THIẾU TƯỚNG TỐNG VIẾT TRUNG: CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KỸ HƠN KHI MỞ RỘNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ ĐẾN TẤT CẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

10/10/2022

Đóng góp ý kiến vào Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Thiếu tướng Tống Viết Trung - Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng đề xuất có đánh giá tác động kỹ hơn khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến tất cả hoạt động của đời sống xã hội để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử.

CÂN NHẮC MỞ RỘNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ RA NHIỀU LĨNH VỰC TRONG ĐỜI SỐNG KINH TẾ-XÃ HỘI

Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng đề cập đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cụ thể.


Thiếu tướng Tống Viết Trung - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng.

Thay mặt Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, đóng góp ý kiến vào Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Thiếu tướng Tống Viết Trung - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng nhấn mạnh: Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Liên Hiệp Quốc. Đây được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã cùng các luật liên quan tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dân sự, kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của cơ quan nhà nước.

Thời gian qua, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã và đang bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần thiết sửa đổi, đặc biệt là vấn đề đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, loại trừ không áp dụng Luật Giao dịch điện tử cho một số lĩnh vực quan trọng.

Trước bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát trong tất cả các hoạt động của đời sống xã hội; phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế. Vì vậy, việc ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là cần thiết.

Thiếu tướng Tống Viết Trung cho biết, ngày 29/4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản số 1621/BTTTT-QLDN về việc xin ý kiến về dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) của các Bộ, ngành, địa phương. Điểm mới của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là mở rộng phạm vi điều chỉnh; tạo hành lang pháp lý trong giao dịch điện tử, sử dụng các công cụ điện tử trong các giao dịch; điều chỉnh các nội dung quan trọng như chữ ký số, chứng thư số, hợp đồng điện tử, thông điệp điện tử... Đây là những nút thắt mà khi được tháo gỡ sẽ tạo ra những tác động tích cực đối với mọi mặt đời sống xã hội nói chung và nền thương mại điện tử, kinh tế số nói riêng. Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu và tham gia ý kiến góp ý bằng văn bản số 1613/BQP-BTL86 ngày 26/5/2022, trong đó đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, điều chỉnh nội dung tại 11 Điều (Điều 1; 2; 10; 12; 22; 31; 32; 38; 42, 43; 77). Các ý kiến đều được Bộ Thông tin và Truyền thông giải trình, tiếp thu.

Tại Phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ số 212/PLYK/2022 ngày 15/7/2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã biểu quyết chọn Phương án 1 (mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đến tất cả các hoạt động của đời sống xã hội). Để dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tiếp tục được hoàn thiện, ban hành đi vào đời sống phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, thay mặt Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Thiếu tướng Tống Viết Trung đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đánh giá tác động kỹ hơn khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến tất cả các hoạt động của đời sống xã hội để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu loại bỏ tối đa sự trùng lặp, chồng chéo giữa dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các luật khác (Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Viễn thông, Bộ Luật dân sự, Luật Căn cước công dân;...); nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm từ các bộ luật tương tự tại các nước phát triển có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng và phát triển hơn (Singapore, Thái Lan, Nhật Bản...). Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục nghiên cứu, đưa vào dự thảo Luật các nội dung điều chỉnh, quản lý các mô hình, loại hình tài sản số, hình thức giao dịch mới liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây theo đà phát triển của công nghệ (tài sản NFT - Nonfungible token - tài sản không thể thay thế; DeFi - Decentralized Finance - tài chính phi tập trung; Metaverse - Thế giới ảo...)./.

Bích Lan