ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI BỘ TÀI CHÍNH, BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

30/09/2022

Chiều ngày 30/9, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có buổi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, xây dựng kế hoạch năm 2023 trong các lĩnh vực do Ủy ban phụ trách. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Kiểm toán nhà nước

Tham dự buổi làm việc có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại diện Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và một số cơ quan có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Thị Bích Ngọc

Báo cáo với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tính đến 30/6/2022, về cơ bản các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ dự toán chỉ thường xuyên theo các Nghị quyết của Quốc hội, quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính. Công tác phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022 đối với các lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao, du lịch, phát thanh, truyền hình, thông tấn thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; việc điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao. Dự toán ngân sách trung ương cùng với chi ngân sách chi địa phương, chi thực hiện các nhiệm vụ được Nhà t nước đặt hàng, tài trợ, nguồn lực dành cho lĩnh vực văn hóa thông tin, thể thao, du lịch, phát thanh, truyền hình, thông tấn cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các Nghị quyết, chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Nhu cầu nguồn lực dành cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là rất lớn để xúc tiến, triển khai được các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn; đề nghị các đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia hỗ trợ phát triển các lĩnh vực.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ tới nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp trong các lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao, du lịch, phát thanh, truyền hình, thông tấn; một số hoạt động thể dục thể thao quần chúng trên toàn quốc phải giảm về số lượng và quy mô; hoãn tập huấn và tham dự một số giải thể thao quốc tế.

Tại thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp dự toán thu, chi năm 2023 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước năm 2023 – 2025 để trình các cấp có thẩm quyền, vì vậy, chưa có số liệu về chi ngân sách nhà nước cụ thể cho từng lĩnh vực.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Chi

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư ở một số cơ - quan còn nhiều bất cập, mang tính hình thức dẫn đến nhiều dự án đã được giao kế hoạch nhưng chưa thể triển khai thực hiện và giải ngân, như: các dự án nâng cấp công trình thể thao phục vụ SEAGAMES 31 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các dự án thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam. Khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát cơ bản nhưng những tác động tiêu cực vẫn còn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội như sự thiếu hụt về nhân lực và người lao động, nhất là lao động giản đơn, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng trên thế giới, nhất là bối cảnh Trung Quốc vẫn duy trì dãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19,.. điều này ảnh hưởng nhiều đến giá cả nguyên vật liệu phục vụ công tác xây dựng, các nguồn cung ứng hàng hóa, thiết bị nhập khẩu bị đình trệ.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Chi cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư năm 2023 của 6 ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách tăng 7% so với kế hoạch năm 2023.

Mặc dù đến thời điểm xây dựng báo cáo (22/9/2022), Chính phủ chưa có phương án dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương năm 2023, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và nhu cầu vốn đầu tư công cho các lĩnh vực, Bộ, ngành, địa phương theo đúng định hướng giai đoạn 2021-2025, bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết chuyên đề, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, đặc biệt là cụ thể hóa Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Bước đầu cho thấy, công tác chuẩn bị dự toán năm 2023 được tiến hành kỹ lưỡng; tuân thủ quy định pháp luật; cơ chế, chính sách, chế độ theo quy định trên cơ sở phân tích; xem xét yêu cầu nhiệm vụ năm 2023, định hướng giai đoạn 2023-2025. Báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư đã dự kiến cụ kế hoạch đầu tư công Để giai đoạn 2023-2025 của 6 lĩnh vực do Ủy ban phụ trách, trong đó đánh giá cụ tỷ trọng vốn nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài. Tuy nhiên, Cần có số liệu so sánh, đánh giá tăng/giảm nguồn vốn năm 2023/2022 cho từng lĩnh vực và từng cơ quan Bộ, ngành trung ương.

Các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu

Qua thảo luận, các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cáo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; cho rằng các Báo cáo được chuẩn bị cơ bản bám sát đề cương ủy ban đề nghị; cung cấp nhiều số liệu, thông tin vừa tổng thể, vừa cụ thể về tình hình phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022 trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách, thể hiện được nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương; vốn chi sự nghiệp (Ngân sách trung ương và địa phương) cho văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục-đào tạo; thông tin-truyền thông, tín ngưỡng-tôn giáo. Các Báo cáo đã đánh giá được kết quả thực hiện năm 2022, Đồng thời, dự toán năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2023-2025 các lĩnh vực.

Tuy nhiên, Báo cáo chưa thể hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; vấn đề khắc phục, xử lý, thực hiện những đề xuất, kiến nghị của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các Bộ, ngành được nêu ra đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài tài chính ở những kỳ làm việc trước chưa được thể hiện trong báo cáo. Thời gian gửi báo cáo của Bộ Tài chính còn chậm, đến ngày 29/9 mới nhận được báo cáo chính thức của các Bộ, nên khó khăn cho Thường trực Ủy ban trong công tác nghiên cứu, phân tích đánh giá thẩm tra báo cáo.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã nỗ lực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách về tài chính và đầu tư phát triển làm cơ sở khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và các lĩnh vực thuộc Ủy ban phụ trách.

Về một số vấn đề cần quan tâm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cần tăng cường công tác rà soát, thống kê, tổng hợp số liệu tài chính, ngân sách, đầu tư các lĩnh vực ở trung ương và địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, góp phần tích cực phục vụ công tác quản lý nhà nước (Tổng hợp được toàn bộ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; tín ngưỡng, tôn giáo; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông và thanh niên, trẻ em); xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa phù hợp hơn để tăng cường huy động các nguồn lực cho các lĩnh vực văn hóa-giáo dục, đào tạo các ngành, nghề đặc thù, ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện quyền tự chủ, đặt hàng dịch vụ công thiết yếu.

Đồng thời, xem xét các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các lĩnh vực Ủy ban theo dõi; xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, ưu tiên bố trí kinh phí theo tỷ lệ quy định, tăng kinh phí đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa-xã hội; thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước, cho học sinh, sinh viên; thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách cho các đối tượng đặc biệt (trẻ em vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi, dân tộc thiểu số); thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đầu tư các công trình, dự án trọng điểm…

Đặc biệt, tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Thúc đẩy giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ; kịp thời điều chỉnh, điều chuyển vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước: Theo dõi, đánh giá, thực hiện... việc cắt giảm, điều chuyển ngân sách nhà nước ở những nơi khả năng hấp thụ vốn, tiến độ giải ngân thấp và thực hiện tiết kiệm chi ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng Báo cáo của hai Bộ đã cung cấp thông tin đầy đủ về đầu tư và tình hình thực hiện chi thường xuyên của các bộ, ngành, giúp Ủy ban hiểu hơn về các lĩnh vực mình theo dõi có vận hành đúng với tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, từ đó có ý kiến để các lĩnh vực hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài sự nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan trong các lĩnh vực, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục ủng hộ lĩnh vực văn hóa – xã hội nói chung, để khối này vận hành tốt hơn trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc: 

Toàn cảnh buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc

Đại diện một số cơ quan phát biểu tại buổi làm việc

 

Qua thảo luận, các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cáo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; cho rằng các Báo cáo được chuẩn bị cơ bản bám sát đề cương ủy ban đề nghị; cung cấp nhiều số liệu, thông tin vừa tổng thể, vừa cụ thể về tình hình phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022 trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách

Về một số vấn đề cần quan tâm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cần tăng cường công tác rà soát, thống kê, tổng hợp số liệu tài chính, ngân sách, đầu tư các lĩnh vực ở trung ương và địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, góp phần tích cực phục vụ công tác quản lý nhà nước

 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng Báo cáo của hai Bộ đã cung cấp thông tin đầy đủ về đầu tư và tình hình thực hiện chi thường xuyên của các bộ, ngành, giúp Ủy ban hiểu hơn về các lĩnh vực mình theo dõi có vận hành đúng với tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, từ đó có ý kiến để các lĩnh vực hoạt động hiệu quả hơn

Thu Phương – Nghĩa Đức

Các bài viết khác