DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE SẼ ĐƯỢC TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
“Lỗ hổng” pháp lý
Theo quy định pháp luật hiện hành: “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công; “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải” là kho số phục vụ quản lý nhà nước; Chính phủ có nhiệm vụ khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước. Đồng thời, pháp luật về giao thông đường bộ quy định: “xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số. Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới” và Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định pháp luật, do đó Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới.
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, trong những năm qua, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Công an tiến hành nhiều giải pháp nhằm đơn giản các thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, thực hiện phân cấp đăng ký ô tô cho Công an cấp huyện, phân cấp đăng ký mô tô Công an cấp xã có đủ điều kiện, nhằm giảm số lần đi lại và thời gian chờ đợi của người dân; công khai minh bạch các thủ tục, lệ phí đăng ký, cấp biển số; tiếp nhận đăng ký xe qua mạng Internet, qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, trả đăng ký xe cho người dân qua dịch vụ bưu chính công ích… cấp biển số ô tô cho xe của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên.
Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công An Lê Xuân Đức
Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công An Lê Xuân Đức, thực tế xã hội cho thấy nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp” tùy theo quan niệm và sẵn sàng trả giá cao đối với các biển số đó. Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng “biển số đẹp” bằng hình thức đấu giá vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng là tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn. Tuy nhiên việc triển khai đấu giá biển số trên thực tế không thể triển khai do vướng mắc về mặt pháp lý.
Từ năm 2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Tuy nhiên, việc đấu giá biển số ô tô nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ gặp vướng mắc về pháp lý, khó đạt được hiệu quả cao, bởi vậy cần có những quy định mang tính đặc thù so với các quy định của pháp luật hiện hành.
Phân tích cụ thể về những bất cập này, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công An Lê Xuân Đức cho biết:
Thứ nhất, chúng ta chưa có cơ sở pháp lý cho việc triển khai cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải được xác định là tài sản công; một trong các hình thức khai thác nguồn tài chính từ tài sản công là cấp quyền khai thác tài sản công và có thể khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước bằng việc thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số phục vụ quản lý nhà nước thông qua hình thức bán đấu giá; Bộ, cơ quan trung ương được giao quản lý nhà nước đối với kho số có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định về hình thức thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số, xác định giá khởi điểm để đấu giá, xác định giá niêm yết, lộ trình thực hiện và các nội dung cần thiết khác để thực hiện việc thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan trung ương. Tuy nhiên, việc triển khai bán loại tài sản công này theo phương thức đấu giá còn gặp vướng mắc về pháp lý do Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “cấm mua bán biển số xe cơ giới” (khoản 22 Điều 8).
Thứ hai, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định về quản lý biển số trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá loại tài sản này. Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền của chủ sở hữu tài sản (Điều 186 đến Điều 196, một số điều khoản khác có liên quan); Luật Đấu giá tài sản 2016 đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá (Điều 48) nhưng biển số ô tô là tài sản định tính nên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa thể hiện người trúng đấu giá biển số ô tô (bỏ ra một số tiền nhất định) có quyền và nghĩa vụ gì. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành quy định phương tiện giao thông gắn với biển số đăng ký và chưa cho phép chủ phương tiện được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế phương tiện mà được giữ lại biển số.
Những quy định tại các văn bản trên chưa đảm bảo cho người trúng đấu giá biển số xe có quyền được sử dụng biển số lâu dài trong khi có thể họ đã bỏ khoản tiền không nhỏ để có được; chưa khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá quyền lựa chọn sử dụng biển số.
Thứ ba, về việc xác định giá khởi điểm, để đấu giá tài sản, một trong những yêu cầu bắt buộc là phải xác định giá khởi điểm của tài sản đưa ra đấu giá, theo đó giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối loại tài sản đó. Thẩm quyền xác định giá khởi điểm được quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP: “Bộ, cơ quan trung ương được giao quản lý nhà nước đối với kho số có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định về hình thức thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số, xác định giá khởi điểm để đấu giá…”, “Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá xác định để làm căn cứ quyết định giá khởi điểm”. Tuy nhiên, biển số đưa ra đấu giá là tài sản công đặc biệt phục vụ quản lý nhà nước nên chưa đồng nhất trong việc áp dụng các quy định pháp luật nêu trên. Nếu việc đấu giá biển số thực hiện theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức đấu giá sẽ phải thành lập Hội đồng định giá hoặc thuê các tổ chức thẩm định giá để làm căn cứ xác định giá khởi điểm, nhưng chưa có căn cứ để xác định được giá khởi điểm (đắt, rẻ hay phù hợp, có thất thoát tài sản nhà nước hay không). Giá trị của biển số gồm 2 phần: (1) giá trị vật chất của biển số ô tô khi cấp đổi cho chủ phương tiện sẽ thu lệ phí là 100.000 đồng theo quy định của Thông tư 229/2016/TT-BCA ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính; (2) quyền tài sản của biển số, hiện nay chưa có căn cứ, dữ liệu để xác định giá trị của quyền biển số, vì vậy, không có cơ sở pháp lý nào để xác định giá trị từng biển số do biển số chỉ có giá trị ảo, phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu của từng cá nhân và giá trị của biển số đấu giá sẽ do thị trường quyết định; biển số đấu giá cho cá nhân, tổ chức theo sở thích, theo quy định về công tác đăng ký, quản lý phương tiện, đồng thời biển số là tài sản công phục vụ quản lý nhà nước (tài sản đặc thù).
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không thể xác định được giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá. Trong khi việc đấu giá các tài sản công đặc thù (quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông và tên miền Internet) đều quy định cụ thể cách thức để xác định giá khởi điểm.
Thứ tư, về quy định đấu giá trong trường hợp chỉ có 01 người duy nhất, theo Luật Đấu giá tài sản 2016, việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có 01 người đăng ký tham gia đấu giá, 01 người tham gia cuộc đấu giá, 01 người trả giá không áp dụng đối với tài sản công (Điều 59). Quy định này áp dụng với việc đấu giá biển số không khả thi do thực tế có nhiều người sẽ lựa chọn biển số theo ý thích cá nhân như biển số theo ngày tháng năm sinh, ngày kỷ niệm,... nên việc một người tham gia đấu giá sẽ tương đối phổ biến. Nếu áp dụng quy định nêu trên của Luật Đấu giá tài sản 2016 để tổ chức đấu giá lại nhằm mục đích thu được nhiều hơn tiền cho ngân sách nhà nước sẽ không khả thi và gây tốn kém không cần thiết.
Cần được “lấp đầy”
Từ các phân tích trên, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công An Lê Xuân Đức nhấn mạnh, cần có quy định pháp luật để điều chỉnh việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để triển khai hiệu quả công tác này, cụ thể là cần có một số quy định khác với các luật hiện hành như (1) Luật Quản lý tài sản công; (2) Luật Giao thông đường bộ; (3) Luật Đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu quy định pháp luật tại một số nước như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Myanmar, Hàn Quốc… cho thấy nquốc gia đã tổ chức đấu giá biển số nhưng cách quản lý biển số các nước không giống nhau, việc quản lý biển số phụ thuộc vào hệ thống luật pháp của mỗi nước, đây là một trong các nội dung để tham khảo, xây dựng chính sách, pháp luật về vấn đề này. Do vậy việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là hết sức cần thiết và đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này với hình thức văn bản là Nghị quyết “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá sẽ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân
Nhiều ý kiến cũng cho, rằng việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá sẽ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh dư luận cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ô tô giá trị cao, “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”. Một số nước cũng đã triển khai đấu giá biển số xe (Thái Lan, Malaysia, Singapore) hoặc tự chọn biển số xe theo sở thích (Mỹ, Nhật Bản, Myanmar). Tuy nhiên, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, có nhiều đặc thù, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên phải trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp.
Việc xây dựng thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay để chủ phương tiện có quyền lựa chọn, khả thi khi thực hiện; đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật và mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá. Đồng thời, khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá quyền lựa chọn biển số; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số hiện nay để có thể số hóa hoàn toàn trong lĩnh vực đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân.
Đang lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công An Lê Xuân Đức cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị quyết này, Bộ Công an đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập, gồm đại diện lãnh đạo cấp vụ, cục và chuyên viên của các bộ có liên quan; có báo cáo đánh giá tác động và báo cáo tổng kết công tác đăng ký xe; các chính sách trong Nghị quyết đã nhiều lần gửi lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết được lấy ý kiến của 5 Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải và đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến tham gia đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu và giải trình; đã được Bộ Tư pháp thẩm định 02 lần vào Hồ sơ đề nghị xây dựng và Hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp cho ý kiến về các nội dung trong Nghị quyết trước khi trình Quốc hội. Ngày 05/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP về thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Trên cơ sở đó, ngày 22/8/2022, Chính phủ có Tờ trình số 285/TTr-CP kèm theo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết báo cáo Quốc hội. Ngày 30/8/2022, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh có Báo cáo số 624/BC-UBQPAN15 thẩm tra đề nghị xây dựng Nghị quyết.
Ngày 22/9/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, thống nhất và ban hành Nghị quyết số 28/2022/UBTVQH15 ngày 24/9/2022 của về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Ngày 26/9/2022, Tổng thư ký Quốc hội có Thông báo số 1484/TB-TTKQH thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022./.