XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU NGƯỜI LAO ĐỘNG, HIỆN ĐẠI HÓA TRONG QUẢN LÝ NGUỒN NHÂN LỰC

27/10/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, bàn về vấn đề phát triển thị trường lao động, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần hiện đại hóa về quản lý nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về người lao động từ 15 tuổi trở lên, làm cơ sở xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, kết nối cung - cầu trên thị trường lao động nhằm tối ưu hóa sử dụng nguồn lực lao động

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian tại các phiên họp tổ hay thậm chí bên hành lang hội trường Quốc hội để trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, trong đó, một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm nhất là việc phát triển thị trường lao động (TTLĐ) linh hoạt, bền vững, hiện đại và hội nhập. Theo các đại biểu, hiện nay, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ; chính sách TTLĐ chưa hoàn thiện và chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm theo hướng bền vững. Vẫn còn những rào cản về quản lý và thủ tục hành chính chưa tạo được một sân chơi công bằng, bình đẳng.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, TTLĐ có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực và ngành, nghề. dẫn đến mất cân đối về cung - cầu lao động. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã làm cho thị trường lao động bị đứt gãy do giãn cách xã hội, lao động trở về quê khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm tiêu cực. Quan hệ cung - cầu lao động trên TTLĐ chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu để đáp ứng cầu lao động của nền kinh tế linh hoạt, hiện đại và hội nhập.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận các bên trong quan hệ lao động cấp doanh nghiệp chưa hoàn thiện; thiết chế giải quyết tranh chấp lao động và đình công chưa phù hợp với thực tế, nên hầu hết các cuộc đình công diễn ra chưa đúng với quy định của pháp luật. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa hoàn chỉnh và chưa gắn kết chặt chẽ với hệ thống an sinh xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các loại hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tự do trên nền tảng trực tuyến... Lao động trong phân khúc TTLĐ này chưa được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kết cấu hạ tầng dịch vụ TTLĐ chưa hiện đại; năng lực dự báo cung - cầu lao động còn hạn chế; cơ sở dữ liệu TTLĐ chưa đầy đủ và cập nhật; hệ thống dịch vụ việc làm kết nối TTLĐ trong nước với TTLĐ quốc tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cả người sử dụng lao động và người lao động trong nước cũng như ngoài nước.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Phải tạo bước phát triển mới cho đất nước với mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa tuân thủ các quy luật, nguyên tắc của thị trường trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, vừa có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước; tạo ra các động lực và mũi nhọn tăng trưởng cao; xử lý các thất bại của thị trường để bảo đảm quyền con người trong lao động, việc làm bền vững, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội cho rằng, cần xác định rõ quan điểm định hướng phát triển TTLĐ linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển TTLĐ thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển TTLĐ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với TTLĐ quốc tế.

Theo TS.Bùi Sỹ Lợi, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để TTLĐ phát triển theo hướng linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả, dựa trên các tiêu chuẩn lao động quốc tế theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch. Tạo cung lao động đáp ứng thị trường về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, đặc biệt là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Tăng cầu lao động thông qua phát triển kinh doanh sản xuất dịch vụ trong các thành phần kinh tế.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội

Cùng với đó, cần phát triển khoa học quản trị quốc gia về TTLĐ, hướng tới xây dựng mô hình quản trị TTLĐ trong hội nhập đầy đủ, đồng bộ và hoàn thiện. Hiện đại hóa về quản lý nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về người lao động từ 15 tuổi trở lên, làm cơ sở xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, kết nối cung - cầu trên thị trường lao động nhằm tối ưu hóa sử dụng nguồn lực lao động. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về QHLĐ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần chính thức hóa thị trường lao động khu vực phi chính thức nhằm từng bước dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Hỗ trợ tạo việc làm có thu nhập cho các đối tượng yếu thế như lao động di cư, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Cần xây dựng cơ chế, chính sách nhập khẩu lao động đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao và xu hướng già hóa dân số; điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động theo hướng duy trì và mở rộng các thị trường phát triển, có thu nhập cao.

Ngoài ra, cần phát triển TTLĐ linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả phải gắn chặt đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động; đa dạng hoá chủ thể đào tạo, phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp trong đào tạo và đào tạo lại lao động; xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong giáo dục nghề nghiệp; phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; hiện đại hóa và đổi mới phương thức đào tạo trong nền kinh tế số và xã hội số. Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp áp dụng cho các ngành nghề trong xã hội. Bảo đảm mọi người lao động được học nghề có việc làm phù hợp.

Minh Hùng