QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đối với quy định về đề xuất nội dung để Nhân dân bàn và quyết định, quy định tại Điều 16 được xây dựng trên cơ sở tham khảo và áp dụng tương tự quy định tại khoản 3 Điều 78 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (tỷ lệ 10% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đề xuất thì tổ chức phiên họp bất thường của HĐND cấp xã).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Mặt khác, với quy mô thôn, tổ dân phố hiện nay trung bình từ 200 - 450 hộ gia đình, thì 10% là con số có thể thực hiện trên thực tế; đồng thời việc yêu cầu có sự đồng thuận của 10% cử tri sẽ phản ánh vấn đề đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định là vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm của cộng đồng dân cư mà không phải các vấn đề có tính chất cá nhân. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ tỷ lệ 10% như quy định của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, để khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần đóng góp của người dân, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp sáng kiến của công dân chưa có đủ 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận nhưng xét thấy có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư và được Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố tán thành thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố đưa ra để cộng đồng dân cư bàn và quyết định (khoản 3 Điều 16). Các đề xuất sáng kiến này có trở thành quyết định của cộng đồng dân cư hay không thì còn tùy thuộc vào kết quả Nhân dân bàn và quyết định quy định tại Điều 20 và Điều 21 của dự thảo Luật.
Phát biểu tại Hội trường về vấn đề này, đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ nêu rõ, quy định như tại khoản 3 Điều 16 của dự thảo Luật sẽ tạo ra một số vấn đề: ai đứng ra tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố để công dân thu thập ý kiến đồng thuận, ai hướng dẫn công dân tổ chức thu thập ý kiến đồng thuận với sáng kiến của mình bằng văn bản? Ngoài việc thu thập ý kiến đồng thuận của Nhân dân thông qua tổ chức cuộc họp thôn, tổ dân phố và thông qua hình thức văn bản thì có thể thu thập ý kiến đồng thuận bằng hình thức khác phù hợp, cụ thể là như thế nào và ai quy định?
Đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ
Theo đại biểu, việc quy định các nội dung như trên là chưa rõ, chưa cụ thể và gây khó khăn cho công dân khi đề xuất sáng kiến, nhất là khi yêu cầu công dân muốn đề xuất sáng kiến phải tự tổ chức thu thập ý kiến đồng thuận của Nhân dân với sáng kiến của mình nên rất khó khả thi trong thực tế.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng như sau: Công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất về nội dung quy định tại Điều 15 của luật này với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm xem xét sáng kiến do công dân đề xuất, nếu thấy không trái với quy định của pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội thì tổ chức lấy ý kiến, tham khảo sự đồng thuận của Nhân dân thông qua cuộc họp thôn, tổ dân phố bằng phiếu hoặc thông qua hình thức phù hợp khác. Trường hợp được ít nhất 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận hoặc chưa đủ 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận nhưng xét thấy sáng kiến có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng và được Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố tán thành thì trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đề xuất đưa ra cộng đồng để Nhân dân bàn và quyết định.
Đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần rà soát, xem xét kỹ lưỡng việc quy định phải có 10% hộ gia đình đồng thuận thì mới đưa ý kiến, sáng kiến của người dân ra bàn. Theo đại biểu, quy định như vậy người dân sẽ rất ít đề xuất hoặc thậm chí sẽ không đề xuất sáng kiến của mình đối với thôn, cộng đồng dân cư. Đại biểu cho rằng, chỉ cần quy định những ý kiến của người dân có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư, phù hợp với các quy định của pháp luật, được Ban công tác Mặt trận ở thôn, khu phố thống nhất thì vấn đề này có thể đưa ra bàn trong cộng đồng dân cư để xem xét, quyết định.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, tại khoản 3 Điều 16 về đề xuất nội dung để Nhân dân bàn và quyết định, nếu công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất nội dung quy định tại Điều 15 luật này để Nhân dân bàn quyết định và được ít nhất là 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi đề xuất đến trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và công dân đề xuất sáng kiến, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số lượng và danh sách hộ gia đình đồng thuận quy định tại khoản này.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, việc quy định khắt khe về nội dung công dân phải chịu trách nhiệm về đề xuất của mình sẽ làm người dân e ngại, không mạnh dạn đề xuất các sáng kiến. Đồng thời, quy định này chưa hợp lý, vì nếu công dân đề xuất sáng kiến thì phải tự lấy ý kiến các hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố và tự chịu trách nhiệm về kết quả đồng thuận. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên quy định theo hướng đối với công dân có sáng kiến về nội dung tại Điều 15 của luật này thì trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tiếp thu và có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét đưa ra cộng đồng dân cư lấy ý kiến và quyết định.