ĐBQH NGUYỄN THỊ THU DUNG: CÂN NHẮC XEM XÉT, THÔNG QUA DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) THEO QUY TRÌNH 03 KỲ HỌP

24/09/2022

Tham gia thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình ba kỳ họp, để có thể phân tích sâu hơn các vấn đề, đảm bảo khi luật được ban hành thì sẽ đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh.

Tổng thuật chiều 08/9/2022: Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, ngay sau đó, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Xã hội đã tổ chức nghiên cứu tài liệu, tiến hành khảo sát và lấy ý kiến tại một số tỉnh, thành phố, tổ chức các hội nghị chuyên gia, hội nghị theo chuyên đề, làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành hữu quan.

Ngày 12/8/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp dự tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp cùng Ủy ban Xã hội phối hợp tổ chức. Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu làm rõ nhiều nội dung trọng tâm, cụ thể đối với dự án luật, cần bám sát mục tiêu, chủ trương, nguyên tắc đề ra từ ban đầu, đảm bảo luật khi ban hành phải khả thi, giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra. Ngày 05/9/2022, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức cuộc họp với Lãnh đạo Bộ Y tế - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật để thống nhất một số nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tham dự cuộc họp có quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - đại diện Ban Soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Nhằm hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4, dự án Luật đã được thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đóng góp ý kiến tại Hội nghị này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị Quốc hội nên xem xét thông qua luật này tại 3 kỳ họp. Theo đại biểu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có ảnh hưởng lớn đến xã hội, tác động tới nhiều lợi ích của người dân, đặc biệt là được người dân rất quan tâm hiện nay. Đây là luật xương sống của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, nên dự án Luật cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp thực tiễn và khả thi. 

Đến nay, dù đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các y bác sĩ, tuy nhiên dự án Luật vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác, một số vấn đề quan trọng, cần được quan tâm, phân tích, mổ xẻ một cách thấu đáo, để khi luật được ban hành thì sẽ đi vào cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và cả người bệnh. Nếu chuyển sang quy trình thông qua sau ba kỳ họp thứ, ngày bắt đầu có hiệu lực thi hành vẫn là 01/01/2024, nên không ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành. Việc thông qua sau ba Kỳ họp cũng sẽ giúp Quốc hội có thêm thời gian để xem xét thấu đáo hơn. Đại biểu đề nghị các cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo hết sức tập trung, lấy thêm các ý kiến đánh giá tác động đối với một số chính sách mới có ảnh hưởng rất lớn đến cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, dự án Luật lần này cũng đưa ra một số nguyên tắc về cấp cứu ngoại viện, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội hàm của cấp cứu ngoại viện, bởi vì cấp cứu ngoại viện không chỉ là cấp cứu của bệnh viện, của nhân viên cấp cứu ra ngoài cơ sở khám, chữa bệnh mà còn ở ngoài cộng đồng. Sự tham gia của lực lượng cấp cứu ngoại viện không chỉ là lực lượng nhân viên y tế mà là một lực lượng rất sẵn có, chính là người dân. Việc người dân tham gia cấp cứu ngoại viện sẽ là một vấn đề rất có lợi khi được đào tạo bài bản. Khi tai nạn hoặc những tình huống bất ngờ xảy ra, người dân có kiến thức về cấp cứu sẽ đóng góp và hỗ trợ cho nhân viên y tế trong lúc chờ đợi rất nhiều. Đặc biệt với y tế cơ sở, việc được đào tạo cấp cứu ngoại viện sẽ rất có lợi và rất hiệu quả trong trường hợp chờ sự hỗ trợ của tuyến trên.

Ngoài ra, đại biểu bày tỏ đồng tình cao khi dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh có một chương quy định về tài chính y tế. Ngành y tế là một ngành đặc biệt, đặc thù, điều này đã được xác định rõ trong nghị quyết của Trung ương, tuy nhiên, việc bám sát những đặc thù đó, thể hiện rõ những điểm đặc biệt đó trong quy định pháp luật thì vẫn chưa được thể hiện một cách rõ ràng. Đại biểu đề nghị dự án Luật lần này cần có những quy định cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong công tác đấu thầu, công tác đào tạo, công tác đầu tư vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, để hỗ trợ cho ngành y tế tập trung chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát triển hơn nữa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn./.

Hồ Hương