - 09/12, Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry làm trưởng đoàn đã khảo sát tại tỉnh Lào Cai.

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM LÀM VIỆC TẠI ĐIỆN BIÊN

Đợt khảo sát nhằm đánh giá tình hình triển khai, tổ chức thực hiện một số chính sách giáo dục, đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số; làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu, cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách giáo dục, đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Tham gia Đoàn khảo sát có: Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung phát biểu tại cuộc làm việc

Theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, mặc dù là tỉnh vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của cả nước nhưng Lào Cai đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong giáo dục và đào tạo học sinh vùng dân tộc thiểu số. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý ngành giáo dục có rất nhiều đổi mới. Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp của Lào Cai được quy hoạch phát triển phù hợp. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 612 trường, 8.197 lớp với 229.503 học sinh. Về đội ngũ, toàn tỉnh có 1.530 cán bộ quản lý, 14.139 giáo viên và 1.900 nhân viên các trường học. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao. Cơ sở vật chất trường lớp, cơ sở đào tạo nghề được quan tâm đầu tư, tăng cường theo hướng kiên cố hóa. Tính đến năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 390/612 trường đạt chuẩn quốc gia; có 78/138 trường phổ thông dân tộc bán trú đạt chuẩn quốc gia, chiếm 56,52%; 5/9 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia, đạt 55,55%.

Đặc biệt công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quyết định 1299/QĐ-TTg ngày 3.10.2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”  tại các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh; công tác truyền thông, tuyên truyền về giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính được thực hiện bài bản, hiệu quả; việc dạy học qua internet, hướng dẫn học sinh học trên truyền hình trong thời gian tạm dừng đến trường được thực hiện một cách kịp thời. Đáng lưu ý, tỉnh đã thực hiện rất hiệu quả Đề án Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại cuộc làm việc

Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh Lào Cai là còn thiếu đội ngũ giáo viên nhưng vẫn phải thực hiện một số chính sách tinh giản biên chế. Cơ sở vật chất được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yếu cầu phát triển về quy mô; một số chế độ, chính sách đối với bộ phận quản lý, giáo viên chưa đảm bảo…

Trước thực tế trên, lãnh đạo tỉnh mong muốn Quốc hội, Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ các tỉnh miền núi, vùng cao về kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Chính phủ có chương trình mục tiêu hỗ trợ mua đồ dùng cho học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2021 - 2030; mở rộng đối tượng hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho học sinh bán trú ở khu vực II và xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới; hỗ trợ giáo viên trực tiếp quản lý học sinh bán trú đối với những trường có học sinh bán trú nhưng chưa đủ điều kiện thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry tặng quà cho Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Ghi nhận những thành tích mà ngành giáo dục tỉnh Lào Cai đã đạt được, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đánh giá cao việc cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù (9 chính sách), hỗ trợ cho học sinh và giáo viên mỗi năm trung bình 80 tỷ đồng. Có thể nói, việc chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chính sách đã giúp Lào Cai trở thành một trong những điểm sáng về giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục học sinh dân tộc thiểu số nói riêng. Trong những năm qua, toàn tỉnh có 45.500 học sinh được miễn học phí; 36.500 học sinh được giảm học phí; 76.300 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập; 232 trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh; 32.500 học sinh được hỗ trợ tiền ăn; 1.750 học sinh được hỗ trợ tiền nhà ở; 31.500 học sinh được hỗ trợ gạo; 226 sinh viên được đi học cử tuyển đã tốt nghiệp, trong đó 134 sinh viên được bố trí việc làm trong cơ quan Nhà nước…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, tới đây, tỉnh cần quan tâm duy trì số lượng, tỷ lệ chuyên cần, có giải pháp khắc phục tình trạng học sinh tảo hôn dẫn tới bỏ học; tập huấn chuyên sâu kỹ năng cho giáo viên về văn hóa ứng xử trong trường học; kiểm tra việc xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử tại các trường cụ thể, phù hợp với từng cấp học. Về lâu dài, quan tâm tới đào tạo, tuyển dụng giáo viên, cán bộ người dân tộc thiểu số; đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số…

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Mú Sung

Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, tổng hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn bất cập trong các chính sách giáo dục đào tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận công bằng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới.

+ Trước đó, Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc đã làm việc với UBND huyện Bát Xát; thăm và tặng quà cho các em học sinh dân tộc thiểu số tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Mú Sung xã A Mú Sung huyện Bát Xát.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)