Chiều nay (26/10), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ với 123 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 21 lượt ý kiến và 2 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và nhất trí với nhiều nội dung chính của dự án luật.
Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Luật để gửi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ngày 8/9/2022, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật. Sau hội nghị, thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Chiều nay 26/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ thảo luận cụ thể về dự án Luật này.
Nỗi nhức nhối chung
Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về tình trạng bạo lực gia đình các nước trên thế giới trong thời gian gần đây và những hệ lụy của nó?
Ths.Bùi Minh Thúy, Đại học Northumbria, Newcastle (Vương Quốc Anh): Tôi cho rằng, bạo lực gia đình là vấn nạn xã hội ở nhiều quốc gia, không chỉ riêng ở Việt Nam, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Những năm gần đây, các vụ bạo lực gia đình trên thế giới ngày càng tăng với nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Các quốc gia trên thế giới kể cả các nước phát triển cũng đang phải đấu tranh nhằm phòng, chống bạo lực gia đình.
Thạc sĩ Bùi Minh Thúy, Đại học Northumbria, Newcastle (Vương Quốc Anh)
Ở Canada, tỷ lệ bạo lực với phụ nữ ở Canada cũng không khác nhiều so với Việt Nam. 51% phụ nữ Canada đã phải chịu bạo lực ít nhất một lần trong đời. Riêng ở tiểu bang Ontario, có 40% phụ nữ bắt đầu bị bạo lực thể xác khi có thai; 50% phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình bị triệu chứng sang chấn tâm lý… Tại Australia, cứ 3 phụ nữ, trẻ em gái từ 15 tuổi trở lên thì có một người từng bị bạo lực thể xác.
Tại Anh, ước tính hàng năm có khoảng 2.3 triệu nạn nhân trong khoảng từ 16 – 74 tuổi, bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong gia đình (2/3 trong số đó là phụ nữ). Ở Anh, cứ 10 ca phạm tội thì có 1 ca liên quan tới lạm dụng trong gia đình. Số ca phạm tội tại Anh tính đến tháng 3 năm 2022 liên quan đến bạo lực trong gia đình tăng 8% so với năm 2021 và tăng 12% so với năm 2020. Theo thống kê, 5,7% người trưởng thành trong độ tuổi từ 16-59 tại Anh đã từng bị bạo lực trong gia đình, tính đến tháng 3 năm 2022.
TS.Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc): Tôi thấy rằng, bạo lực trong gia đình ở Hàn Quốc cũng khá phổ biến, hầu hết xuất phát từ đặc tính gia trưởng trong xã hội và cấu trúc của gia đình. Theo thống kê của Văn phòng Công tố tối cao Hàn Quốc, 60% các vụ bạo lực gia đình đã được loại bỏ khỏi cáo buộc truy tố trong năm 2015, chỉ 15,6% các vụ trải qua các thủ tục tố tụng. Hơn 118.000 trường hợp được báo cáo nhưng chỉ có 8.762 vụ bắt giữ…
Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc)
Tờ Korea Times của nước này mới đây cũng nhấn mạnh bạo hành trong gia đình, đặc biệt khi nạn nhân là người vợ ngoại quốc, đang trở thành vấn nạn trong xã hội Hàn Quốc. Báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc cho biết có 4/10 người ngoại quốc lấy chồng Hàn là nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Trong vòng 10 năm trước, khi báo cáo được tổng kết, có 9 trường hợp người vợ ngoại quốc bị giết hại tại Hàn Quốc với hung thủ đa phần chính là người chồng.
Thậm chí, một cựu lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc từng nhận xét, bạo lực gia đình là một trong 4 căn bệnh trầm kha của xã hội nước này bên cạnh bạo lực tình dục, bạo lực học đường và thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh.
Trong bối cảnh đối phó với đại dịch Covid-19 suốt thời gian qua, phụ nữ và trẻ em ở nhiều nơi đứng trước nguy cơ hứng chịu bạo lực gia tăng trong gia đình, xuất phát từ áp lực tâm lý, kinh tế từ đại dịch. Mức độ gia tăng bạo lực gia đình ở các nước áp dụng phong tỏa và cách ly phòng dịch Covid-19 như Italy, Trung Quốc, Brazil, Hy Lạp…
Bạo lực gia đình luôn là vấn đề nóng trên toàn thế giới
Ths.Bùi Minh Thúy, Đại học Northumbria, Newcastle (Vương Quốc Anh): Tôi cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến cho kinh tế đứng trước những khó khăn chưa từng có. Người ta nói đến du lịch, dịch vụ, sản xuất rồi kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng không chỉ có vậy, dịch bệnh cũng khiến cho bạo lực gia đình mà đặc biệt là phụ nữ bị bạo lực nhiều hơn. Đối với Việt Nam, tôi thấy bạo lực gia đình trong mùa dịch cũng tăng lên đáng kể. Trên các phương tiện truyền thông, báo chí, không khó để chúng ta nhìn thấy các tin tức về bạo lực gia đình.
Thậm chí, hình thức của bạo lực gia đình ở Việt Nam bây giờ cũng hết sức đa dạng, các vụ việc khó phát hiện và nhận diện hơn. Một số vụ việc bạo lực gia đình khiến công luận phải bàng hoàng khi nạn nhân bị bạo hành dã man, tổn thương nặng về thể chất và tinh thần.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, tôi cho rằng, một phần do các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình của chúng ta còn nhiều bất cập, quá chung chung và không đầy đủ. Phần lớn các nạn nhân- họ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, pháp lý. Việc bạo hành đôi khi bắt nguồn từ tư tưởng gia trưởng, trong đó vai trò, giá trị, đóng góp của người phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình, xã hội bị đánh giá thấp hơn nam giới. 50% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình không nói với bất kỳ ai; 87% không tìm kiếm sự trợ giúp của bất cứ dịch vụ nào. Việc giữ thể diện với hàng xóm láng giềng, phán xét của xã hội và cả thiếu niềm tin vào công lý là những điều khiến nạn nhân không lên tiếng khi bị bạo hành.
TS.Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc): Tôi cũng thấy rằng, hành vi bạo lực gia đình trong xã hội Việt Nam xuất hiện khá phổ biến nhưng phần lớn không được coi là bạo lực gia đình hoặc bị che giấu vì yếu tố văn hóa hoặc vì thành tích “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”… Vì thế, nhận diện hành vi bạo lực gia đình là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức, đặc biệt là các hình thức bạo lực: Tình dục, kinh tế và tinh thần. Theo dõi các phiên họp của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua, tôi thấy các đại biểu Quốc hội đã có những đề xuất cụ thể cho nội dung này. Đây là một điểm rất tiến bộ, đáng mừng. Bởi chỉ khi nhận diện đúng, chúng ta mới có thể phòng ngừa hiệu quả.
Ngoài ra, ở các quy định hiện hành, việc hòa giải các vụ bạo lực gia đình hiện cũng mới tập trung chủ yếu đối với bạo lực về thể chất. Do những người liên quan che giấu nên một số hành vi bạo lực gia đình khi bị phát hiện đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng; việc xử phạt vi phạm hành chính dù đã được thực thi nhưng chưa tương xứng với số vụ bạo lực gia đình do đặc thù của đối tượng bị xử phạt; hình thức xử phạt hiện nay chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản đến việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân và xử lý người gây ra bạo lực gia đình …
Chính sách mới và những kỳ vọng mới
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đại biểu có kỳ vọng gì vào lần sửa đổi này?
Ths.Bùi Minh Thúy, Đại học Northumbria, Newcastle (Vương Quốc Anh): Các quốc gia trên thế giới kể cả các nước phát triển cũng đang tích cực đấu tranh nhằm phòng, chống bạo lực gia đình. Ví dụ như tại Canada, các cơ quan chức năng xây dựng chương trình phòng ngừa, ứng phó bạo lực gia đình theo 3 cấp độ. Trong đó, cấp độ đầu tiên là phòng ngừa hướng tới đối tượng chính là nam giới và trẻ em trai. Canada đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông trong hàng thập kỷ như “Ruy băng trắng”, “Hãy đi vào đôi giầy của cô ấy” nhằm huy động sự tham gia của nam giới, trẻ em trai chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Các chiến dịch của Canada đã lan tỏa ra hơn 60 nước… Bước can thiệp cấp 2 nhằm xác định, can thiệp sớm những đối tượng nguy cơ cao. Bước 3 là can thiệp sau bạo lực nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Các dịch vụ này phần lớn do các tổ chức xã hội chuyên nghiệp thực hiện. Hiện Canada có hơn 600 nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo lực.
Thụy Điển cũng có một mô hình rất nổi bật là Trung tâm khủng hoảng dành riêng cho nam giới. Trung tâm này cung cấp kiến thức, kỹ năng, các chương trình đào tạo cho nam giới để xử lý cơn nóng giận, khủng hoảng, xây dựng mối quan hệ lành mạnh, nói không bạo lực. Với những nam giới gây bạo lực đã bị kết án, các nhà tù cũng kết nối với nhiều đơn vị nhằm chữa trị, đào tạo bắt buộc, giám sát chặt chẽ để người đó không lặp lại các hành vi bạo lực khi hết hạn tù…
Còn tại Anh, bạo lực gia đình từ lâu họ đã quy định không nhất thiết phải là bị tấn công vật lý trên cơ thể, mà có thể là bị tấn công về mặt tâm lý, quản lý tài chính, bị cô lập trong gia đình hoặc xâm phạm quyền riêng tư như quản lý tin nhắn, email …của nạn nhận. Những hành vi như đe dọa, lăng mạ và coi thường cũng được coi là bạo lực gia đình.
Đặc biệt, khi bị bạo hành, họ nhanh chóng được hỗ trợ ngay bởi lực lượng cảnh sát hoặc Đội hỗ trợ nạn nhân thông qua một ứng dụng chuyên biệt. Nạn nhân có thể tìm đến các hiệu thuốc có logo “Ask for ANI” (nghĩa là “hãy hành động ngay”), ngay lập tức nận nhân sẽ được cung cấp nơi ở an toàn và được thông báo tới cảnh sát để nhận sự bảo vệ. Có rất nhiều nơi chu cấp nơi ở an toàn dành cho những người bị bạo lực gia đình trên khắp nước Anh, thông tin về những nơi ở này có thể dễ dàng được tra cứu trên mạng. Luật pháp nước Anh chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi nạn nhân dám đứng ra khai báo hoặc tố giác.
Không chỉ vậy, bạo lực gia đình ở Anh chịu mức phạt rất nặng, với hành vi bạo lực thông thường, không nhất thiết phải tác động vật lý trên cơ thể, có thể là ở mức nhẹ hoặc lăng mạ, đe dọa cũng có thể bị phạt giam từ 6 tháng – 2 năm tùy mức độ. Với hành vi bạo lực gây hại đến cơ thể mức phạt giam từ 5 – 7 năm. Với bạo lực gây thương tích nghiêm trọng đến cơ thể mức cao nhất là chung thân.
Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội bàn về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tôi mong rằng các quy định mới sẽ tháo gỡ được những hạn chế, bất cập và khó khăn của Luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn. Dự thảo Luật cần rà soát các hành vi vi phạm để quy định hình thức, mức xử phạt hợp lý, khả thi do hiện tại một số hành vi quy định hiện hành có mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe. Đồng thời, học hỏi các mô hình hay từ các nước; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thiết thực để cộng đồng hiểu rằng bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật chứ không còn là vấn đề riêng tư của mỗi gia đình; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội với những giải pháp đẩy lùi hành vi bạo lực nhằm giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc, không có bạo lực.
TS.Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc): Luật Phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Hàn Quốc ra đời năm 1997 và sửa đổi gần nhất năm 2008 quy định rất rõ trách nhiệm của Nhà nước và chính quyền địa phương. Trong đó có việc thiết lập và vận hành hệ thống báo cáo về các hành vi bạo lực gia đình; điều tra, nghiên cứu, giáo dục và phổ biến các biện pháp ngăn chặn; thành lập và quản lý các cơ sở bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; xây dựng hệ thống hợp tác giữa các cơ quan chức năng có liên quan để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc bảo vệ, giúp đỡ các nạn nhân; phân bổ ngân sách cho các mục đích trên… Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới có trách nhiệm điều tra tình trạng bạo lực gia đình thực tế trên cơ sở ba năm, công bố kết quả và sử dụng những phát hiện đó như những tài liệu cơ bản trong hoạch định chính sách ngăn chặn bạo lực gia đình.
Nhà nước và các chính quyền địa phương cũng thiết lập và điều hành trung tâm tư vấn liên quan đến bạo lực gia đình cũng như các cơ sở bảo vệ nạn nhân. Đó có thể là các cơ sở bảo vệ ngắn hạn không quá 6 tháng hoặc các cơ sở bảo vệ dài hạn, trong đó cung cấp nơi cư trú thuận tiện cho các nạn nhân để họ tự sinh sống trong khoảng thời gian không quá 2 năm. Ngoài ra còn có các cơ sở bảo vệ cho các nạn nhân là người nước ngoài có vợ hoặc chồng là công dân Hàn Quốc và các nạn nhân là người khuyết tật trong thời gian cũng không quá 2 năm.
Chính quyền từ Trung ương đến địa phương sẽ trợ cấp một phần chi phí cho việc thành lập và điều hành các trung tâm tư vấn và cơ sở bảo vệ nói trên. Đặc biệt đối với các cơ sở bảo vệ nạn nhân là người khuyết tật, chính quyền sẽ hỗ trợ tài chính nhằm bảo đảm lắp đặt các thiết bị đạt tiêu chuẩn mà Bộ Bình đẳng giới đưa ra…
Tương tự như Luật Phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân, Luật về xử phạt tội phạm bạo lực gia đình năm 1997 cũng quy định nhà nước và các cơ quan quản lý địa phương phải có biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân; cho phép người phạm tội có thể tự thú hoặc có thể bị tố cáo bởi những người có quan hệ huyết thống. Để có thể nhanh chóng bảo vệ các nạn nhân, luật quy định khi có vụ việc bạo lực gia đình, cảnh sát đến hiện trường có quyền tạm thời cách ly hoặc cấm tiếp cận các đương sự. Luật cung cấp các phương tiện để nạn nhân có thể tự bảo vệ an toàn của bản thân, cho phép họ trực tiếp đến tòa án yêu cầu được bảo vệ. Những người vi phạm quy định bảo vệ, không chấp hành lệnh bảo vệ nạn nhân hoặc lệnh bảo vệ tạm thời nạn nhân có thể bị phạt nặng như phạt tù 3 năm hoặc nộp phạt với số tiền tương đương với 30.000 USD.
Ở lần sửa đổi này đối với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) của Việt Nam, tôi kỳ vọng Luật sẽ có những quy định bổ sung về nguyên tắc “An toàn cho người bị bạo lực là trên hết và người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình” trong xử lý, phòng, chống bạo lực gia đình; đảm bảo quyền của người bị bạo lực cần được bảo vệ chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt người bị bạo lực gia đình cần đảm bảo được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ toàn diện, miễn phí, nhanh chóng.
Cùng với đó, trong quy định về nội dung thông tin, truyền thông giáo dục kỹ năng ứng xử trong gia đình, phòng ngừa, xử lý bạo lực gia đình, nên quy định theo hướng khái quát, tránh việc liệt kê các nội dung, hành vi cụ thể, dẫn đến không đầy đủ hoặc chưa sát với thực tiễn; nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội. Đồng thời, bổ sung thêm quy định về các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục phù hợp với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo bao quát hết các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có thể được triển khai thực hiện…
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!