Hội thảo khoa học quốc tế Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của CHLB Đức
Theo TS.Đoàn Quang Đông, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời và có hiệu lực hơn 10 năm, là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Trong các chủ thể tham gia vào hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có vai trò trung tâm và định hướng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện theo. Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ qyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như là lực lượng chính trong việc tổ chức thực thi luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trước bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Trong nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đều có các cam kết về chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam (tại Chương 16 của Hiệp định CPTPP có quy dịnh tại Điều 16.6 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đó có các cam kết về hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức về bảo vệ người tiêu dùng,… ) cũng như tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà rõ nét nhất là sự bùng nổ của thương mại điện tử đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, hoạch định chính sách cũng như thể hiện vai trò đầu tàu trong triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
TS.Đoàn Quang Đông cũng cho biết, Chỉ thị số 30 –CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà đi đầu là người đứng đầu, đảng viên, tổ chức đảng đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải là trách nhiệm của toàn xã hội, phải huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để thể hiện hết vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới, TS.Đoàn Quang Đông tập trung kiến nghị 06 nội dung trọng tâm:
Một là, đối với hoạt động xây dựng chính sách cần sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó cần ban hành các quy định có liên quan có tính đến các yếu tố của giao dịch xuyên biên giới của người tiêu dùng, cần quy định các biện pháp giải quyết tranh chấp xuyên biên giới của người tiêu dùng cũng như cách thức giải quyết tranh chấp trên môi trường mạng. Đối với trách nhiệm của tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ cần bổ sung các trách nhiệm gắn với sự phát triển của khoa học, công nghệ cũng như cách mạng công nghiệp 4.0 cụ thể các giao dịch trên không gian mạng, hoặc nhiều bên tham gia vào giao dịch cung cấp hàng hóa dịch vụ cho người tiêu dùng (không dừng lại ở người mua và người bán như các giao dịch truyền thống); hay trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng không chỉ đơn thuần là bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng mà cần tính đến các thông tin có liên quan đến quá trình giao dịch, thông tin liên quan đến hành vi, sở thích, thói quen,….
Hai là, đối với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải có các quy định nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan đầu mối, vai trò điều phối trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công thương đồng thời quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ban ngành chủ quản khác đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ba là, xây dựng ban hành các quy định để kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ dừng lại ở các tổ chức xã hội mà cả các tổ chức chính trị - xã hội như Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trương ương Đoàn Thanh niên Việt Nam… , các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan tổ chức có liên quan khác.
Bốn là, cần phát huy hơn nữa chức năng thanh tra, kiểm tra nhằm làm lành mạnh thị trường, hạn chế đến mức tối thiểu các hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo cung cấp tới tay người tiêu dùng.
Năm là, cần có các hình thức động viên, khen thưởng, nêu gương các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời có các biện pháp xử phạt nghiêm minh tổ chức cá nhân cố tình vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Sáu là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kiến thức tiêu dùng cho các đối tượng khác nhau, lứa tuổi khác nhau tại các vùng miền trên cả nước.
Ngoài ra, TS.Đoàn Quang Đông cũng kiến nghị, bổ sung nguồn lực (nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất) cho các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương./.