CẦN ĐẨY MẠNH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ, CHUYỂN SANG MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG THEO CHIỀU SÂU

30/09/2022

Đóng góp ý kiến vào quá trình hoạch định chính sách kinh tế trong điều kiện nhiều biến động và khó lường, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm

Đánh giá chung về quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phục hồi, phát triển sau đại dịch của nước ta trong thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011-2020 đã thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng suất; đảm bảo và củng cố kinh tế vĩ mô. Chuyển dịch cơ cấu ngành, lĩnh vực diễn ra tích cực theo hướng chú trọng khai thác các thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành Việt Nam có lợi thế trong chuỗi giá trị và sản xuất quốc tế; cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh để thu hút tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong và ngoài nước. Những kết quả đã đạt được là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong những giai đoạn tiếp theo trên cơ sở tận dụng hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nêu rõ, nền kinh tế nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào các yếu tố đầu vào (vốn, lao động, tài nguyên), đóng góp của đổi mới, sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển. Cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng) mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành theo mục tiêu theo kế hoạch đặt ra. Hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra; mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022

Ngoài ra, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp công vẫn còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành/lĩnh vực còn chậm. Chuyển dịch cơ cấu các ngành theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm, chưa tạo được nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần được hoàn thiện. Các chuyên gia cho rằng cần phân tích kỹ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan của các tồn tại, hạn chế này, để có các giải pháp tháo gỡ khả thi, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Những biến động toàn cầu gây hạn chế tính tự chủ của nền kinh tế

Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Các yếu tố rủi ro như bất ổn địa chính trị; chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, xu thế chuyển sang các chính sách hướng nội, thậm chí tiến tới chủ nghĩa bảo hộ, và chủ trương đưa sản xuất về trong nước của một số nước phát triển, v.v. gây khó khăn, hạn chế cho khả năng nắm bắt, phân tích, dự báo, khả năng cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, những yếu tố bất thường xẩy ra như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu (hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, với cường độ và ảnh hưởng ngày càng mạnh) đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế tại Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2020, đại dịch COVID-19 càng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch đến các nước trên thế giới, kể cả Việt Nam làm cho nhiều mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế chuyển từ có khả năng hoàn thành sang không hoàn thành và nhiều nhiệm vụ khó có điều kiện được thúc đẩy triển khai.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ, tạo ra nhiều thách thức mới và to lớn trong đổi mới tư duy, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, với nhiều công nghệ mới, hình thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, và đổi mới sáng tạo, v.v. trong sản xuất, kinh doanh. Đây là những vấn đề mới, cần tư duy quản lý và thể chế quản lý mới, đặt ra thách thức cho Việt Nam trong hoàn thiện các quy định nhằm quản lý tốt sự phát triển. Nhiều vấn đề quan trọng của cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là những vấn đề dài hạn của nền kinh tế. Một số chính sách đã được ban hành nhưng thời gian triển khai ngắn, chưa có kết quả rõ rệt. Xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, nguồn lực tài chính để thực hiện cơ cấu lại còn hạn chế.

Các giải pháp điều hành chưa có tính dài hạn, chưa tập trung

Về nguyên nhân chủ quan, một số chuyên gia đánh giá, mặc dù có sự thay đổi căn bản nhưng nhận thức một số vấn đề về cơ cấu lại nền kinh tế vẫn chưa sâu sắc, thống nhất, nhất là về thể chế kinh tế thị trường, phân bổ nguồn lực thông qua thị trường các nhân tố sản xuất, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, v.v. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm chưa tập trung đúng mức vào việc đạt được các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng, dẫn đến các giải pháp điều hành chưa có tính dài hạn, chưa tập trung vào mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cùng với đó, định hướng ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chưa được quán triệt xuyên suốt và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành ở một số Bộ, ngành và địa phương, trách nhiệm người đứng đầu có lúc, có nơi chưa có chuyển biến thực sự mạnh mẽ phù hợp với yêu cầu phát triển. Điều này đã ảnh hưởng tới tốc độ, chất lượng, hiệu quả của việc cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Các Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự Diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam 2022

Các chuyên gia cũng cho rằng, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đầy đủ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Thị trường các yếu tố sản xuất chậm phát triển, chưa là cơ chế chính trong phân bổ nguồn lực để đạt được hiệu quả cao nhất. Một số chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế được xác định trong các nghị quyết gần đây chậm được triển khai thực hiện. Chậm ban hành các thể chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số để tận dụng nhanh và hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 mang lại.

Thêm vào đó, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện một số nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế. Một số nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế có tính chất liên ngành, đa lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan, bộ ngành để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ các khó khăn.

Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế chưa xác định rõ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với trình độ phát triển của các địa phương; hiệu quả của liên kết vùng, thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm chưa được phát huy. Kết quả là các giải pháp áp dụng tại các địa phương còn dàn trải, chưa khai thác được thế mạnh của từng địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm, chưa tạo được bước đột phá trong kết quả chung.

Minh Hùng

Các bài viết khác