SỬA ĐỔI LUẬT DẦU KHÍ: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ TIÊU CHÍ LỰA CHỌN NHÀ THẦU

26/10/2022

Được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. Về nội dung lựa chọn nhà thầu, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, dự án Luật cần quy định cụ thể hơn về các tiêu chí như tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

Quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn nhà thầu

Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng: Rà soát quy định tại các điều 18, 19, 20 và 21 về các trường hợp áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí cụ thể, bảo đảm chặt chẽ, logic; Bỏ hình thức “lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt”; Bổ sung quy định tại Điều 17 về kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho một hoặc một số lô dầu khí thuộc danh mục lô dầu khí được phê duyệt để triển khai thực hiện việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Về điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, dự thảo Luật đã chỉnh sửa khoản 2 Điều 16 theo hướng quy định một trong những điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí là có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí, trường hợp tổ chức, cá nhân không đáp ứng điều kiện này thì phải liên danh với các tổ chức, cá nhân khác để có đủ điều kiện để tham gia đấu thầu. Quy định tại dự thảo Luật về năng lực hành vi dân sự đối với cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật của quốc gia mà cá nhân đó là công dân kế thừa quy định tại Nghị định số 95/2015/NĐ-CP, thuận lợi cho quá trình xác minh, xác nhận của cơ quan nhà nước ở nước ngoài đối với công dân của mình và phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Tham gia phát biểu ý kiến tại Hội trường về vấn đề lựa chọn nhà thầu, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, về điều kiện tham gia đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại Điều 16, cần nêu cụ thể về các tiêu chí đối với từng điều kiện về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Điều 16 quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thì được tham gia đấu thầu nhưng điều kiện để thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí quy định tại khoản 3 Điều 12 lại rất hạn chế, không cho cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí mà bắt buộc phải liên doanh với tổ chức có đủ điều kiện mới được thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí. Đại biểu đề nghị làm rõ lý do tại sao cá nhân không được thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí mà lại được tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký, kết hợp đồng dầu khí.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Về lựa chọn nhà thầu tại Chương III, Điều 16 đến Điều 25 quy định đều mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, do vậy đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, chi tiết hơn. Ví dụ về bảo đảm, Điều 25 trong dự thảo cần quy định rõ hơn về hình thức đảm bảo dự thầu, thời gian, hiệu lực của đảm bảo dự thầu, giá đảm bảo dự thầu cũng như việc hoàn trả đảm bảo dự thầu, v.v.. Tại khoản 2 Điều 25 có quy định việc hoàn trả lại tiền bảo đảm dự thầu, vấn đề đặt ra là nếu đảm bảo dự thầu bằng các hình thức khác không phải là tiền thì có được hoàn trả lại không? Nếu nhà thầu vi phạm quy định về đấu thầu thì có được hoàn trả đảm bảo dự phòng không?

Do quy định của luật còn mang tính nguyên tắc nên dự thảo luật còn có đến 26/69 điều còn giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định chi tiết và cụ thể hóa các quy định đã ổn định vào ngay trong dự thảo luật để thống nhất thực hiện.

Tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định về lựa chọn nhà thầu

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, dự thảo Luật không có quy định cụ thể đối với quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí mà chỉ có duy nhất quy định mang tính nguyên tắc trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí mà nhà thầu dầu khí, nhà đầu tư có nghĩa vụ phải thực hiện tại khoản 12 Điều 58.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định này chưa thể hiện được việc chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí vì dự thảo luật chưa có quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật không có quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ được thực hiện theo Luật Dầu khí. Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 1 của Luật Đấu thầu hiện hành đã có quy định rất rõ ràng việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Do đó, để không tạo khoảng trống giữa các quy định pháp luật hiện hành, đại biểu kiến nghị sửa đổi khoản 12 Điều 58, tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng, minh bạch, hiệu quả và ưu tiên ký kết các hợp đồng dịch vụ với tổ chức, cá nhân Việt Nam, báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.

Bên cạnh đó, đại biểu bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 4 như sau: việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí. Việc bổ sung này là cần thiết để khẳng định việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí sẽ áp dụng Luật Dầu khí, nhằm đảo bảo tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các luật dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế triển khai thực hiện dầu khí.

Đại biểu Trịnh Minh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đóng góp ý kiến

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trịnh Minh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, về nội dung dự thảo tại Điều 15 có quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định một cách cụ thể, chặt chẽ, tránh trường hợp sẽ lộ, lọt thông tin, vấn đề nào cần công khai, vấn đề nào chúng ta không công khai.

Về tiêu chí và phương pháp đánh giá lựa chọn nhà thầu, ở điểm a khoản 1 Điều 22 của dự thảo có quy định là năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ "tài chính" sau cụm từ "năng lực" để phù hợp với khoản 2 Điều 16 của dự thảo luật.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Đại Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, về tiêu chí và phương pháp đánh giá, lựa chọn nhà thầu. Tại điểm a khoản 1 Điều 22 dự thảo quy định về tiêu chí lựa chọn nhà thầu bao gồm năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Nhưng tại khoản 2 Điều 16 quy định tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí phải đáp ứng các điều kiện sau đây: có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí. Để phù hợp với nội dung tại khoản 2 Điều 16 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 22 của dự thảo luật như sau: tiêu chí lựa chọn nhà thầu bao gồm năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của nhà thầu trong hoạt động khai thác dầu khí, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất văn bản luật.

Hồ Hương