CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG: KỲ VỌNG MỞ KHÓA SỨC MẠNH CÁC CƠ SỞ DỮ LIỆU TRÊN QUY MÔ QUỐC GIA

03/11/2022

Ngày mai (04/11), Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về một số vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia hy vọng sẽ có những câu hỏi sắc sảo tại phiên chất vấn, đồng thời, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giải trình nội dung về kết nối, chia sẻ, tận dụng sức mạnh của các cơ sở dữ liệu trên quy mô quốc gia.

KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV: CHẤT VẤN 04 NHÓM VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM

TỔNG THUẬT CHIỀU 03/11: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN VẤN ĐỀ THỨ NHẤT – LĨNH VỰC XÂY DỰNG

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cùng đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Ngày mai (04/11), các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Trao đổi về phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Nam- Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang bày tỏ tin tưởng, kỳ vọng các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết và trách nhiệm trước cử tri, Nhân dân để đặt nhiều câu hỏi chất vấn hay, bám sát thực tiễn, trúng các vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm, có ảnh hưởng hoặc tạo sức lan toả tới thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Đại biểu Lê Minh Nam- Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang 

Đại biểu Lê Minh Nam cũng kỳ vọng rằng, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời thật thoả đáng, thẳng thắn, đúng trọng tâm vấn đề nhằm làm rõ các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm; đặc biệt chỉ rõ trách nhiệm của ai trong những vấn đề khiến dư luận xã hội bức xúc hoặc đang còn vướng mắc cần được tháo gỡ. Các “tư lệnh ngành” cần nêu rõ giải pháp, hướng giải quyết, lộ trình và thời hạn thực hiện đối với những vấn đề cụ thể được đề cập tại phiên chất vấn, nhằm tạo chuyển biến trong các lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, đại biểu tin rằng, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ xâu chuỗi lại những vấn đề mà cử tri mong mỏi, thực tiễn đang đặt ra với yêu cầu cấp bách, để tập trung giải quyết nhanh hơn, sớm hơn, nhất là trong bối cảnh nước ta vừa vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, song dự báo thời gian tới, tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Từng nhiều lần đưa ra ý kiến về vấn đề phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước- vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, cần có các công cụ để đánh giá về sự cần thiết và tính hiệu quả trong việc xây dựng hoặc nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước; đặc biệt là việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phải lấy tính tiện dụng, tính thuận lợi của người dân làm trọng tâm, tránh gây mất thời gian, công sức của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ này.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An 

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu cũng còn thiếu tầm nhìn và thiếu quy hoạch, dẫn đến tình trạng trùng lặp, thiếu kết nối trong việc tổ chức các cơ sở dữ liệu. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây có xu hướng trong nhiều dự án luật có các quy định về xây dựng các cơ sở dữ liệu để phục vụ việc thực hiện các đạo luật này. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần có sự liên thông đồng bộ, để có thể dễ dàng tích hợp, đối chiếu, tránh trùng lặp về chức năng, về dữ liệu với các cơ sở dữ liệu đang tồn tại hoặc đang được xây dựng.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc xây dựng danh mục tổng thể các cơ sở dữ liệu trong các cơ quan Nhà nước; phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong việc việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của Nhà nước và tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để tránh trường hợp nhiều cơ quan Nhà nước cùng thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu; từ đó, vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa không gây phiền hà, mất thời gian đối với người dân và doanh nghiệp.

Đánh giá cao việc Quốc hội tổ chức chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 này, Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam Trịnh Văn Dương cho rằng, đang có một số vấn đề nổi lên thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, người dân và doanh nghiệp rất quan tâm, cần nghe ý kiến giải trình, làm rõ của các Tư lệnh ngành.

Quan tâm đến một số nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và truyền thông, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Văn Dương cho biết, việc thực hiện kết nối thông cơ sở dữ liệu quốc gia về về đăng ký doanh nghiệp là rất cần thiết, hiện số lượng doanh nghiệp trong cơ sở dữ liệu là hơn 1.400.000 doanh nghiệp. Đồng thời, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được đẩy mạnh triển khai và phát huy hiệu quả.

Giám đốc Công ty Cổ phần Mã hóa Việt Nam Trịnh Văn Dương

Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Dương chỉ ra rằng, người dân, doanh nghiệp vẫn phải nộp giấy tờ liên quan ở dạng bản giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công, dẫn đến không thúc đẩy kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số, nhiều trường hợp còn làm tăng thêm việc, tăng thêm thời gian xử lý. Điều này gây nên sự bất tiện và tốn kém chi phí. Chưa kể đến việc người dân, doanh nghiệp vẫn phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần, thủ công, đi lại nhiều nơi khi thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công; công chức phải xử lý nghiệp vụ trên nhiều phần mềm.

Qua theo dõi, Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam nhận thấy, các cơ quan tổ chức chưa thực hiện mở dữ liệu theo quy định của pháp luật. Ông phân tích, có thể các cơ quan này lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu, về quyền và trách nhiệm của cơ quan chia sẻ dữ liệu, và về các biện pháp bảo đảm an toàn, thông tin mạng. Vì hiện nay việc quản lý an toàn thông tin mạng vẫn chưa được thực hiện một các triệt để…

Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam cho biết, không thể phủ nhận những hiệu quả ban đầu khi Chính phủ thực hiện công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các Cơ sở dữ liệu quốc gia, tuy nhiên cần đảm bảo hiệu quả lâu dài của công tác này, đảm bảo góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Ông Trịnh Văn Dương kỳ vọng, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra những câu hỏi sắc sảo, trọng tâm, toàn diện, để làm rõ được những lợi ích chính từ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ có những giải trình hợp lý trước những tồn tại, hạn chế trong công tác này; đưa ra những giải pháp phù hợp cho việc khai thác các Cơ sở dữ liệu quốc gia một cách hiệu quả trong thời gian tới.

TS.Trần Quang Tuyến- Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Cùng mối quan tâm về công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế, TS.Trần Quang Tuyến- Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã có những thành công bước đầu trên nhiều khía cạnh. Sự thành công trong chuyển đổi số giai đoạn tiếp theo, với nguồn lực có hạn, đòi hỏi Chính phủ cần xác định rõ những chiến lược ưu tiên, đặc biệt phối hợp với khu vực doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số.

Cụ thể, TS.Trần Quang Tuyến cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường giáo dục kỹ thuật số, thúc đẩy đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Giáo dục trong nền kinh tế số không chỉ để thúc đẩy sự nhận thức chung về cơ hội, thách thức của nền kinh tế số mà đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng lực lượng lao động có kỹ năng, sẵn sàng thích ứng và nắm bắt cơ hội.

Một nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện theo TS.Trần Quang Tuyến là củng cố lòng tin của người sử dụng thông qua bảo đảm các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, an ninh mạng và hệ thống luật pháp công khai, minh bạch đối với hệ thống doanh nghiệp.

TS.Trần Quang Tuyến cùng nhiều chuyên gia nhấn mạnh, cần xúc tiến nhanh hơn nữa chính phủ điện tử, Chính phủ cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Sự tích cực dẫn dắt nền kinh tế chuyển đổi số của Chính phủ sẽ là chìa khóa quan trọng cho sự thành công của công cuộc này./.

Minh Hùng