TS.NGUYỄN ĐÌNH BỒNG: DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) GÓP PHẦN THÚC ĐẨY SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP QUY MÔ LỚN, TẬP TRUNG, HIỆU QUẢ

08/10/2022

Quan tâm đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, TS.Nguyễn Đình Bồng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng, những quy định mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế và thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.

PGS.TS NGUYỄN QUANG TUYẾN: HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP NHẰM SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI HIỆU QUẢ TRONG BỐI CẢNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

Thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả

Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Quan tâm đến một số quy định về quản lý sử dụng đất nông nghiệp quy định trong dự thảo luật, TS.Nguyễn Đình Bồng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng công phu, đã thể chế hoá được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dự thảo luật đã có nhiều quy định mới, trong đó có những nội dung mang tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn và có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.

Phân tích cụ thể một số điểm mới trong dự thảo Luật, TS.Nguyễn Đình Bồng chỉ ra rằng, về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định không quá 15 lần. Theo quy định này diện tích đất cây hàng năm của hộ gia đình, cá nhân sử dụng tối đa lên tới 45 ha, diện tích đất trồng cây lâu năm vùng đồng bằng 150 ha, vùng Trung du miền núi là 450 ha; diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất 450 ha. Quy định này đủ lớn để đáp ứng cho hộ gia đình, cá nhân có khả năng, có nhu cầu mở rộng quy mô sử dụng đất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả.

Về đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng, dự thảo Luật quy định tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được Nhà nước xem xét cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

TS.Nguyễn Đình Bồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam

Theo TS.Nguyễn Đình Bồng, quy định về đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng góp phần khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, sử dụng kém hiệu quả đất lâm nghiệp kéo dài trong nhiều năm qua, góp phần khai thác đầy đủ tiềm năng quỹ đất lâm nghiệp phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt đối với vùng các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Quy định về đất trồng lúa đã tạo điều kiện cho nông dân các vùng quy hoạch trồng lúa sản xuất hiệu quả, ổn định đời sống, an tâm đầu tư, bảo vệ, cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa hàng hoá tập trung, hiệu quả.

Với quy định về đất chăn nuôi tập trung, các nhà đầu tư trong và ngoài nước có cơ hội tiếp cận với nguồn đất chăn nuôi còn nhiều tiềm năng cho sản xuất gia súc, gia cầm, gắn với cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc, gia cầm… đáp ứng yêu cầu sản xuất tập trung, quy mô lớn hiệu quả. Quy định về đất khu nông nghiệp tận trung đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn trong giai đoạn hiện nay khi nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nước và trở thành nhà cung cấp nông sản hàng hoá hàng đầu thế giới.

Qua nghiên cứu, TS.Nguyễn Đình Bồng nhận thấy 90% đất sản xuất nông nghiệp do hộ gia đình cá nhân quản lý sử dụng với phương thức sản xuất phân tán quy mô nhỏ, hiệu quả thấp còn phổ biến. Trong khi đó, các tổ chức kinh tế chỉ quản lý sử dụng 10% đất sản xuất nông nghiệp; quy mô còn nhỏ. Mặt khác, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ; lao động nông nghiệp chiếm 34% lao động cả nước. Chuyển dịch lao động nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp dịch vụ chưa bền vững… Tuy nhiên, TS.Nguyễn Đình Bồng nêu rõ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã giải thích rõ khái niệm tập trung, tích tụ đất đai và quy định cụ thể về nguyên tắc và phương thức tậo trung đất nông nghiệp; quy định cụ thể về nguyên tắc và phương thức tích tụ đất nông nghiệp.

Từ những phân tích trên, TS.Nguyễn Đình Bồng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng với những quy định mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện tại; đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong nước; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, với những quy định mới này, khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tiếp cận với đất đai thuận lợi; khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà nước ta có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả./.

Minh Thành