TỔNG THUẬT CHIỀU NGÀY 28/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KT-XH, DỰ TOÁN NSNN VÀ TỔNG KẾT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 54/2017/QH14
Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, hoạt động văn hóa thời gian qua ở nước ta đã có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực văn hoá cũng ngày càng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt là sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc, đã nâng cao được nhận thức của các cấp, ngành về văn hoá; hầu hết các địa phương đã có sự quan tâm hơn về văn hoá và đã tập trung đầu tư nhiều hơn về văn hoá.
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã bồi đắp nên bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách của con người Việt Nam, kết tinh các giá trị văn hóa, tạo thành sức mạnh nội sinh giúp toàn dân ta vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách khắc nghiệt để đi đến những thắng lợi vẻ vang. Hiện nay, trong bối cảnh mới, phát huy các giá trị văn hóa là yếu tố quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đánh giá, năm 2022, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chất lượng, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; thu ngân sách chưa cao, thiếu bền vững; nợ đọng thuế có xu hướng tăng; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; an ninh, trật tự an toàn xã hội còn diến biến phức tạp.
Góp ý về vấn đề phát triển văn hóa, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng cho biết, trong 10 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng, ngang hàng với phát triển kinh tế. Tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của ngành văn hóa còn một số bất cập, hạn chế.
Trong giai đoạn trước, đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi chương trình này kết thúc năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm, nhưng luôn ở mức thấp. Trong khi đó, năm 2022, Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế, nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện, hoặc chưa được giải ngân. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư, đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa - lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Để phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của Nhân dân, đại biểu Lượng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành, trong đó cần ưu tiên các chính sách, giải pháp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hoá, văn học, nghệ thuật; xây dựng môi trường, con người văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, cần sớm triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Góp ý về thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng đánh giá trong nhiều năm qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp tuy đạt được kết quả tích cực, nhưng còn không ít vướng mắc, bất cập. Nguyên nhân chính là công tác chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt; việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, không đồng bộ hoặc ban hành văn bản chưa đúng, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. Chẳng hạn Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, mặc dù có nhiều ưu điểm hơn Nghị định số 16 ngày 14/2/2015, nhưng vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ để có thể tự thực hiện được hoặc không thể thực hiện ngay mà phải chờ hướng dẫn của các bộ, cơ quan; một số quy định chưa đồng bộ với những quy định pháp luật khác, như pháp luật về giá, phí, sử dụng tài sản công... Những hạn chế, bất cập này đã ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, như dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông…
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, có thể nói rằng trong thời gian qua, cùng với cả nước, lĩnh vực văn hóa đã vượt qua nhiều khó khăn vì đại dịch, những bất ổn chung của tình hình kinh tế - chính trị của thế giới để đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong đó ở lĩnh vực du lịch, chúng ta đã sớm mở cửa, thực hiện Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế của Chính phủ, du lịch Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ và đang phục hồi tốt, du lịch nội địa đã trở thành bệ đỡ cho du lịch quốc tế, lượng khách du lịch nội địa đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đặt ra trong cả năm 2022. Trong lĩnh vực thể thao, điểm nhấn đáng tự hào là vượt qua muôn vàn khó khăn vì đại dịch chúng ta đã đăng cai thành công SEA Games 31, tạo tiếng vang lớn, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh gía cao. Đặc biệt trong suốt thời gian tổ chức Đại hội, không khí vui tươi, phấn khởi đã tràn ngập khắp các địa phương đăng cai tổ chức, làm xoá tan đi không khí nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch và giúp chúng ta có khí thế, động lực mới để phục hồi và phát triển kinh tế; phong trào thể thao quần chúng cũng ngày càng phát triển sâu rộng.
Ở lĩnh vực văn hoá, Hội nghị văn hoá toàn quốc đã thổi luồng sinh khí mới, tạo động lực cho các hoạt động của ngành ngày càng hiệu quả hơn. Chúng ta cũng đang giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, sức mạnh của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập với quốc tế. Văn hoá cũng đã phát huy được sức mạnh mềm để giúp đất nước ta vượt qua khó khăn vì đại dịch rồi cùng nhau phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh những mặt đã đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận vào một số mặt tồn tại, hạn chế như tình trạng xâm hại các di tích, sự xuống cấp về văn hoá, đạo đức, lối sống ứng xử có nhiều lệch lạc, hiện tượng lai căng, lệch chuẩn về văn hoá của một bộ phận… Tất cả những vấn đề đó cần sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội, để chúng ta có thể xây dựng nền văn hoá đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.