GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ: DẤU ẤN ĐỔI MỚI, KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

28/09/2022

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, nhất là năm 2022, đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong đó, kết quả giám sát các chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là minh chứng đậm nét nhất cho những đổi mới, cải tiến, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động trong lĩnh vực giám sát, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước.

Tổng thuật sáng 27/9: Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội. Do đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đổi mới phương thức, nội dung và quy trình tổ chức giám sát

Một trong những dấu ấn, kết quả nổi bật trong hoạt động giám sát năm 2022 là những đổi mới trong cả nội dung lẫn cách thức tiến hành giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo tại Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: “Kết quả giám sát các chuyên đề là minh chứng cho những đổi mới, cải tiến trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; góp phần tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động thực tiễn về 4 nội dung của chuyên đề giám sát, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước, cũng như mong muốn của các vị đại biểu Quốc hội khi “bấm nút” lựa chọn các chuyên đề này để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong năm 2022”.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong hoạt động giám sát chuyên đề, năm 2022, Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí) và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề (Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021và Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021). Việc triển khai hoạt động của các đoàn giám sát chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có nhiều đổi mới nổi bật. Cụ thể: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các đoàn giám sát chuyên đề; xác định cụ thể hơn đối tượng, nội dung giám sát tại kế hoạch chi tiết theo ủy quyền của Quốc hội. Giao đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả đến đoàn giám sát. 

Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở; đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. 

Một điểm mới nữa là, các Đoàn giám sát đã huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bố trí thời gian nghe báo cáo kết quả bước đầu, vì vậy đã kịp thời chỉ đạo trong quá trình giám sát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Đoàn giám sát.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động

Đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua đã đổi mới cả về phương thức, nội dung và quy trình tổ chức thực hiện. Công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, rõ nét với những chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát được các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn các nội dung được lựa chọn giám sát đều là những vấn đề lớn, quan trọng, là điều kiện để các cấp chính quyền địa phương đánh giá một cách nghiêm túc tình hình tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, triển khai cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn

Cùng quan điểm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nhấn mạnh, nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng các chuyên đề đang được dư luận xã hội và cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm. Nhiều vấn đề nóng đã được các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra để các địa phương giải trình, qua đó, nhận diện được những tồn tại, bất cập xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, tạo chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương như trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí….

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cũng cho biết, qua kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã có nhiều kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thuộc nội dung giám sát.

“Hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực được giám sát, được dư luận và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao…”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh khẳng định.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh 

Đồng tình với những nhận định nêu trên, từ thực tiễn phối hợp triển khai chương trình giám sát tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nêu rõ, kết quả bước đầu hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến mạnh mẽ tới công tác thực hiện chính sách, pháp luật của địa phương. Một số giải pháp, phân công trách nhiệm đã được kịp thời ban hành để khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra.

Thay đổi trong tư duy và cách làm

Ghi nhận những kết quả bước đầu trong hoạt động giám sát chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hoạt động này đã được chú trọng, có nhiều đổi mới, cả trong công tác tổ chức thực hiện, phương pháp giám sát, xây dựng phim phóng sự, tài liệu về kết quả giám sát của Truyền trình Quốc hội Việt Nam. Đồng thời, việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có nhiều cải tiến nổi bật.

Một là, lựa chọn chủ đề giám sát, cách xây dựng, cung cấp các thông tin dữ liệu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các Đoàn đại biểu Quốc hội, của đại biểu Quốc hội xuất phát từ tình hình thực tế, dư luận báo chí, những yêu cầu quản lý để lựa chọn vấn đề và qua tổng kết đều khẳng định việc lựa chọn vấn đề giám sát là đúng và trúng.

Hai là, xem xét cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của Đoàn giám sát xác định cụ thể hơn đối tượng, nội dung giám sát tại kế hoạch chi tiết theo ủy quyền của Quốc hội. Theo đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thêm nhiều thời gian họp cả chính thức và không chính thức để góp ý, bàn thảo về đề cương chi tiết giám sát trước khi gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Đây là cả một quá trình làm việc rất kỹ lưỡng, rất nhiều vòng, nhiều bước để chuẩn bị trước khi tổ chức thực hiện.

Ba là, đã huy động cả Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tham gia giám sát để có thêm luận cứ và bằng chứng sát thực một cách rộng khắp để bảo đảm cho kết quả giám sát dựa trên những chứng cứ, những bằng chứng cụ thể,  tình hình thực tế của các bộ, ngành và địa phương. Hoạt động giám sát cũng huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội.

Bốn là, trong quá trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí thời gian nghe báo cáo kết quả bước đầu vì vậy đã kịp thời chỉ đạo trong quá trình giám sát, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Đoàn giám sát.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hoạt động giám sát chuyên đề vẫn còn một số hạn chế cần được sớm khắc phục như: khó khăn trong việc bảo đảm cân đối thời gian, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động giám sát trong điều kiện khối lượng công việc xây dựng pháp luật và các công tác khác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hết sức nặng nề; Việc tổ chức giám sát có lúc, có nơi còn mang tính hình thức hoặc chưa sâu; Cách thức tổ chức giám sát chuyên đề, nhất là việc kết hợp giữa giám sát trực tiếp với việc nghiên cứu, sử dụng các thông tin, tài liệu do cơ quan chức năng cung cấp hiệu quả chưa thực sự cao;…

Trong phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt việc tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động của Quốc hội”, như chỉ đạo và kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV./.

Lê Anh - Nghĩa Đức