CHUNG TAY THAY ĐỔI NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XUẤT BẢN

11/10/2022

Tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ 5 giải pháp hướng tới ngành xuất bản tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, nhiều chuyên gia cho rằng cần sự chung tay của cơ quan, tổ chức để có sự thay đổi về nhận thức và hành động trong chuyển đổi số ngành xuất bản

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: 5 VẤN ĐỂ TRỌNG TÂM ĐỂ TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC NHIỆM VỤ CỦA NGÀNH XUẤT BẢN GIAI ĐOẠN CHUYỂN ĐỔI SỐ

5 giải pháp hướng tới ngành xuất bản tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra yêu cầu “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc”. Tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đó, cần quan tâm một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản nhằm mục đích phát triển ngành Xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển, khẳng định vị thế ngành Xuất bản Việt Nam trong khu vực. Căn cứ Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XV, nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản cần được hoàn thành vào năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu

Cho rằng đại diện các nhà xuất bản là những người am hiểu sâu sắc về ngành xuất bản, nghề xuất bản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tham gia nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan hữu quan phối hợp nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của các nhà xuất bản, trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội xem xét.

Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới tư duy quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp Hội in Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hoạt động xuất bản. Đặc biệt, cần tập trung hoàn thành xây dựng Quy hoạch cơ sở xuất bản trong nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, phấn đấu xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản được nhiều đầu sách hay, có giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia; xử lý tốt, hài hòa các mối quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản: giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; giữa định hướng tư tưởng với đáp ứng nhu cầu của độc giả; giữa xuất bản và văn hóa đọc; giữa xuất bản truyền thống và xuất bản theo xu hướng hiện đại.

Thứ ba, tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số thông qua việc tăng số lượng các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành xuất bản phẩm tham gia xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; đẩy mạnh liên kết giữa nhà xuất bản với cơ sở phát hành xuất bản phẩm, hình thành chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường; hiện đại hóa, nâng cao năng lực của các cơ sở in, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên khai thác dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud computing), Internet vạn vận (IOT) và trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchian)...; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số trên từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

Thứ tư, phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm trên cơ sở hạ tầng của hệ thống bưu chính, viễn thông, trước mắt là hệ thống điểm bưu điện thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; tăng cường đưa sách đến với bạn đọc tại các địa bàn xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ tạo sự gắn kết giữa các cơ sở phát hành với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, logistics; phát triển thị trường xuất nhập khẩu sách, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, hội chợ triển lãm xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; tổ chức đưa Ngày sách và văn hóa đọc hằng năm trở thành Ngày hội văn hóa đọc của bạn đọc trong nước và đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc trên cơ sở kết hợp giữa các Hội sách truyền thống và Hội sách trực tuyến, qua đó, tiếp tục thúc đẩy văn hóa đọc và lan tỏa tri thức đến với bạn đọc và Nhân dân.

Chung tay thay đổi nhận thức và hành động cho chuyển đổi số ngành xuất bản

Đồng tình với nhận định của Chủ tịch Quốc hội, nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số ngành xuất bản là việc hết sức cần thiết nhằm góp phần lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp bởi sách có thể đến gần hơn với bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa. 

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế chung của thế giới. Sau đại dịch, xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam cũng đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng đầu sách cũng như doanh thu bán sách. Đặc biệt, Hội sách trực tuyến quốc gia và sàn giao dịch sách trực tuyến Book365.vn cũng như các trang thương mại điện tử đã đáp ứng nhu cầu của bạn đọc ở những nơi xa trung tâm, giúp họ tiếp cận nhiều đầu sách mới và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu khả quan, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng còn nhiều điểm hạn chế như: Việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm; hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản; chưa có nhiều những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản…

Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Khắc Lịch cho rằng cần có hành lang pháp lý đồng bộ để có thể chuyển đổi số toàn diện. Cụ thể, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện chuyển đổi số trong nội bộ đơn vị xuất bản, chuyển đổi số trong kinh doanh xuất bản phẩm để phát triển kinh tế số…

Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại diện nhiều đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm cho rằng thách thức lớn đối với những người làm xuất bản điện tử hiện nay là vấn đề vi phạm bản quyền và chi phí đầu tư cho công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Hai thách thức này có liên quan mật thiết với nhau. Các đơn vị xuất bản cần đầu tư vào công nghệ để có những sản phẩm chất lượng vượt trội hơn so với những sản phẩm sao chép trên các trang web ‘lậu’. Về khó khăn trong đầu tư, một số nhà quản lý đề xuất giải pháp rằng các đơn vị cần có sự phối hợp chia sẻ dữ liệu, dùng chung nền tảng để tiết kiệm chi phí.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số.

Minh Hùng

Các bài viết khác