TS. NGUYỄN ANH TUẤN: HỘI THẢO VĂN HÓA 2022 - “CÁNH CỬA MỞ” CHO “DU LỊCH VĂN HÓA” TĂNG TỐC VÀ BỨT PHÁ

06/12/2022

“Du lịch văn hóa” – tạo sản phẩm du lịch từ các giá trị văn hóa là hình thức du lịch có thể giúp thu về một nguồn ngân sách khổng lồ, đồng thời còn góp phần để cho các loại hình bản sắc dân tộc được lên ngôi. TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tin tưởng và kỳ vọng Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ tạo nền tảng quan trọng cho các chính sách, cơ chế mới giúp cho "du lịch văn hóa" ở nước ta phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: TẬN DỤNG LỢI THẾ, PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM

CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG VỀ NỘI DUNG, HẬU CẦN, TRUYỀN THÔNG HỘI THẢO VĂN HÓA 2022

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: KỲ VỌNG XUNG LỰC MỚI CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TỪ ''HỘI THẢO VĂN HÓA 2022''

TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Giàu lợi thế về bản sắc văn hóa

Phóng viên: Theo ông, văn hóa và du lịch có mối quan hệ với nhau như thể nào? Thực trạng “du lịch văn hóa” ở nước ta thời gian qua đã có những thành tựu và khó khăn gì?

TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Văn hóa và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển. Văn hóa là nền tảng để phát triển du lịch. Du lịch phát triển sẽ góp phần tạo nguồn thu cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Du lịch văn hóa là một loại hình du lịch phổ biến được nhiều khách du lịch ưa thích với mục đích khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm và thẩm nhận các giá trị văn hóa khác biệt ở các điểm đến du lịch.

Nước ta có tiềm năng to lớn về tài nguyên văn hóa với nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Các sản phẩm du lịch văn hóa của nước ta thời gian qua là sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho ngành du lịch của đất nước. Các doanh nghiệp du lịch đã biết khai thác và phát  huy hiệu quả nhiều giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch.Có thể nói, thành công trong tăng trưởng và phát triển ngành du lịch trong ba mươi năm qua có sự đóng góp to lớn của các sản phẩm du lịch văn hóa.

Văn hóa được hiểu là toàn bộ sáng tạo của con người tích lũy lại trong quá trình hoạt động thực tiễn xã hội được đúc kết thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội, biểu hiện thông qua vốn di sản văn hóa và hệ ứng xử văn hóa của cộng đồng người. Khi nghiên cứu về một quốc gia, một dân tộc thì không thể bỏ qua văn hóa vì nó chính là lời giới thiệu khái quát nhất và sâu sắc nhất về quốc gia, dân tộc đó. Một xã hội không thể tồn tại và phát triển nếu không dựa trên nền tảng các giá trị văn hoá.

Du lịch được xem là phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn hóa có hiệu quả nhất, là cầu nối giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế giới. Bên cạnh đó, du lịch còn là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt, hay nói một cách khác, du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Các giá trị văn hóa được xem là dạng tài nguyên du lịch để xây dựng, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các vùng miền, các địa phương trong nước mà còn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng để phát triển “du lịch văn hóa” với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, đặc sắc: Việt Nam hiện có 5 di sản văn hoá vật thể, 1 di sản hỗn hợp, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 07 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 03 Di sản Tư liệu Thế giới và 04 Di sản Tư liệu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương); hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 126 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; bề dày lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước; 54 dân tộc anh em cùng chung sống với những đặc trưng văn hóa riêng biệt.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng để phát triển “du lịch văn hóa”

Tôi thấy rằng, sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với phát triển du lịch văn hóa cũng rất lớn, thể hiện trong các văn bản: Luật Du lịch; Luật Di sản văn hóa; Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030…

Chúng ta đã xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng: du lịch di sản văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch về nguồn; du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương; du lịch lễ hội… Nhiều sản phẩm du lịch di sản đã trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch Việt Nam. Những điểm đến có di sản văn hoá thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và là điểm phải đến của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế, như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Khu thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam), góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; giúp chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng làm du lịch.

Trong 3 năm (2019, 2020, 2022), Việt Nam liên tiếp được bình chọn là điểm đến di sản hàng đầu châu Á, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (World Travel Awards).

Phóng viên: Khi du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn thì yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn giá trị di sản văn hóa càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Quan điểm của ông như thế nào? Hành lang pháp lý của nước ta hiện tại đã đảm bảo được yêu cầu này hay chưa?

TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Tôi đồng tình và hưởng ứng  cao với quan điểm này. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, bao trùm theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là quan điểm xuyên suốt trong các thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch, đặc biệt là trong Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều quan trọng hiện nay chính là quá trình tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế, đưa quan điểm đó vào thực tế cuộc sống.

Để triển khai các chủ trương chính sách pháp luật nêu trên, vẫn cần phải thể chế hóa, bản hành các cơ chế, quy định, chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thực hiện cụ thể với các công cụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện, sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện, quy rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân trong triển khai thực hiện thì chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và du lịch mới đi vào thực tiễn cuộc sống được.

Khơi thông điểm nghẽn, tạo đà phát triển

Phóng viên: Vậy theo ông, đâu là những điểm nghẽn cần tháo gỡ?

TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Bên cạnh những thành tựu đã có, tôi cho rằng, sản phẩm du lịch Việt Nam nói chung và các sản phẩm du lịch văn hóa vẫn còn chậm đổi mới, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các địa phương, vùng miền. Thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm, cũng như liên kết giữa các địa phương với nhau trong quá trình khai thác các tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch, vì vậy chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững… Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp cận điểm đến, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu đồng bộ, đặc biệt những nơi có tài nguyên du lịch văn hóa ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên du lịch văn hóa có giá trị của Việt Nam vẫn chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng, nhiều điểm tài nguyên văn hóa có giá trị chưa được đầu tư khai thác thành các sản phẩm du lịch. Khó khăn rất lớn trong việc đảm bảo sự hài hòa giữa “khai thác” và “bảo tồn” tài nguyên du lịch văn hóa.  Nhiều chính sách, dự án, phong trào xây dựng, khai thác các nguồn lực văn hoá cho phát triển du lịch còn kém hiệu quả. Ví dụ các mô hình du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng mở ra ở nhiều địa phương, tuy nhiên, những mô hình này chưa được nghiên cứu phù hợp, chưa coi trọng mục tiêu phát triển văn hoá và sinh kế cho cư dân bản địa mà chỉ nhằm khai thác vốn văn hoá của họ. Vì vậy, du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng ở nhiều nơi đã không nhận được sự hợp tác của người dân.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa (24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa đó là “việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối văn hoá của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả” dẫn đến phát triển văn hóa của đất nước trong thời gian qua dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng song song với đó còn tồn tại rất nhiều hạn chế và yếu kém.

Ở đây, điểm nghẽn còn thiếu chính là thể chế, chính sách cụ thể và tổ chức thực hiện cơ chế chính sách để khai thác và phát huy tối ưu các giá trị văn hóa cho phát triển du lịch và ngược lại. Đồng thời, nhận thức về mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa, giữa bảo tồn và phát triển còn chưa đầy đủ ở nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương cũng là rào cản đối với sự phát triển của văn hóa và du lịch.

Phóng viên: Tháng 12 tới Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ khai mạc. Đây là hội thảo Văn hóa lớn mang tầm vóc quốc gia với sự tham gia của nhiều đại biểu cấp cao. Ông có kỳ vọng gì ở Hội thảo này?

TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Tôi cho rằng, Hội thảo Văn hóa 2022 thực sự là một hội thảo có quy mô và tầm vóc rất lớn lần đầu tiên do Lãnh đạo Quốc hội trực tiếp chủ trì, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội và lãnh đạo cao nhất của Quốc hội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước. Chủ đề hội thảo rất thời sự và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như đề ra các giải pháp khơi thông các điểm nghẽn và cơ chế huy động nguồn lực cho phát triển bền vững ngành văn hóa, tạo điểu kiện thực hiện đầy đủ chủ trương đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế trong tiến trình phát triển đất nước.

Thể chế, chính sách có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của quốc gia; đóng vai trò định hướng, hướng dẫn, tạo khung khổ cho việc tổ chức, vận hành xã hội. Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” được tổ chức sau một năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần lần thứ XIII của Đảng (25/01/2021 - 01/02/2021) và Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa (24/11/2021) cho thấy tính thời sự, phù hợp với bối cảnh của đất nước và chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa. Thể chế, chính sách hữu hiệu và phù hợp sẽ khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển văn hóa bền vững của đất nước trong tình hình mới.

Là người làm công tác du lịch 30 năm qua và hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa đối với phát triển du lịch và ngược lại nên tôi rất tin tưởng và kỳ vọng Hội thảo văn hóa lần này do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức sẽ tạo nền tảng quan trọng để Nhà nước ban hành các chính sách, cơ chế quan trọng để thúc đẩy và chấn hững mạnh mẽ nền văn hóa nước nhà, góp phần nhanh đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là đề ra được nhiều cơ chế, chính sách gắn kết chặt chẽ giữa du lịch và văn hóa để khai thác và phát huy tối ưu tiềm năng văn hóa cho phát triển du lịch, đồng thời du lịch phát triển góp phần bảo tồn và phát huy mạnh mẽ các giá trị tài nguyên văn hóa.

Du lịch muốn phát triển cần phải dựa trên giá trị di sản văn hóa

Có thể khẳng định, du lịch muốn phát triển cần phải dựa trên giá trị di sản văn hóa. Phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn giá trị di sản văn hóa là rất cần thiết. Điều này đã được nhấn mạnh trong nhiều văn bản của Đảng và Chính phủ như: Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc); Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc). Vấn đề cốt lõi là cần phải đảm bảo cân đối, hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch nhưng không vì mục tiêu kinh tế và lợi nhuận mà bỏ qua mục tiêu bảo tồn và giữ gìn các di sản văn hóa. Ngược lại, không nên quá thận trọng chỉ lo bảo tồn, gìn giữ mà không khai thác, phát huy giá trị di sản, điều này vô hình chung sẽ gây lãng phí tài nguyên văn hóa có khả năng khai thác cho phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm “bảo tồn vị bảo tồn” trước đây cần phải được thay thế bằng quan điểm “bảo tồn vị nhân sinh”. 

Thời gian qua hệ thống pháp luật, chính sách về di sản văn hóa và du lịch đang ngày càng được bổ sung nhằm hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc phát huy và lan tỏa giá trị của di sản văn hóa; phần nào đã đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: chưa có quy định về loại hình Di sản tư liệu; chưa có quy định về việc hỗ trợ cộng đồng địa phương tại nơi có di tích; thiếu cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa; chưa có chế tài xử phạt nghiêm ngặt đối với các vi phạm gây ảnh hưởng đến di sản văn hóa…

Không có một thể chế, chính sách nào hữu hiệu và phù hợp cũng như tương thích với mọi giai đoạn phát triển. Việc bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa trong từng giai đoạn là hết sức cần thiết và là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để tăng cường nội lực và phát triển bền vững.

Tôi cho rằng, Hội thảo Văn hóa 2022 diễn ra sẽ là “cánh cửa mở” để thu hút và đón nhận được những đề xuất góp ý trọng yếu đối với phát triển văn hóa, đặc biệt là những ý tưởng gợi mở cho vấn đề pháp lý, góp phần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất cho phát triển văn hóa, từ đó tạo thuận lợi cho văn hóa gắn kết với du lịch phát triển tăng tốc và bứt phá hơn trong thời kỳ mới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương – Nghĩa Đức