TS.NGUYỄN HÙNG CƯỜNG: KHẮC PHỤC "ĐIỂM NGHẼN" VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

06/12/2022

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4. Đây là đạo luật quan trọng, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai. Quan tâm tới dự luật, TS. Nguyễn Hùng Cường, Viện Quy hoạch và TKNN cho rằng, trong lần sửa đổi này cần chú trọng rà soát, bố sung quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm khắc phục những "điểm nghẽn" và đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.

TỔNG THUẬT SÁNG 14/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

“Điểm nghẽn” cần bổ sung, sửa đổi

Chế định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói chung trong đó có đất nông nghiệp nói riêng được Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm Nhiệm kỳ Đại hội XIII (2021-2025) là “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt”.

Chế định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định về quy hoạch nói chung, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng (trong đó có chỉ tiêu đất nông nghiệp) của cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh tích hợp vào quy hoạch tỉnh (theo Luật Quy hoạch) hoặc lập riêng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như hiện tại theo Hướng dẫn tại Thông tư 01/2021/TT-BTNMT 12/4/2021 quy định kỹ thuật việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và được Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất Quốc gia thời gian 2021-2025.

Thời gian vừa qua, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên thực tiễn triển khai lập quy hoạch nói chung; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng (trong đó có chỉ tiêu đất nông nghiệp) để tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa xây đựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn vẫn thiếu bền vững và hiệu quả sử dụng đất chưa cao, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

TS.Nguyễn Hùng Cường đã chỉ ra những “điểm nghẽn” về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong đó có chỉ tiêu đất nông nghiệp cần bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện trong Luật Đất đai 2013 như: các văn bản pháp lý còn thiếu đồng bộ với Luật Quy hoạch, Luật Đất đai cần sửa đổi, bổ sung; các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất. Chất lượng quy hoạch, chưa có tầm nhìn dài hạn;…

Cũng theo TS.Nguyễn Hùng Cường, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai. Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhiều nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, dẫn đến mất đất, giảm độ màu mỡ, thoái hóa đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân.

Ngoài ra, điểm nghẽn còn thể hiện ở những bất cập: Về cơ sở khoa học dự báo nhu cầu sử dụng đất, trong đó có đất nông nghiệp; Điều chỉnh Khung pháp luật về chính sách hạn điền để xây dựng cánh đồng lớn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Về chỉ tiêu phân bổ đất nông nghiệp;…

Giải pháp quản lý, sử dụng đất, đất nông nghiệp hiệu quả

TS.Nguyễn Hùng Cường cho biết, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 02 chương (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều đã bổ sung nhiều quy định mới về đất nông nghiệp, cụ thể: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Có các quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc. Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung mới quy định về ngân hàng đất nông nghiệp; sửa đổi quy định về đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích;…

TS.Nguyễn Hùng Cường, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp

Đề xuất nhóm giải pháp quản lý, sử dụng đất, đất nông nghiệp hiệu quả phục vụ sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai 2013 trong điều kiện mới, TS. Nguyễn Hùng Cường đưa ra 03 nhóm giải pháp, gồm: Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; Nhóm giải pháp vê sử dụng đất nông nghiệp và Nhóm giải pháp bổ trợ khác.Theo đó:

Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách: TS.Nguyễn Hùng Cường cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia sau khi được Quốc hội quyết định sẽ là cơ sở để quy hoạch, kế hoạch các ngành, lĩnh vực, quy hoạch tỉnh lập và triển khai thực hiện; việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ từ cả nước đến các vùng, các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp lý để quản lý và bảo vệ các vùng trồng lúa, vùng phát triển rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng đất cho xây dựng các công trình ngầm, hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản, việc phục hồi đất sau khi kết thúc thăm dò, khai thác;…

Nhóm giải giáp về sử dụng đất nông nghiệp: TS.Nguyễn Hùng Cường nhấn mạnh, cần rà soát, xác định rõ chỉ tiêu khống chế về diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt và công khai đến từng xã; Tăng cường công tác tổ chức và thực hiện quy hoạch sử dụng đất lúa, trong đó hoàn thiện chế định đối với quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất lúa đã được phê duyệt, để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ngoài ra, đối với đất lâm nghiệp, trên cơ sở chỉ tiêu quy hoạch Quốc gia phân bổ, rà soát quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, xác định lâm phận quốc gia ổn định và cắm mốc ranh giới trên thực địa. Đổi mới cơ chế, chính sách giao rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư, phát triển quản lý rừng cộng đồng đối với rừng tự nhiên, quy định làm rõ chế độ sở hữu, quyền sử dụng và nghĩa vụ của chủ rừng; quy định rõ ràng việc quản lý đất và rừng sau khi giao; để tạo động lực cho quản lý bảo vệ và phát triển rừng;

TS.Nguyễn Hùng Cường cũng kiến nghị đổi mới chính sách về quyền sử dụng đất, rừng để sản xuất kinh doanh phù hợp kinh tế thị trường; tích tụ đất đai tạo vùng nguyên liệu tập trung.

Nhóm giải pháp bổ trợ khác, bao gồm: Giải pháp về khoa học công nghệ và kỹ thuật; nhóm giải pháp về quản lý, giám sất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giải pháp về tăng cường giáo dục pháp luật và thông tin về đất quy hoạch, đất sản xuất nông nghiệp (nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh…).

Ngoài ra, cần hoàn thiện công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tăng cường quản lý tài chính về sử dụng đất nông nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm về đất nông nghiệp;…

Lê Anh