TỔNG THUẬT SÁNG 10/10: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 16 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

10/10/2022

2051 lượt xem

8h00 ngày 10/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội…

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀ NGÀY CÀNG PHẢI LÀM TỐT HƠN

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 16 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 

Theo đó, ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiếm về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2022.

11h15: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận Phiên họp 

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sáng nay đã có 7 ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 4 ý kiến của đại diện cơ quan dự rất cụ thể. Các ý kiến chủ yếu tham gia vào Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Báo cáo của Ban Dân nguyện. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; cho rằng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực, chủ động tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. 

Đối với các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bám sát ý kiến, kiến nghị cử tri và lựa chọn các kiến nghị sát với tình hình thực tiễn cho công tác giám sát và tổ chức thực hiện sau này. Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm trí tuệ, công sức và tổng hợp thêm báo cáo của các các Đoàn đại biểu Quốc hội để đánh giá kỹ, sâu sắc hơn các nội dung trong dự thảo báo cáo … 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hôm nay, đề nghị các cơ quan bổ sung các nội dung để báo cáo cô đọng hơn, nhất là việc thống nhất các số liệu, ý kiến kiến nghị của cử tri. Đồng thời, bổ sung các danh mục kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ 3, kiến nghị nào đã trả lời được, kiến nghị nào chưa trả lời được… Bên cạnh đó, bổ sung thêm các nội dung về giải ngân, tình trạng các doanh nghiệp thành lập mới, sự kỳ vọng của cử tri vào chuyên đề giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vấn đề giá xăng dầu, việc doanh nghiệp chờ giá vật liệu…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sắp xếp các kiến nghị đúng với tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 6, đặc biệt là các kiến nghị về tiền lương, kiến nghị về rà soát, đề xuất, kiến nghị tổng kết Nghị quyết 29 về đổi mới chương trình giáo dục, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các báo cáo của Ban Dân nguyện, nhất là Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2022. Các báo cáo đã bao quát toàn diện, có số liệu dẫn chứng rõ ràng, đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, phù hợp; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan, bộ, ngành trong việc phối hợp với Ban Dân nguyện hoàn thiện các báo cáo. Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa Ban Dân nguyện, các bộ, ngành, nhất là của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, các cơ quan khác đề nghị thống nhất cách thức trả lời và thống kê vào báo cáo cho phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trên cơ sở kết quả phiên thảo luận này, Ban Dân nguyện tiếp thu và hoàn chỉnh báo cáo để trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Trong đó, bổ sung nguyên nhân, giải pháp để giải quyết các kiến nghị kéo dài nhiều năm; nguyên nhân, giải pháp để thực hiện các kiến nghị trong xử lý của các cơ quan tư pháp; kiến nghị vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu để xử lý việc trùng lắp của các Đoàn đại biểu, các địa phương tổng hợp…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành trong điều kiện công việc rất nhiều, sức phức tạp nhưng vẫn quan tâm giải quyết kịp thời, cơ bản, đúng thời hạn kiến nghị của cử tri và xem xét các khiếu nại, tố cáo của công dân. Tuy nhiên, cũng có một số nơi, một số việc còn còn tồn đọng. Tính đến ngày 5/10/2022 còn 469 kiến nghị chưa trả lời chiếm 17,8 %, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục khẩn trương giải quyết, trả lời đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm bắt, giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài có nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố theo dõi và giám sát việc giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài ở địa phương. Trên cơ sở đó đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giám sát chuyên đề về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

11h12: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện báo cáo để bảo đảm ngắn gọn, súc tích. Đồng thời cho biết sẽ tiếp tục rà soát ý kiến của các cơ quan hữu quan và có các buổi làm việc để thống nhất các nội dung, số liệu, nhận xét đánh giá, kiến nghị, đề xuất bảo đảm chất lượng báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

11h09: Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu: Tiếp tục hoàn thiện báo cáo đạt chất lượng cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, rà soát, nghiên cứu, bổ sung, cập nhật các số liệu, các cách trình bày đảm bảo đầy đủ, chính xác, toàn diện, đặc biệt, sẽ tiếp tục cập nhật Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 vừa qua.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, báo cáo được xây dưng dựa trên tổng hợp ý kiến của 54 báo cáo của Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, kết hợp với nghiên cứu, chắt lọc qua các phương tiện truyền thông đại chúng, lấy ý kiến người dân. Với những nội dung, số liệu, sự kiện, đều có căn cứ rõ ràng, cụ thể.

Sau phiên họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lắng nghe ý kiến của các cơ quan có liên quan như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, hoàn chỉnh báo cáo ở chất lượng cao nhất để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

11h04: Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh giải trình về khoảng cách của khu dân cư với các công trình điện gió.

Giải trình về Thông tư 04 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết Thông tư này mới ban hành tháng 1/2022. Bộ Công thương cũng nhận được phản ánh của cử tri cũng như Sở Công thương các tỉnh, Bộ cũng tiếp thu và dự kiến sẽ sớm sửa đổi thông tư này phù hợp với quy định của pháp luật. 

Về khu dân cư tại các dự án điện gió, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết Thông tư 02/2019 của Bộ Công thương đã quy định vấn đề này và đang áp dụng được 3 năm. Các công trình điện gió đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng  chỉ có tỉnh Bến Tre phản ánh vướng mắc này. Theo đó, Điều 11 của thông tư quy định công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 mét. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Thông tư này thì cũng góp phần cụ thể hóa các điều khoản của Luật Xây dựng và Luật Đất đai (phải bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân; các công trình không lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung). Đặc biệt, Luật đất đai nêu các công trình không được làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh...

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, khi thiết kế Thông tư 02/2019, Bộ Công thương đã quy định công trình điện gió phải cách xa khu dân cư ít nhất là 300 m, đây cũng là một bước cụ thể hóa các quy định trong Luật Xây dựng cũng như Luật Đất đai để bảo đảm các công trình điện gió không gây ảnh hưởng quá to lớn đến khu dân cư. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã đề nghị làm rõ khái niệm khu dân cư, tuy nhiên Bộ Công thương cũng không thể hướng dẫn thế nào là khu dân cư theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các tỉnh - cơ quan có quyền quyết định những vấn đề kinh tế quan trọng ở địa phương. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố nên là cơ quan quyết định như thế nào là khu dân cư, trên cơ sở đó các công trình điện gió sẽ tuân thủ các quy định này của Bộ Công thương.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng nêu cách xử lý khác đó là Bộ Công thương sẽ xóa bỏ quy định này trong thông tư và áp dụng theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Đất đai hiện hành…

10h58: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Bộ Xây dựng đã nghiêm túc trả lời đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng Báo cáo của Ban Dân nguyện đã rất chi tiết, đầy đủ. Riêng về nội dung liên quan đến nhận định Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh còn chung chung, chưa cụ thể các giải pháp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh giải trình, liên quan đến các kiến nghị này, Bộ Xây dựng đã rất nghiêm túc trả lời đầy đủ, đúng thời hạn. Việc trả lời như vậy là do câu hỏi kiến nghị gửi đến cũng chung chung. Bên cạnh đó, sau khi nhận văn bản trả lời của Bộ, cử tri thành phố Hồ Chí Minh cũng không có phản hồi gì. 

Tuy nhiên, ngau sau khi nhận được ý kiến của Ban Dân nguyện, Bộ xây dựng  đã tiếp thu và ngay lập tức có bổ sung cụ thể hơn trả lời kiến nghị cử tri về vấn đề này. Do vậy, đề nghị Ban Dân nguyện và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc lại đánh giá này trong Báo cáo.

10h53: Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Tăng cường phối hợp, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phí và lệ phí

Đối với việc giải quyết kiến nghị cử tri, khiếu nại tố cáo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi bày tỏ đồng tình với báo cáo và phát biểu của các đại biểu. Liên quan đến việc ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp đối với phí thẩm định đồ án quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thu nộp, Bộ Tài chính đã khẩn trương đề xuất với Bộ Xây dựng xây dựng đề án để Bộ Tài chính thẩm định, ban hành thông tư theo quy định. Dự kiến, trong tháng 10 này, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện đề án.

Liên quan đến kiến nghị về việc thu phí, lệ phí đối với việc thực hiện đề án đóng cửa mỏ trong Luật Khoáng sản. Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định để đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, Luật Phí là lệ phí lại không quy định loại phí này, Bộ không được phép đề ra khoản phí ngoài luật định. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường để điều chỉnh nội dung này cho phù hợp với quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

10h44: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Quan tâm hơn tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh

Bày tỏ đồng tình, thống nhất với 2 dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện trình bày tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng các cơ quan đã chuẩn bị các báo cáo một cách công phu, kỹ lưỡng.

Cho biết, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành để phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là hỗ trợ đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, một số nội dung còn đang chậm triển khai như về giải ngân vốn đầu tư công, gói tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ rõ, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, thiếu quy định về trần lãi suất, có những khoản vay lãi suất cao, siết room tín dụng…doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cả về lãi suất cả về tiếp cận nguồn tín dụng. Đây là những vấn đề được nhiều doanh nghiệp phản ánh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần làm rõ hơn trong báo cáo; cùng với đó là đánh giá về môi trường đầu kinh doanh của nước ta cũng cần được quan tâm.

10h38: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm: Cần có giải pháp cụ thể giải quyết các vấn đề cấp thiết của đồng báo dân tộc thiểu số, miền núi

Tham gia đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị bổ sung, cập nhật số liệu về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng báo dân tộc thiểu số miền núi.

Đồng tình với những đánh giá về một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là trong thực hiện chính sách đối với đồng bảo dân tộc thiểu số, miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, qua khảo sát thực tế, phản ánh của cử tri, Hội đồng Dân tộc thấy rằng hiện nay việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn thách thức. Hiện nay nhiều xã ở vùng khó khăn lại chưa thuộc diện hỗ trợ bảo hiểm y tế, dẫn tới tỷ lệ được hỗ trợ bảo hiểm y tế giảm xuống. Tuy địa phương đạt tiêu chí nông thôn mới nhưng đời sống người dân chưa được nâng cao, chưa thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng có nhiều yếu tố cần xem xét đánh giá thêm… 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết, ở các địa phương miền núi, còn có tình trạng thiếu giáo viên, ddể thực sự dạt yêu cầu về chất lượng, số lượng thì cần đầu tư bổ sung thêm. Ngoài ra, ở vùng biên giới, có tình trạng thanh niên di chuyển xa khỏi nơi cư trú, để làm việc tại các khu công nghiệp, đô thị, lại khoảng trống tương đối lớn ở địa phương, khó đáp ứng được nguồn lao động tại chỗ, cũng làm ảnh hưởng đến an ninh và tình hình phát triển kinh tế ở các khu vực này. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung nội dung này trong báo cáo để từ đó đề xuất giải pháp cụ thể thu hút đầu thư, tạo việc làm tại địa phương để giải quyết vấn đề này.

10h24: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Nêu bật những vấn đề dư luận, cử tri, Nhân dân quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản đồng tình với các ý kiến góp ý vào báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV và các báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2022.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, mỗi kỳ họp, Nhân dân, cử tri rất mong đợi báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do vậy, việc xây dựng báo cáo cần chắt lọc từng dòng, từng chữ, từng câu để nêu được các vấn cử tri quan tâm liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, báo cáo cần nêu thực trạng nổi bật hiện nay về những tồn tại, khó khăn của đất nước và cử tri, Nhân dân phản ánh, đặc biệt nêu bật các kiến nghị trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới cần được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các địa phương quan tâm, xử lý.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, việc xây dựng báo cáo cần nêu bật vấn đề dư luận xã hội, cử tri, Nhân dân quan tâm, nhưng phải điển hình, chính xác, “nói có sách mách có chứng”, có số liệu chứng minh. Dung lượng nội dung báo cáo phải thể hiện đúng tiếng nói của cử tri và Nhân dân. Báo cáo thể hiện rõ hơn về bức xúc của cử tri, Nhân dân về tình trạng công trình chậm tiến độ, đất hoang hóa, gây lãng phí lớn cho Nhà nước, tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống Nhân dân, các vấn đề xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều cử tri, Nhân dân lo ngại, bức xúc về tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh của ngành y tế, giải ngân vốn đầu tư công. Việc đưa vào báo cáo tránh trùng lắp, một số vấn đề đưa vào báo cáo đã thực sự là điển hình đó là tình trạng ngân hàng thương mại ép mua gói bảo hiểm khi làm thủ tục vay, các vấn đề nhận định về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới… 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý một số nhận định trong dự thảo Báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV cần được diễn đạt sát nghĩa, có thể rút ngắn gọn, tránh dàn trải.

Đối với các kiến nghị trong báo cáo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cần nghiên cứu, chắt lọc lựa chọn các kiến nghị mang tính thời sự, đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân thông qua kênh của Đoàn Chủ tịch, ý kiến của Nhân dân qua hệ thống Mặt trận, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố gửi về.

10h 17: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Bổ sung, làm rõ các nội dung Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại phiên khai mạc của Kỳ họp Quốc hội sẽ có Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế liên quan đến các vấn đề về chậm giải ngân đầu tư công và các chương trình phục hồi phát triển kinh tế- xã hội; chậm triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Do vậy, hai cơ quan cần phải phối hợp, để đảm bảo hống nhất về thông tin, số liệu.

Bên cạnh đó, trên tinh thần kết quả của Hội nghị Trung ương 6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bổ sung thêm bên cạnh thực tế doanh nghiệp giúp lui khỏi thị trường tăng cao, nhưng cũng cần phản ánh luôn thực tế các doanh nghiệp thành lập mới cũng nhiều, để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện, phản ánh đúng lên tình hình thực trạng của doanh nghiệp. 

Liên quan đến nội dung về cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ, Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên (môi trường kinh doanh, môi trường làm việc, sự cạnh tranh giữa khu vực công và khu vực tư). Đồng thời đánh giá lại mặt tích cực và tiêu cực của thực trạng này. 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng về sắp tới là các cái dự án theo, các quy hoạch treo sẽ được giải quyết, được xử lý. Báo cáo cũng cần cụ thể hơn về các nội dung về việc giám sát chuyên đề về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021…

9h55: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Xây dựng cơ sở dữ liệu về giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình, đánh giá cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chuẩn bị báo cáo đầy đủ, chi tiết, ngoài nội dung đánh giá chung đã đề cập đến 5 nhóm nội dung cử tri quan tâm, gồm các vấn đề về phát triển kinh tế- xã hội, các vấn đề xã hội, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống dịch bệnh cũng như công tác dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng tình với nhiều nội dung của báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, bố cục báo cáo rất đầy đủ, tuy nhiên một số nội dung tương đối dàn trải, cần chỉnh sửa để đảm bảo cô đọng và khái quát hơn nữa. Một số nội dung liên quan đến dịch bệnh Covid-19, cần rà soát lại để đưa về một mục chung thống nhất, tránh tản mát, dàn trải, xen kẽ với các nội dung khác.

Với chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức tại xã đảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần rà soát, bổ sung thêm các văn bản pháp luật vào báo cáo để đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý với các xã đảo trên cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, pháp luật chưa có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ cho người dân, cán bộ ở các xã đảo, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, cụ thể về chính đầu tư, chế độ bảo hiểm y tế… các chính sách cụ thể khác đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức tại xã đảo, để giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân ở các vùng này.


Về việc xem xét, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều kiến nghị ở các địa phương khác nhau trùng lắp về nội dung, câu trả lời của các cơ quan chỉ gửi riêng cho địa phương đó dẫn đến bất cập. Từ thực tế trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu xây dựng một cơ sở dữ liệu về giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, trong đó tập hợp đầy đủ các phần trả lời kiến nghị của các cơ quan, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội để cử tri, nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm, thông tin về những vấn đề liên quan đến kiến nghị của mình.

Đánh giá công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng công tác này đang đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua, tuy nhiên, kết quả trả lời đơn thư kiến nghị của cửa tri do Ban Dân nguyện gửi đến các Bộ, ngành còn chưa cao, cần phân tích rõ nguyên nhân, bổ sung hoàn thiện báo cáo, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nâng cao hiệu lực giám sát của Quốc hội.

9h48: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới: Làm rõ hơn những vấn đề nổi lên được cử tri và Nhân dân quan tâm

 

Cho ý kiến về báo cáo ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV,  Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, báo cáo có đánh giá tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc do tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống. Theo  Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, các nguyên nhân được đưa ra này chưa hoàn toàn đầy đủ và không hợp lý do đây là phần về kiến nghị cử tri.

Góp ý về đánh giá tình hình trật tự an toàn xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh ghi nhận nội dung đánh giá sát thực tế, song cho rằng bên cạnh đánh giá tổng thể cần làm rõ những vấn đề nổi lên được cử tri và Nhân dân quan tâm như tội phạm lừa đảo và đánh bạc trên không gian mạng; các vụ cháy nghiêm trọng tại các quán karaoke; tình hình trật tự an toàn giao thông, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri cho thấy đầu vào sản xuất của người nông dân rất bấp bênh, giá cả tăng cao, đầu ra sản xuất còn phụ thuộc vào thương lái, giá cả thị trường khiến cho đời sống của người nông dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ngoài ra còn vấn đề thiếu thuốc, thiếu thuốc trong bảo hiểm y tế của người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm hơn về những vấn đề này. 

9h26: Phiên họp nghỉ giải lao

9h17: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Làm rõ trách nhiệm theo dõi, giải quyết các kiến nghị của Nhân dân

Góp ý vào báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, về kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo giải quyết các kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ Nhất, Kỳ họp thứ 2 nhưng chưa được xem xét, cần làm rõ danh mục kiến nghị, công việc cụ thể, xác định đúng cơ quan, đơn vị mang trách nhiệm theo dõi, giám sát, giải quyết. 

Về kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung: kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Đảng, Nhà nước, các cơ quan, các ngành, các cấp chủ động có giải pháp ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay do tác động của bối cảnh thế giới, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng và bao trùm, cần được trình bày trước các kiến nghị khác.

Đối với các nội dung về tăng lương cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cập nhật kết luận của Trung ương trong Hội nghị, đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, về nội dung kiến nghị hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có kiến nghị cụ thể đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một dự án Luật quan trọng, là trọng tâm nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ.

9h11: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu điều hành nội dung thảo luận

Mở đầu nội dung thảo luận, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận vào các báo cáo được trình bày tại Phiên họp. Đối với dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến xem nội dung báo cáo đã đầy đủ, toàn diện, bao quát các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm hay chưa, để Đoàn Chủ tịch Trung ương hoàn chỉnh và trình bày báo cáo này tại phiên Khai mạc của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Báo cáo nêu năm nhóm vấn đề tin tưởng và đánh giá cao; sáu nhóm vấn đề băn khoăn và lo lắng; năm kiến nghị cụ thể của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngoài những nội dung đã được nêu trong báo cáo, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể, các bộ, ngành cũng giải trình thêm về tình trạng một số bộ, ngành trả lời không đúng thời gian theo quy định, như Y tế, Giáo dục, Lao động Thương binh xã; Có một số nơi trả lời nội dung chung chung như trả lời của Bộ Xây dựng về công tác kiểm tra, cấp phép xây dựng; Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa giải quyết kịp thời nên một số kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết như: việc ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thẩm định các đồ án quy hoạch; Một số văn bản quy định của cơ quan thẩm quyền  chưa rõ, gây khó khăn cho thực hiện như: Thông tư 02 của Bộ Công thương về khái niệm khu dân cư khó áp dụng, quy định về số ngày công của từng chức danh, nội dung công việc tại Thông tư liên tịch số 55 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học, công nghệ; Kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết do vướng mắc và thiếu thống nhất các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật như: việc phê duyệt cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm theo Thông tư 04 của Bộ Công thương, quy định giao Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, quản lý, sử dụng phí thẩm định để đóng cửa mỏ và nghiệm thu đề án đóng cửa mỏ….

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là những vấn đề nổi lên qua giám sát.. đề nghị Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về nội dung này... 

Về báo cáo Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022. Theo đó, trong kỳ báo cáo từ 1/8/2021 đến 31/7/2022 số lượt người đến khiếu nại, tố cáo, tăng 14% (đơn khiếu nại, tố cáo giảm nhưng số lượt người đến tăng).

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những tồn tại chung nhất đối với các bộ, ngành cũng như địa phương đó là thông tin việc giải quyết, trả lời đến các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, đến kỳ báo cáo, có 1.653 vụ việc/4.200 vụ việc chưa nhận được văn bản trả lời; Còn tình trạng nhiều vụ phức tạp, kéo dài được dư luận xã hội quan tâm chưa được giải quyết; Trong lĩnh vực tư pháp, công tác kiểm soát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện Kiểm sát nhân dân đối với Tòa án ít được thực hiện, chủ yếu là đối với các cơ quan điều tra, các cơ quan thi hành; Về trật tự an toàn, an ninh, an toàn tự xã hội và những vấn đề Nhân dân, cử tri quan tâm…

8h41: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2022

Trình bày các Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; bày tỏ sự quan tâm, kỳ vọng cao về các nội dung được Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6; về những nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Đồng thời, bày tỏ sự lo lắng về tình trạng lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại một số địa phương; tình hình dịch bệnh do virus Adeno diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cao; tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh niên, thiếu niên và việc thanh niên thiếu việc làm sau Covid-19; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương…

Về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội trước và sau Kỳ họp thứ 3, 82,2% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời. Các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 62/62 kiến nghị cử tri được gửi đến. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực, chất lượng quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, giải đáp đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 9/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng trước. Trong kỳ báo cáo năm 2022, so với cùng kỳ năm trước, tăng 14% lượt người và tăng 15,07% vụ việc. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (thứ 2 từ trái sang) tại Phiên họp 

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực, chủ động tổ chức, thực hiện hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thông qua hoạt động thẩm tra các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền; đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật. Một số cơ quan thực hiện giám sát vụ việc cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội giao…

Trên cơ sở nội dung báo cáo, Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri, đảm bảo tiến độ gửi báo cáo tổng hợp theo quy định; tăng cường thực hiện tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, lựa chọn và có kế hoạch giám sát chuyên đề theo lĩnh vực phụ trách trong chương trình hoạt động năm 2023, trong đó có lồng ghép giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quan tâm, theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai, thực hiện các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, những vấn đề bức xúc trong xã hội được cử tri và Nhân dân quan tâm đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại Báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng; xem xét, giải quyết các vụ việc cụ thể đã được đề cập trong báo cáo; thực hiện tốt kế hoạch phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV…

8h30: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cử tri đánh giá cao các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo nhất quán, thực hiện quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Đặc biệt là ngay trước Kỳ họp Quốc hội lần này, Trung ương đã họp Hội nghị lần thứ sáu để thảo luận, ra Nghị quyết về những nội dung lớn, rất cơ bản và quan trọng, liên quan đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đến các vấn đề quốc kế, dân sinh lâu dài, có tính chiến lược vĩ mô.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự nghiêm túc và trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau Kỳ họp thứ 3 đến nay. Hầu hết kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành tiếp thu, xem xét để trả lời hoặc chỉ đạo giải quyết có hiệu quả thiết thực. Đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm trong nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của lãnh đạo Chính phủ và các bộ trưởng trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, cử tri và Nhân dân ghi nhận và đánh giá rất cao thành công tốt đẹp, kết quả và ý nghĩa của Diễn đàn phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do Quốc hội chủ trì tổ chức, đã gợi mở nhiều định hướng chiến lược để tiếp tục duy trì ổn định, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Cử tri và Nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết.

8h28: Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu điều hành nội dung thảo luận.

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, toàn bộ thời gian buổi sáng ngày 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tham gia và cho ý kiến về các Báo cáo: Tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV; Cho ý kiến về 3 báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.

8h02: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc và định hướng nội dung Phiên họp 16

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là phiên họp cuối của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 3 ngày làm việc, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến và quyết định một số vấn đề quan trọng sau đây:

Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2022; dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, trong đó có nội dung phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn 3 năm giai đoạn 2023-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần và kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đồng thời nắm bắt thực tiễn ở các địa phương và chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia trong từng ngành và lĩnh vực để cho ý kiến đánh giá sâu sắc về vấn đề này.

Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tham gia cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nội dung này sẽ được kết hợp với việc xem xét kết hợp với việc xem xét cho ý kiến đối với Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9.

Nhóm vấn đề thứ ba là một số nội dung Chính phủ đề xuất bổ sung phát sinh từ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường kỳ của tháng 9/2022 đến nay gồm: việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, kết quả về công tác thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh và ứng xử đối với thời hạn của Nghị quyết này. Về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đề nghị cho tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 54 này đến hết năm sau.

Về báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội. Cùng với đó, Chính phủ kiến nghị đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho một số các dự án BOT.

Về mội số nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Kỳ họp thứ 4 và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về bộ nhận diện của Quốc hội mới. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào kết quả phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về lần cuối đối với nội dung chương trình của Kỳ họp thứ 4.

Nhấn mạnh, thời gian làm việc của phiên họp này chỉ có 3 ngày, những nội dung hết sức quan trọng, có những việc rất hệ trọng, khó, có những việc cũng chưa có tiền lệ, như là việc xử lý về BOT, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, khí thế như các phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến liên tục, sôi nổi; đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan bố trí tham gia theo thẩm quyền, theo chức trách được giao, để đảm bảo cho phiên họp hoàn tất nội dung và thành công tốt đẹp, chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ 4.

8h00: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tiếp theo thành công của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 16 trong thời gian 03 ngày để xem xét 11 nội dung, cho ý kiến bằng văn bản 03 nội dung khác. Chương trình chi tiết của Phiên họp, các nội dung cụ thể và tài liệu đã được gửi tới các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu khách mời.

Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp 

Khách mời tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu; lãnh đạo, đại diện các cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác