ĐỀ XUẤT XEM XÉT LẠI VIỆC BẢO ĐẢM ỔN ĐỊNH QUY HOẠCH ĐẤT NÔNG NGHIỆP ĐÃ TẬP TRUNG

09/10/2022

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới. Đưa ra quan điểm đối với dự án Luật, ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất xem xét lại việc bảo đảm ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tập trung để đảm bảo định hướng sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất nông nghiệp.

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: KỲ VỌNG LỚN CỦA CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP

PGS.TS NGUYỄN THỊ NGA: 07 NHÓM VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM CẦN LƯU Ý KHI SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10/2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên,  cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).


Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới (ảnh: Internet).

Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau hơn 8 năm thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tiễn. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; nguồn lực về đất đai trong thời gian qua thiếu vắng của thị trường đất đai minh bạch, rõ ràng đã tác động xấu, làm méo mó quá trình đô thị; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Thực tế những năm qua, các kiến nghị, khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại.

Trước những bất cập nêu trên, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 với kỳ vọng dự luật có thể giải quyết được những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay. Ngoài ra, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” với 05 Quan điểm; xác định 3 mục tiêu tổng quát và 6 mục tiêu cụ thể và 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi. Đây là định hướng chính trị quan trọng trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương.

Đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Đất đai là tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, tài sản vô cùng quý giá, diện tích đất đai hầu như không tăng, trong khi nhu cầu sử dụng đất đai ngày càng gia tăng. Ruộng đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, chủ yếu, chưa thể thay thế trong sản xuất nông nghiệp, gắn liền với nông dân, nông thôn. Tích tụ, tập trung ruộng đất được coi là một trong những giải pháp đột phá khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiện đại; đồng thời  phải phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của nước ta và mục tiêu nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Sau Đổi mới đất nước (năm 1986), nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo bước đột phá trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, phát huy tiềm năng đất đai, giải phóng năng lực sản xuất, đưa nền nông nghiệp nước ta phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ Luật Đất đai năm 1987 đến Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý, sử dụng hiệu quả ruộng đất, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phục vụ cơ câu lại nông nghiệp... Những chủ trương, chính sách đúng đắn đó đã tạo bước chuyển biến lớn trong tổ chức sản xuất nông nghiệp. Mở rộng diện tích, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản; nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp của hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp vẫn còn những hạn chế, vướng mắc sau:

Thứ nhất: Quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất diễn ra chậm, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu dựa vào nông hộ quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp đã làm chậm nhịp độ phát triển của ngành nông nghiệp. Đến 01/7/2020, cả nước có trên 9,1 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm 99,84% tổng số đơn vị sản xuất nông nghiệp. Theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, bình quân 1 hộ sử dung đất nông nghiệp chỉ đạt 5.805 m2/hộ; 36% số hộ có quy mô sử dụng đất nông nghiệp dưới 0,2 ha; 26,95% số hộ có quy mô từ 0,2 ha đến 0,5 ha, hộ sử dụng 5,0 ha trở lên chỉ chiếm 2,3%; hộ trồng cây hằng năm dưới 0,2 ha chiếm 44,6%, hộ trồng lúa dưới 0,2 ha chiếm đến 53,7%, hộ nuôi trồng thủy sản dưới 0,2 ha chiếm 73,1%, hộ trồng cây lâm nghiệp có diện tích dưới 3 ha chiếm 82,3%. Đến 01/7/2020, số hộ sử dụng dưới 0,2 ha chiếm 42,67% tổng số hộ sử dụng đất nông nghiệp; số hộ sử dụng trên 2 ha chỉ chiếm 5,95%. Cả nước có 20.611 trang trại, chiếm 0,23% tổng số hộ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; bình quân 1 trang trại sử dụng 5,96 ha đất, chỉ tăng 0,76 ha so với năm 2016; có 4,43 lao động  thường xuyên/trang trại.

Thứ hai: Hợp tác xã nông nghiệp là tổ chức, nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy liên kết, hợp tác, tập trung ruộng đất sản xuất hàng hóa nông sản trong nông nghiệp, nông thôn chậm phát triển. Kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã có sự phát triển về lượng và chất, nhưng số lượng thành viên giảm, chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Phần lớn HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh rất hạn chế.

Thứ ba: Doanh nghiệp nông nghiệp là trung tâm của chuỗi giá trị nông sản, chưa thực sự trở thành “đầu kéo” hỗ trợ các chủ thể sản xuất nông nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất bền vững, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất. Phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tổ chức liên kết hợp tác sản xuất với nông dân, hợp tác xã còn hạn chế.

Nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc về tích tụ, tập trung đất đai, theo ông Nguyễn Văn Tiến, về cơ bản Điều 163 của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập tập trung đất nông nghiệp và Điều 164 về tích tụ đất nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu trong thực tiễn, phù hợp với các quy định của Hiếp pháp và sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên, tại Điều 163 về Tập trung đất nông nghiệp, nguyên tắc tập trung đất nông nghiệp, đề nghị đưa điểm c lên đầu tiên, thành: Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và các pháp luật khác có liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, dân chủ, công bằng; Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân có liên quan; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; Phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Văn Tiến nhất trí với 3 phương thức tập trung đất nông nghiệp gồm: Dồn điền, đổi thửa; Thuê quyền sử dụng đất; Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung. Tuy nhiên, cần sửa lại câu là: Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Trong thực tiễn, liên kết hợp tác sản xuất giữa các hộ nông dân để sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường trong một giai đoạn, thời kỳ nhất định với quy mô không lớn, nên không nhất thiết phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước. Vì vậy nên cân nhắc quy định: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định. Trường hợp trong phương án sử dụng đất có thay đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp thì phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất về phương án hoàn trả đất nông nghiệp sau khi đã tham gia tập trung đất đai. Trường hợp tập trung đất nông nghiệp mà phải điều chỉnh lại quyền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại Điều 188 của Luật này.

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tập trung đất nông nghiệp và đảm bảo ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tập trung. Cần xem xét lại việc bảo đảm ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tập trung để đảm bảo định hướng sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất nông nghiệp

Đối với Điều 164 về tích tụ đất nông nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Tiến, việc tích tụ đất nông nghiệp cần tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và các pháp luật khác có liên quan; sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của các tổ chức, cá nhân có liên quan; Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; Phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Các phương thức tích tụ đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị bổ sung phương thức tặng, cho quyền sử dụng đất. Theo đó, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Tặng, cho quyền sử dụng đất. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ đất đai với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tích tụ. Đề nghị sửa ”với quy mô phù” hợp thành “theo quy định của pháp luật đất đai”.

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tích tụ đất nông nghiệp và đảm bảo ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tích tụ. Đề nghị bỏ cụm từ: “và đảm bảo ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tích tụ”./.

Bích Lan