CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ NGA CHỦ TRÌ BUỔI LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN ỦY BAN THƯỜNG TRỰC THƯỢNG VIỆN THÁI LAN

30/09/2022

Sáng 30/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã có buổi làm việc với Đoàn Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan do Chủ tịch Ủy ban Klanarong Chanthick làm trưởng Đoàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan

Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Trần Thị Hồng An cùng các cán bộ Văn phòng Quốc hội.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bày tỏ vui mừng được tiếp và làm việc với Đoàn Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ chuyến thăm và làm việc của Đoàn lần này góp phần thiết thực vào thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai cơ quan lập pháp hai nước. Bày tỏ mong muôn hai bên không ngừng tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lập pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam sẵn sàng trao đổi về những vấn đề Đoàn quan tâm.

Cảm kích trước sự đón tiếp nồng nhiệt của phía Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan Klanarong Chanthick cho biết chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này với mong muốn xây dựng quan hệ gắn bó thân thiết cùng phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam. Đoàn cũng đã vinh dự của buổi gặp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và nhận được sự đón tiếp chân tình và nồng hậu từ phía các cơ quan trong suốt chuyến công tác.

Tại buổi làm việc hai bên đã cùng trao đổi chia sẻ thông tin về tổ chức và hoạt động của mỗi cơ quan, vai trò của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhất là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, chính sách, pháp luật của Việt Nam về vấn đề này. Theo Chủ tịch Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp Thái Lan, những thông tin này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện chính sách và thực thi của Thái Lan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trao đổi tại buổi làm việc

Trao đổi về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong công tác phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Hàng năm, Chính phủ có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trước Quốc hội và Ủy ban Tư pháp sẽ thẩm tra báo cáo này của Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay được tăng cường, tình hình tham nhũng từng bước được đẩy lùi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kết hợp giữa xử lý hành chính, xử lý của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể với xử lý hình sự. Đặc biệt tại Việt Nam có Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng Trung ương hoạt động hiệu quả góp phần vào đẩy lùi tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Các vụ án kinh tế tham nhũng được xử nghiêm và lòng tin trong xã hội ngày càng nâng cao. Người dân Việt Nam tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Giới thiệu với Đoàn Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan các quy định pháp luật của Việt Nam về phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2005, Việt Nam cũng đã kí kết tham gia vào Công ước về phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc. Pháp luật hiện Việt Nam hiện quy định tương đối chặt chẽ trong  đó quy định về phòng ngừa tham nhũng, các biện pháp phát hiện hành vi tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu và xã hội, phòng chống tham nhũng trong khu vực tư và xử lý hành vi tham nhũng…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Luật quy định các biện phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, trách nhiệm giải trình và thông tin báo chí; nhấn mạnh các quy định gắn với cán bộ công chức, viên chức những việc không được làm,; quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm báo cáo khi thực thi công vụ; quy định về cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và thanh toán không dùng tiền mặt; các quy định mang tính phòng ngừa tham nhũng, người có chức vụ và cán bộ, công chức phải kê khai tài sản... 

Đối với các biện pháp phát hiện hành vi tham nhũng, Việt Nam có quy định kiểm tra trong cơ quan tổ chức, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động kiểm toán; có cơ chế tiếp nhận phản ánh tố cáo của người dân đối với hành vi tham nhũng; quy định trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; có cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; tùy tính chất hành vi tham nhũng có thể xử lý hình sự, hành chính và kỷ luật. Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam có quy định về điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng. Ngoài xử lý hành vi tham nhũng, pháp luật Việt Nam chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; trường hợp tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và tiến hành nộp 3/4 tài sản tham nhũng thì có thể xem xét giảm án.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại buổi làm việc

Trao đổi về công tác phòng, chống tham nhũng tại Thái Lan, Chủ tịch Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan Klanarong Chanthick cho biết, Thái Lan rất chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng. Tội phạm tham nhũng ở Thái Lan có thể bị tử hình. Thái Lan quy định công chức nhà nước và chính trị gia không được nhận quà quá 3.000 bath (hơn 2 triệu VND). Trước thực trạng tham nhũng, Thái Lan đã quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về phòng chống tham nhũng – Ủy ban độc lập có chức năng giám sát, phát hiện, điều tra vụ án tham nhũng đối với cán bộ công chức, chính trị gia. Khi có dấu hiệu tham nhũng sẽ chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát và xét xử tại Tòa án tối cao.

Chủ tịch Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp Thái Lan Klanarong Chanthick cũng cho biết, cùng với việc chú trọng ban hành luật pháp nghiêm khắc, Thái Lan công khai cho tất cả người dân tìm hiểu về tài sản của các cán bộ, lãnh đạo và chính trị gia. Chính người dân sẽ trở thành “tai mắt” cung cấp thông tin cho các cơ quan, phát hiện việc kê khai không trung thực. Nhiều vụ án liên quan đến kê khai không chính xác được xử lý là nhờ người dân phát hiện, cung cấp thông tin.

Chủ tịch Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp Thái Lan Klanarong Chanthick 

Chủ tịch Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp Thái Lan chia sẻ, mặc dù có nhiều luật dù nghiêm khắc đến đâu thì người có ý định tham nhũng đều sẽ tìm cách né tránh lách luật. Vì vậy bên cạnh việc chú trọng ban hành luật nghiêm khắc để trừng trị hành vi tham nhũng thì điều quan trọng khiến cho người dân ý thức và có sự căm ghét đối với hành vi tham nhũng, không chấp nhận hành vi tham nhũng tồn tại từ đó có sự phối hợp của tất cả các cơ quan và với toàn dân trong phòng, chống tham nhũng.

Đánh giá cao kết quả tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp Thái Lan Klanarong Chanthick cảm ơn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Thường trực Ủy ban Tư pháp đã dành thời gian làm việc với Đoàn về công tác xây dựng pháp luật cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam; khẳng định đây là những thông tin hữu ích phục vụ nghiên cứu điều chỉnh chính sách, pháp luật của Thái Lan để thực hiện ngày càng tốt hơn phòng chống tham nhũng – mối nguy hại lớn nhất đối với mỗi quốc gia. Chủ tịch Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp Thái Lan mong muốn hai bên duy trì mối quan hệ mật thiết để tiếp tục trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm… để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, qua đó, đóng góp hiệu quả cho công tác phòng, chống tham nhũng ở mỗi nước. 

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tiếp Đoàn Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan do Chủ tịch Ủy ban Klanarong Chanthick làm trưởng Đoàn.

Đoàn Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại buổi làm việc

Chủ tịch Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức Độc lập theo Hiến pháp Thái Lan Klanarong Chanthick 

Các đại biểu tại buổi làm việc

Hai bên trao quà và chụp ảnh lưu niệm

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác