Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận
Tham gia đóng góp ý viến về dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung dự thảo Nghị quyết, đánh giá cao cơ quan soạn thảo và Ủy ban Pháp luật đã có quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Đi vào các vấn đề cụ thể, đại biểu bày tỏ quan tâm tới nội dung Điều 3 trong dự thảo, quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Khoản 2 Điều 3 có quy định về trường hợp không thể tham dự phiên họp dưới 2 ngày, thì phải báo cáo bằng văn bản có nêu rõ lý do gửi đến Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa rõ nghĩa, gây nhầm lẫn giữa 2 giả định, đại biểu Quốc hội không thể tham dự dưới 2 ngày của một phiên họp hoặc không thể tham dự phiên họp có thời lượng dưới 2 ngày. Đặt giả thiết một phiên họp, vì lý do đặc biệt nào đó, chỉ có thời lượng 2 ngày thì quy định nêu trên là không đảm bảo tính chặt chẽ, logic. Đại biểu đề nghị sửa đổi như sau: Trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự phiên họp, kỳ họp của Quốc hội hoặc vắng mặt từ 2 ngày trở lên thì phải báo cáo bằng văn bản có nêu rõ lý do gửi đến Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, hiện nay thuật ngữ "phiên họp" chưa được quy định thống nhất, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Phiên họp được hiểu là một buổi họp, một ngày họp, hay một phần của buổi họp dùng để tập trung giải quyết một vấn đề? Trong dự thảo nghị quyết lần này, từ "phiên họp" được sử dụng tới 147 lần, với những hình thức phiên họp kín, phiên họp toàn thể, phiên họp công khai, phiên họp trù bị, các phiên họp thảo luận, chất vấn, biểu quyết và các phiên họp khác, v.v.. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định rõ về khái niệm “phiên họp” để tạo nhận thức đầy đủ, thống nhất về khái niệm này và làm cơ sở để quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham dự các phiên họp của Quốc hội.
Đại biểu Dương Văn Phước cũng nhấn mạnh, việc gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn là khâu hết sức quan trọng, được quy định chặt chẽ tại khoản 2 Điều 97 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, sửa đổi năm 2020. Theo đó, các dự thảo luật, dự án, Nghị quyết phải gửi trước đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày và các tài liệu khác chậm nhất là 10 ngày. Tuy nhiên, tại các kỳ họp vừa qua thì nhiều dự thảo luật, dự án, nghị quyết bị chậm trễ, ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu và làm ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung tham gia góp ý của đại biểu Quốc hội. Đây cũng là một hạn chế rất lớn tồn tại nhiều năm qua và chưa có giải pháp triệt để. Việc thông báo chậm bao nhiêu ngày nhưng không có chế tài cụ thể cũng không thể khắc phục được việc chậm trễ khi trình dự án luật hiện nay. Theo đại biểu, chưa tính đến việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật, việc tổ chức thực thi nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo tính khả thi của các dự án luật được Quốc hội thông qua. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung trực tiếp vào Điều 7 các chế tài mạnh, chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn theo hướng "không trình Quốc hội xem xét đối với các dự thảo, dự án không đảm bảo thời hạn gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 97 của Luật Tổ chức Quốc hội" và đề nghị bổ sung quy định xem xét trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo, dự án trong việc để chậm trễ, nợ đọng dự thảo, dự án, có như thế mới tránh được tình trạng nợ, chậm trình dự án luật, mới đảm bảo thực thi nghiêm quy trình xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, trong quy trình xây dựng, ban hành dự thảo, dự án, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì thực hiện việc đánh giá tác động bổ sung với những chính sách có thay đổi so với dự thảo, dự án ban đầu để đảm bảo thực thi chặt chẽ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi năm 2020, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dự thảo, dự án trình Quốc hội.
Tại Điều 16 dự thảo luật quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tham gia các phiên họp. Đánh giá quy định như dự thảo luật là hợp lý, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với việc chủ động xin hủy đăng ký phát biểu đối với những vấn đề đã được phát biểu trước đó nhằm tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả của phiên họp và tránh trùng lắp.
Ngoài ra, tại Điều 30 dự thảo quy định về hồ sơ trình Quốc hội quyết định về nhân sự, điểm b khoản 1 Điều 30 đã quy định về Báo cáo thẩm tra hồ sơ nhân sự của người được giới thiệu vào các chức danh để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đại biểu cho rằng nội dung quy định này chưa đầy đủ và không rõ nghĩa, cần quy định chặt chẽ hơn, đề nghị sửa đổi theo hướng quy định bắt buộc mọi hồ sơ trình Quốc hội về vấn đề nhân sự phải có Báo cáo thẩm tra về tính đầy đủ, chính xác của các loại hồ sơ theo quy định liên quan của Đảng và pháp luật, ví dụ như bằng cấp có đảm bảo, kê khai tài sản có chính xác hay không. Đây là cơ sở quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, kiểm chứng về sự đầy đủ, trung thực, chính xác về thông tin của các nhân sự được giới thiệu để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng, đồng thời, nó cũng thể hiện sự tôn trọng, phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, cần quy định cơ quan thẩm tra hồ sơ phải chịu trách nhiệm về báo cáo của mình, tránh tình trạng hồ sơ chưa được kiểm chứng, thẩm tra vẫn trình Quốc hội.